(TN&MT) – Sáng 15/7, tại thành phố Quy Nhơn, UBND tỉnh Bình Định và Chương trình phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNDP Việt Nam) tổ chức Hội thảo Các giải pháp tổng hợp nâng cao hiệu quả công tác quản lý chất thải rắn và nhựa tại Bình Định, hướng đến giảm thiểu ô nhiễm nhựa đại dương. Đồng thời ký kết Bản ghi nhớ giữa UBND tỉnh Bình Định và UNDP Việt Nam.
Với mục tiêu hướng đến phát triển bền vững, bảo vệ môi trường và không để ai bị bỏ lại phía sau, trong thời gian qua, Chương trình phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNDP Việt Nam) phối hợp cùng UBND tỉnh Bình Định xây dựng và triển khai một số dự án trong các lĩnh vực như kinh tế tuần hòa, quản lý chất thải, kinh tế biển xanh, thích ứng biến đổi khí hậu và đa dạng sinh học, hành động bom mìn và phát triển nông thôn bền vững.
Trong bối cảnh Chính phủ đang có những cam kết mạnh mẽ về ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý chất thải, giảm thiểu ô nhiễm nhựa đại dương, phục hồi tự nhiên, thúc đẩy chuyển đổi mô hình phát triển hướng tới kinh tế xanh, tuần hoàn, bền vững, đồng thời tăng cường hợp tác quốc tế. Từ những lý do đó, UBND tỉnh Bình Định và Chương trình phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNDP Việt Nam) tổ chức Hội thảo Các giải pháp tổng hợp nâng cao hiệu quả công tác quản lý chất thải rắn và nhựa tại Bình Định, hướng đến giảm thiểu ô nhiễm nhựa đại dương và ký Bản ghi nhớ giữa UBND tỉnh Bình Định và UNDP Việt Nam.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Phi Long, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết 4 dự án quan trọng mà UBND tỉnh Bình Định và UNDP Việt Nam triển khai thực hiện trong thời gian tới: Đề ra các biện pháp hỗ trợ các cộng đồng bị ảnh hưởng trực tiếp của biến đổi khí hậu và nước biển dâng, trong đó ưu tiên đến bình đẳng giới là phụ nữ và trẻ em. Đề ra các biện pháp giảm thiểu rác thải nhựa đại dương và hình thành các mô hình để hỗ trợ các cộng đồng trong việc hạn chế rác thải nhựa, có những mô hình người dân có thể làm lợi từ nguồn phế liệu này. Tập trung hỗ trợ sinh kế cho các cộng đồng thông qua dự án chuyển đổi cơ cấu, hỗ trợ nhà ở chống lũ và chuyên đổi mô hình sản xuất cho người dân. Đề ra các biện pháp trong việc ứng dụng các thành tựu để phát triển bền vững cho cộng đồng dân cư.
Bà Caitlin Wiesen, Trưởng đại diện thường trú UNDP Việt Nam bày tỏ: Tôi hy vọng rằng với dự án đang triển khai về cơ sở thu hồi vật liệu với UBND thành phố Quy Nhơn và dự án mới về quản lý rác thải nhựa đại dương trong bối cảnh phục hồi xanh hậu Covid-19 với Sở Tài nguyên và Môi trường Bình Định và các cơ quan liên quan, cùng các sáng kiến với những dự án sắp tới có thể tạo thành hành động tập thể nhằm cải thiện quản lý chất thải và rác thải nhựa làm giảm ô nhiễm nhựa ở biển Bình Định, sẽ là mô hình điểm để nhân rộng ra các tỉnh thành khác tại Việt Nam và khu vực Asean.
Trong Hội thảo lần này, UBND tỉnh Bình Định và UNDP Việt Nam ký kết Bản ghi nhớ hợp tác trong các lĩnh vực đối với 4 nội dung chính: Kinh tế tuần hoàn và quản lý chất thải; kinh tế biển xanh, bao gồm quy hoạch không gian biển và quản lý tổng hợp đới bờ; thích ứng biến đổi khí hậu và đa dạng sinh học; hành động bom mìn và phát triển nông thôn bền vững. Đây là những lĩnh vực có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển bền vững của tỉnh Bình Định.
Nội dung thảo luận về hợp tác giữa UBND tỉnh Bình Định và UNDP Việt Nam tập trung 4 dự án quan trọng: Dự án Làng Hòa Bình Việt Nam – Hàn Quốc tại tỉnh Bình Định với mục tiêu hỗ trợ phát triển kinh tế – xã hội của các cộng đồng địa phương vùng dự án đang sinh sống tại và xung quanh đất đai mới được rà phá bom mìn. Tăng cường khả năng thích ứng của các cộng đồng địa phương vùng dự án đối với bom mìn, vật liệu nổ, thiên tai và các rủi ro khác. Dự án được triển khai trên địa bàn 20 xã tại 6 huyện, thị xã của tỉnh Bình Định gồm: An Lão, Hoài Nhơn, Hoài Ân, Tây Sơn, Tuy Phước, Vân Canh với tổng mức đầu tư: 4.215.713 USD (tương đương 97,7 tỷ đồng), thời gian dự kiến thực hiện 5 năm từ 2022-2026.
Dự án “Thí điểm các mô hình quản lý chất thải rắn sinh hoạt và chất thải ngành thủy sản nhằm thúc đẩy kinh tế tuần hoàn tại thành phố Quy Nhơn” do UNDP tài trợ với mục tiêu hỗ trợ thực hiện các mô hình quản lý chất thải bền vững giúp cải thiện sinh kế cho đối tượng lao động về chất thải. Theo đó các mô hình trình diễn được thực hiện ở thành phố Quy Nhơn nhưng kết quả về chính sách, cơ chế quản lý sẽ được phổ biến toàn tỉnh Bình Định. Tăng cường năng lực, chia sẻ kiến thức đồng thời nhân rộng các mô hình quản lý chất thải rắn tổng hợp, có tổng vốn 795.000 USD, thời gian dự kiến thực hiện 2022-2024.
Dự án “Hỗ trợ thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia về rác thải nhựa đại dương trong bối cảnh phục hồi xanh hậu COVID-19 tại Việt Nam” do Quỹ Môi trường toàn cầu tài trợ với mục tiêu tăng cường thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia về rác thải nhựa biển (NAP) thông qua xây dựng khung giám sát, đánh giá và cơ chế tài trợ, triển khai các giải pháp quản lý chất thải cụ thể, hình thành quỹ phục hồi môi trường cho lĩnh vực thực phẩm và đồ uống tại Bình Định, có kinh phí thực hiện là 13 triệu đô la Mỹ (2 triệu đô la Mỹ do UNDP/GEF tài trợ và 11 triệu đô la Mỹ từ nguồn đối ứng của UBND tỉnh Bình Định và Bộ TN&MT), thời gian dự kiến thực hiện 4 năm từ 2023-2026.
Dự án “Cộng đồng ven biển thông minh khí hậu” do Chính phủ Canada tài trợ với mục tiêu hỗ trợ phát triển sinh kế như chuyển đổi nghề cho ngư dân quanh đầm, đảm bảo duy trì, bảo tồn đa dạng sinh thái trên vùng đầm. Xây dựng nhà tránh, trú bão, lũ kết hợp sinh hoạt cộng đồng tại các xã bị ảnh hưởng của thiên tai trong tỉnh nhằm làm tăng khả năng chống chịu và phục hồi, bảo vệ tính mạng của người dân trước các thảm họa thiên tai. Hỗ trợ nâng cao cơ sở hạ tầng tại các trạm khí tượng thủy văn, giám sát và cảnh báo bão, mưa lớn, lũ lụt, hạn hán (trạm đo mưa, đo mực nước trên các lưu vực sông theo kế hoạch của Bộ Tài nguyên và Môi trường trên địa bàn tỉnh).
Dự án này, Sở NN&PTNT đã phối hợp với các địa phương đưa đoàn UNDP Việt Nam tham quan tại khu vực sinh thái Cồn Chim đầm Thị Nại thuộc địa bàn xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước và phỏng vấn một số hộ dân thuộc xóm Cồn Kim, thôn Vinh Quang về công tác bảo vệ rừng ngập mặn, sinh kế dưới tán rừng (nuôi trồng, khai thác nguồn lợi thủy sản dưới tán rừng), lợi ích của người dân khi có rừng ngập mặn. Đồng thời, đưa đoàn tham quan khảo sát khu vực thực hiện dự án vịnh Quy Nhơn tại xã Nhơn Lý, thành phố Quy Nhơn.