Đối thoại trực tuyến “Rác thải nhựa đại dương khu vực Đông Á và Thái Bình Dương: Khủng hoảng và Cơ hội”

15/11/2022

Đối thoại trực tuyến “Rác thải nhựa đại dương khu vực Đông Á và Thái Bình Dương: Khủng hoảng và Cơ hội”

Ngày 3/11/2020, được sự ủy quyền của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam Tạ Đình Thi và lãnh đạo một số đơn vị trực thuộc Bộ đã tham dự Đối thoại trực tuyến“Rác thải nhựa đại dương khu vực Đông Á và Thái Bình Dương: Khủng hoảng và Cơ hội”.

Đối thoại được tổ chức trực tuyến tại 3 điểm cầu : Điểm cầu tại Washington DC, Hoa Kỳ; Điểm cầu tại Bộ TN&MT; Điểm cầu tại Văn phòng WB Việt Nam tại Hà Nội.

Tham dự đối thoại, về phía Việt Nam có lãnh đạo Vụ Hợp tác quốc tế; Tổng cục Môi trường; Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam; Vụ Thi đua, Khen thưởng và Tuyên truyền, Văn phòng Bộ.

Phía quốc tế có: Bà Victoria Kwakwa, Phó Chủ tịch WB phụ trách khu vực Châu Á Thái Bình Dương; Bà Carolyn Tuck, Giám đốc quốc gia WB Việt Nam (tham dự từ đầu cầu WB tại Việt Nam); Ông Alfonso Garcia Mora, Phó Chủ tịch Khu vực Châu Á Thái Bình Dương, Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC); Bà Sharanjit Leyl, Nhà sản xuất và dẫn chương trình BBC World News; Ông Say Sam Al, Bộ trưởng Bộ Môi trường Campuchia; Ông Luhut Binsar Pandjaitan, Bộ trưởng Bộ Hàng Hải và Đầu tư Indonesia; Ông Vegard Kaale, Đại sứ Na Uy tại Indonesia và Đông Ti Mo; Bà Tiza Mafira, Giám đốc điều hành Gerakan Indonesia Diet Kantong Plastik (Phong trào không túi nhựa), Indonesia; Bà Corine Tap, Phó Chủ tịch cấp cao, Danone Waters Indonesia & SEA; Ông Yashovardhan Lohia, Giám đốc điều hành trong Hội đồng quản trị và Giám đốc về Tái chế, Indorama.

Dự Đối thoại còn có các nhà khoa học quốc tế; cơ quan báo chí trong và ngoài nước.

Bà Victoria Kwakwa, Phó Chủ tịch WB phụ trách khu vực Châu Á Thái Bình Dương chủ trì Đối thoại.

Thông qua việc tham dự và đối thoại trực tiếp tại sự kiện, Việt Nam đã góp tiếng nói nhằm tái khẳng định lại các cam kết, thể hiện vai trò của mình trong khu vực nói riêng và cùng với cộng đồng quốc tế nói chung; đồng thời kêu gọi hành động hơn nữa của các nhà lãnh đạo từ cả khu vực công và khu vực tư nhân, các cơ quan nghiên cứu và cộng đồng, tất cả cùng phối hợp hướng tới các mục tiêu chung trong giải quyết vấn đề nhựa đại dương.

Động lực và quyết tâm của Việt Nam trong việc giải quyết thách thức về nhựa biển

Phát biểu tại Đối thoại, Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam Tạ Đình Thi cho biết, nhận thức được vai trò trong giải quyết cuộc khủng hoảng chất thải nhựa toàn cầu, Việt Nam, đã có nhiều nỗ lực và cam kết hành động mạnh mẽ thực hiện giảm thiểu chất thải nhựa để bảo vệ môi trường sinh thái biển và đại dương.

Năm 2017, Việt Nam chính thức gia nhập danh sách 127 quốc gia thông qua Nghị quyết Hội đồng Môi trường Liên hợp quốc của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc về chất thải nhựa và vi nhựa đại dương. Năm 2018, tại Hội nghị thượng đỉnh G7 tổ chức ở Canada, Thủ tướng Chính phủ đã cam kết hành động cũng như kêu gọi hợp tác toàn cầu trong việc giải quyết vấn đề rác thải nhựa trên biển.

Tại Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” trong đó đặt mục tiêu “Ngăn ngừa, kiểm soát và giảm đáng kể ô nhiễm môi trường biển; tiên phong trong khu vực về giảm thiểu chất thải nhựa đại dương”.

Ngày 09/6/2019, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã đã phát động “Phong trào toàn quốc chống rác thải nhựa”, phong trào đã lan toả đến nhiều cộng đồng dân cư trong toàn quốc, đặc biệt là các cộng đồng dân cư ven biển, mang lại những kết quả tích cực, từng bước thay đổi nhận thức, hành vi ứng xử với các sản phẩm nhựa tại Việt Nam.

Tiếp đến Thủ tướng cũng đã ban hành “Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030” trong đó có nhiều nhiệm vụ, dự án cụ thể phân cho các cấp, các ngành để triển khai với mục tiêu chung nhằm thực hiện có kết quả các sáng kiến và cam kết của Việt Nam với quốc tế về việc giải quyết các vấn đề rác thải nhựa mà trọng tâm là rác thải nhựa đại dương, bảo đảm ngăn ngừa việc xả rác thải nhựa từ các nguồn thải trên đất liền và các hoạt động trên biển, phấn đấu đưa Việt Nam trở thành quốc gia tiên phong trong khu vực về giảm thiểu rác thải nhựa đại dương.

Mới đây, ngày 20/8/2020, Thủ tưởng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 33/CT-TTg về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa hằm tiếp tục tăng cường hiệu quả các hoạt động quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý nhựa đã qua sử dụng, giảm thiểu phát thải chất thải nhựa ra môi trường.

4605 Doi thoai ve chong RTN 0311

Cũng tại Đối thoại, chia sẻ về những cách thức mà Chính phủ Việt Nam đang thực hiện để thực hiện cam kết cấm sử dụng nhựa một lần trên toàn quốc vào năm 2025 tại “Phong trào toàn quốc chống rác thải nhựa” do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát động vào ngày 9/6/2019, Tổng cục trưởng Tạ Đình Thi cho biết, ngay sau khi chiến dịch được phát động, các bộ, ngành, địa phương của Việt Nam đã và đang tích cực triển khai nhiều giải pháp đồng bộ như: (i) Hạn chế tối đa việc sử dụng các sản phẩm nhựa sử dụng một lần tại nơi làm việc và trong các hội nghị, hội thảo, cuộc họp, lễ kỷ niệm và các sự kiện khác; ưu tiên lựa chọn các sản phẩm tái chế, thân thiện với môi trường; (ii) Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức về tác hại của việc sử dụng túi ni lông khó phân huỷ, tủi ni lông sử dụng một lần và lợi ích của việc sử dụng các sản phẩm thay thế, túi ni lông thân thiện với môi trường thông qua việc đa dạng hóa các kênh truyền thông; (iii) Rà soát, đề xuất sửa đổi các cơ chế, chính sách nhằm giảm thiểu, tăng cường tái chế, tái sử dụng và ngăn chặn tác hại của rác thải nhựa đối với môi trường; (iv) Vận động các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng, chợ truyền thống, khách sạn, nhà hàng, khu du lịch và các cơ sở sản xuất, kinh doanh, du lịch… trên địa bàn thực hiện cam kết giảm thiểu rác thải nhựa, hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần hoặc thay thế bằng các sản phẩm thân thiện với môi trường; (v) Đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo, nghiên cứu, chuyển giao công nghệ trong việc sản xuất các vật liệu thân thiện với môi trường để thay thế nhựa trong sản xuất kinh doanh, chẳng hạn như các loại vật liệu nhựa có thể phân hủy trong nước biển, vật liệu nhựa sinh học; thúc đẩy và hỗ trợ các công trình nghiên cứu khoa học và công nghệ liên quan đến tái chế và xử lý chất thải nhựa; phê chuẩn các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia liên quan đến tái chế và xử lý chất thải nhựa.

Tuy nhiên, Việt Nam cũng gặp phải những thách thức trong việc thực hiện các giải pháp chống ô nhiễm nhựa, chủ yếu là: (i) Người tiêu dùng vẫn có thói quen sử dụng túi ni lông do tính tiện lợi; Giá thành túi ni lông thấp nên rất khó để người tiêu dùng thay đổi thói quen sử dụng sản phẩm này trong sinh hoạt hàng ngày; (ii) Các sản phẩm thân thiện với môi trường chưa được bày bán rộng rãi tại các cửa hàng và các sản phẩm này phải được cơ quan cấp phép công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng, cần đẩy mạnh việc quảng bá, tiếp thị sản phẩm đến người tiêu dùng; (iii) Rác thải chưa được phân loại tại nguồn dẫn đến không đáp ứng yêu cầu về công nghệ xử lý và tái chế.

Thúc đẩy giải quyết vấn đề rác thải nhựa đại dương thông qua ASEAN và việc xây dựng một kế hoạch hành động khu vực

Ô nhiễm rác thải nhựa đại dương trở thành vấn đề cấp bách toàn cầu, vấn đề có tính liên vùng, xuyên biên giới nên để giải quyết cần có sự chung tay, nỗ lực chung của mỗi quốc gia, khu vực và toàn cầu. Do đó, trong các nỗ lực đó thì việc đẩy mạnh sự hợp tác sâu rộng giữa các tổ chức quốc tế, các nước với Việt Nam nhằm thúc đẩy hình thành khuôn khổ hợp tác khu vực và toàn cầu về phòng, chống, giảm thiểu rác thải nhựa đại dương là rất quan trọng. Ở Đông Á và Đông Nam Á, nhiều sáng kiến cấp quốc gia và địa phương đã được đưa ra nhằm giảm lượng rác thải nhựa xả vào đại dương.

Năm 2018, nguyên thủ các nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Trung Quốc, Nhật Bản và các nước khác thông qua Tuyên bố của các nhà lãnh đạo Đông Nam Á về chống rác thải nhựa ở biển. Tháng 6/2019, các quốc gia thành viên ASEAN tiếp tục thông qua Tuyên bố Bangkok và Khung hành động ASEAN về rác thải biển là nỗ lực hành động khu vực có thể được thực hiện để giải quyết một thách thức chung để giải quyết vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa.

Tại Đối thoại, Tổng cục trưởng Tạ Đình Thi đã nêu để xuất các lĩnh vực ưu tiên hành động trong khu vực gồm: (i) hỗ trợ và hoạch định chính sách; (ii) nghiên cứu, đổi mới và nâng cao năng lực; (iii) nhận thức, giáo dục và tiếp cận cộng đồng; (iv) sự tham gia của khu vực tư nhân. Bên cạnh đó, trong khuôn khổ ASEAN dự kiến thành lập một trung tâm về rác thải biển ASEAN.

“Với cương vị Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam coi rác thải nhựa và rác thải nhựa đại dương là một trong những nội dung ưu tiên triển khai của Việt Nam và nêu cao trách nhiệm phối hợp với Chính phủ các nước ASEAN trong việc triển khai các sáng kiến, đặc biệt là Tuyên bố Bangkok trong giảm thiểu rác thải nhựa ở khu vực ASEAN. Trong đó chú trọng đến tập hợp, chia sẻ các mô hình quản lý, sáng kiến công nghệ và các giải pháp tiên tiến của các quốc gia trên cơ sở huy động nguồn lực tài chính bền vững để thực thi một cách hiệu quả thông qua các diễn đàn chung và các công cụ truyền thông khác” – Tổng cục trưởng Tạ Đình Thi nói.

Bài viết liên quan