6 tháng đầu năm 2019 của ngành Tài nguyên và Môi trường

15/11/2022

     Trong 6 tháng đầu năm 2019, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã quyết liệt chỉ đạo triển khai thực hiện các Nghị quyết số 01/NQ-CPvà 02/NQ-CP năm 2019 của Chính phủ với tinh thần: “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả”.

     Đối với những nhiệm vụ chung, Bộ tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính.Trình Chính phủ ban hành Nghị định số 40/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường (BVMT). Xây dựng trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ 13 đề án triển khai Nghị quyết của Trung ương và thí điểm một số cơ chế đột phá để phát huy nguồn lực tài nguyên cho phát triển KT-XH của đất nước. Hoàn thiện,trình Chính phủ 06 Nghị định; ban hành theo thẩm quyền 09 Thông tư; không còn tình trạng nợ đọng văn bản.

     Công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo, trong 6 tháng đầu năm đã triển khai 07 cuộc thanh tra, kiểm tra; 02 đoàn giám sát thanh tra. Tiếp nhận, xử lý 1.756 lượt đơn khiếu nại, tố cáo, trong đó số đơn thư phải xử lý là 893 vụ việc. Thực hiện tiếp 173 lượt công dân với tổng số 326 người, trong đó có 17 lượt đoàn đông người. Hiện Bộ đang xử lý 19 vụ việc do Thủ tướng Chính phủ giao, đến nay đã báo cáo kết quả xử lý 09 vụ, còn 10 vụ việc đang kiểm tra, xác minh xử lý.

     Trong cải cách hành chính (CCHC), cuối năm 2018, Bộ đã ban hành Kế hoạch CCHC năm 2019 và 12 chương trình, kế hoạch thành phần. Thực hiện cắt giảm, đơn giản hoá 25 TTHC, điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực môi trường. Công bố TTHC trong lĩnh vực đo đạc bản đồ, ban hành văn bản hướng dẫn các địa phương thực hiện nâng cao chỉ số Đăng ký tài sản (A7) lên từ 5 – 8 bậc, chỉ số Chất lượng quản lý hành chính đất đai (B3) lên 2 – 3 bậc trong năm 2019.

     Thực hiện việc quản lý điều hành, ký số hoàn toàn trên môi trường mạng ở Bộ và kết nối với các địa phương. Nâng cấp, hoàn thiện hệ thống Quản lý văn bản và hồ sơ điện tử, liên thông, gửi nhận văn bản trên Trục liên thông văn bản quốc gia. Thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho 99 TTHC, trong đó có 68 dịch vụ công mức độ 3, 15 dịch vụ công mức độ 4 (11 TTHC kết nối với Cổng thông tin Một cửa quốc gia), vượt mức kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao là 63 TTHC. Chỉ số CCHC năm 2018 (PAR INDEX) và Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2018 có bước tiến đạt 82.52/100 điểm, xếp thứ 9/18 Bộ, ngành.

     Đối với khoa học và công nghệ, Bộ đẩy mạnh triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, kết nối điều hành giữa Trung ương và địa phương. Triển khai, cập nhật xây dưng Kiến trúc Chính phủ điện tử của Bộ phiên bản 2.0. Tập trung xây dựng Hệ cơ sở dữ liệu quốc gia về quan trắc môi trường, cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai; triển khai cung cấp Dịch vụ công trực tuyến tại Bộ.

     Ngoài 5 nhiệm vụ chung nêu trên, 6 tháng qua, Bộ cũng đã triển khai có kết quả 4 lĩnh vực quản lý chuyên ngành.

    Đối với tài nguyên đất,Bộ đã trình Quốc hội báo cáo về công tác quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai ở các đô thị và giải trình ý kiến của các đoàn Giám sát. Tập trung khảo sát, xây dựng Khung giá các loại đất,chỉ đạo các địa phương tổng hợp các vướng mắc bất cập trong quá trình thi hành Luật đất đai để sửa đổi, bổ sung Luật đất đai và các Nghị định quy định chi tiết thi hành. Trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 15/CT-TTg về việc kiểm kê đất đai, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2019, Đề án thí điểm tích tụ, tập trung đất đai phục vụ sản xuất nông nghiệp tập trung;Đề án tăng cường quản lý đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường quốc doanh; Đề án các giải pháp phát triển mạnh thị trường quyền sử dụng đất; nhiệm vụ QHSDĐ cấp quốc gia thời kỳ 2021 -2030, tầm nhìn đến năm 2050.

     Rà soát, xử lý, công khai các dự án chậm tiến độ, để lãng phí đất đai, phát huy hiệu quả nguồn lực đất đai cho phát triển, thu ngân sách từ đất đạt 49,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 9,5% thu ngân sách nội địa; chỉ đạo rà soát đất đai có nguồn gốc từ nông lâm trường, khu vực biên giới gắn với công tác ổn định dân cư. Hướng dẫn các địa phương thực hiện tốt công tác đo đạc, đăng ký, cấp Giấy chứng nhận. Kết quả đến nay, cả nước đã hoàn thành công tác cấp Giấy chứng nhận lần đầu đạt trên 97,3% diện tích cần cấp; xây dựng đưa vào vận hành cơ sở dữ liệu của 161/713 đơn vị hành chính cấp huyện; triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai trong khuôn khổ dự án VILG. 

     Trong lĩnh vực tài nguyên nước, Bộ đã hoàn thiện Quy hoạch điều tra cơ bản tài nguyên nước; xây dựng nhiệm vụ Quy hoạch tài nguyên nước quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050.Tập trung kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về tài nguyên nước đối với các tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng nước dưới đất khu vực ĐBSCL.

     Đối với tài nguyên khoáng sản và tài nguyên biển, hoàn thiện hành lang pháp lý cho quản lý chặt chẽ cát sỏi lòng sông, quản lý tài nguyên khoáng sản theo cơ chế thị trường. Bộ đã xây dựng trình Chính phủ Kế hoạch Tổng thể và Kế hoạch 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 khóa XII số 36/NQ-TW ngày 22/10/2018 về phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trình Thủ tướng Chính phủ Chương trình trọng điểm điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo đến năm 2030.

     Đặc biệt, trong lĩnh vực môi trường, Bộ đã khẩn trương khảo sát, đánh giá thực trạng quản lý, quy hoạch xử lý chất thải rắn theo Nghị quyết số 09/NQ-CP của Chính phủ; chuẩn bị cho Hội nghị trực tuyến toàn quốc về quản lý chất thải rắn do Thủ tướng Chính phủ chủ trì. Trình Quốc hội Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia 2018 về môi trường nước các lưu vực sông. Trình Thủ tướng Chính phủ nhiệm vụ Quy hoạch BVMT quốc gia; Quy hoạch tổng thể bảo tồn đa dạng sinh học; Quy hoạch tổng thể quan trắc môi trường quốc gia, thư kêu gọi và tổ chức lễ ra quân toàn quốc chống rác thải nhựa tạo được sự lan tỏa, bước đầu thu hút sự hưởng ứng của các địa phương, doanh nghiệp và Nhân dân. 

     Kiểm soát, giám sát các dự án, nguồn thải lớn, có nguy cơ gây sự cố môi trường. Tập trung chỉ đạo các địa phương triển khai xử lý ô nhiễm tại 47 làng nghề ô nhiễm đặc biệt nghiêm trọng; đôn đốc đẩy nhanh tiến độ xử lý các cơ sở ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, hoàn thiện hệ thống các xử lý nước thải tập trung tại các KCN trước khi đi vào hoạt động. Đến tháng 6 năm 2019, số lượng cơ sở ô nhiễm môi trường nghiêm trọng giảm 79 cơ sở so với năm năm 2017; đã có 242/274 KCN đang hoạt động có khu xử lý nước thải tập trung (đạt 88,3%).

     Về nâng cao chất lượng dự báo, làm tốt vai trò điều phối trong ứng phó với BĐKH: Hoàn thiện thể chế tạo hành lang pháp lý, tiếp tục nâng cao chất lượng công tác dự báo KTTV phục vụ nhu cầu phát triển ngày càng cao của xã hội; Làm tốt vai trò điều phối, chủ động nghiên cứu các giải pháp chiến lược về ứng phó với BĐKH.

     Với công tác viễn thám, thiết lập hành lang pháp lý đầy đủ, đồng bộ cho công tác đo đạc và bản đồ, viễn thám; Hoàn thiện cơ sở pháp lý, chuẩn bị hạ tầng không gian địa lý cho các hoạt động kinh tế – xã hội; Tăng cường ứng dụng viễn thám trong quản lý Tài nguyên và Môi trường.

    Nhìn lại hoạt động triển khai nhiệm vụ và quản lý chuyên ngành của Bộ Tài nguyên và Môi trường 6 tháng đầu năm, đó thực sự không chỉ là kết quả của 9 lĩnh vực với 8 tiêu chí đã hoàn thành. Quan trọng hơn, đây là một chặng đường nhiều nỗ lực trong đổi mới, sáng tạo và đoàn kết của một tập thể lãnh đạo và cán bộ, nhân viên toàn ngành. Những kết quả đạt được của Bộ Tài nguyên và Môi trường, đã góp phần vào một Chính phủ kiến tạo và làm hài lòng của người dân.

 

            Trung tâm Truyền thông tài nguyên môi trường

Bài viết liên quan