Sáng 16/12, tại TP Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, Cục Biển và Hải đảo Việt Nam phối hợp Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF – Việt Nam) tổ chức Hội nghị thường niên Dự án Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam.
Tới dự có ông Nguyễn Đức Toàn, Cục trưởng Cục Biển và Hải đảo Việt Nam, bà Nguyễn Thị Diệu Thúy, Giám đốc chương trình nhựa và thủy hải sản (WWF). Về phía địa phương có ông Đoàn Hữu Thắng, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Kiên Giang, ông Đoàn Văn Tiến, Phó chủ tịch UBND thành phố Phú Quốc cùng đông đảo các đại diện đơn vị các cơ quan, bộ ngành và các địa phương trong dự án.
Ông Nguyễn Đức Toàn Cục trưởng Cục Biển và Hải đảo Việt Nam phát biểu tại Hội nghị
Phát biểu khai mạc tại Hội nghị ông Nguyễn Đức Toàn cho biết: Rác thải nhựa đại dương vẫn luôn là mối quan tâm khẩn thiết trong nhiều năm qua. Chúng ta đang đối diện với hiện trạng lượng rác thải đổ vào đại dương ngày một gia tăng, làm ảnh hưởng đến hệ sinh thái của đại dương, đồng thời đe doạ đến môi trường, xã hội và sức khoẻ của con người. Hiện tại, nhựa đại dương không còn chỉ là vấn đề của một quốc gia hay một cá thể nào, mà còn là thách thức của toàn cầu. Do đó, rất cần sự chung tay và hợp tác góp sức của từng cá nhân, tập thể và xã hội.
Chính vì vậy, vào ngày 2/7/2020, theo Quyết định số 1462/QĐ-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường, dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam” được chính thức phê duyệt và triển khai ở cấp trung ương và mười (10) tỉnh/thành phố, quận (huyện)/thị xã, bao gồm: Hà Tĩnh, Quảng Bình (Đồng Hới), Thừa Thiên Huế (A Lưới), Đà Nẵng, Quảng Nam (Cù Lao Chàm), Phú Yên (Tuy Hòa), Bà Rịa – Vũng Tàu (Côn Đảo), Long An (Tân An), Kiên Giang (Rạch Giá và Phú Quốc).
Bà Nguyễn Thị Diệu Thúy, Giám đốc chương trình nhựa và thủy hải sản (WWF) phát biểu tại Hội nghị
Dự án được kỳ vọng sẽ góp phần giảm thiểu tác động của rác thải nhựa đến hệ sinh thái biển; bảo tồn đa dạng sinh học môi trường biển; nâng cao kiến thức của cộng đồng, xã hội về mối liên quan giữa việc xả thải rác nhựa và hậu quả tiêu cực lên môi trường vả sức khỏe; nâng cao năng lực cán bộ trong quản lý, thực hiện các hoạt động liên quan đến quản lý chất thải, rác thải nhựa đại dương đến năm 2030 tại Việt Nam.
Năm 2023, sau khi dịch Covid giảm tác động, Dự án đã được triển khai sâu rộng và toàn diện hơn, các hoạt động dự án của các hợp phần đã thu về được nhiều kết quả tích cực trong việc góp phần hỗ trợ quá trình triển khai thực hiện Luật Bảo vệ Môi trường 2020, các nghị định và thông tư dưới luật liên quan đến quản lý chất thải rắn và chất thải nhựa; có thêm nhiều địa phương cam kết trở thành Đô thị Giảm nhựa và nội dung này đã được Dự án tổng kết rộng rãi trên toàn quốc tại Hội nghị đô thị giảm nhựa ngày 4/11/2023 vừa qua tại Hà Nội. Điều đáng chú ý, tại các địa phương, thông qua các hoạt động của Dự án, nhiều trường học đã xây dựng và triển khai chương trình giáo dục về giảm Rác thải nhựa, hàng ngàn tấn rác thải nhựa được thu gom nhằm ngăn chặn sự thất thoát ra môi trường biển. Dự án cũng đã hỗ trợ Ban quản lý các khu bảo tồn biển làm sạch các khu vực rạn san hô, thảm cỏ biển quan trọng tại Phú Quốc, Côn Đảo, Cù Lao Chàm.
Ông Nguyễn Đức Toàn cho biết, qua các hoạt động được triển khai và giám sát tại địa phương, có thể thấy, các địa phương trong năm qua đã tham gia, hợp tác và phối hợp tích cực với các cán bộ của dự án, trao đổi và đề xuất các chương trình địa phương mong muốn triển khai và tham gia tích cực đem lại nhiều kết quả rất khả quan. Với vai trò là đại diện của Bộ Tài nguyên và Môi trường, đồng thời là Chủ dự án, ông Toàn ghi nhận và cảm ơn các địa phương đã tham gia và triển khai hiệu quả Dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam.”, đánh giá cao vai trò của cán bộ dự án từ WWF Việt Nam.
Các hoạt động của Dự án trong thời gian qua chính là những đóng góp hiệu quả, thiết thực cho việc triển khai Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; Luật Bảo vệ môi trường 2020; Kế hoạch hành động quốc gia về giảm thiểu rác thải nhựa đại dương và Đề án Việt Nam chủ động chuẩn bị và tham gia xây dựng Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa đại dương. Thoả thuận toàn cầu này mang tính ràng buộc về mặt pháp lý về ô nhiễm nhựa.
Qua các báo cáo, tham luận, chia sẻ và thảo luận của các đại biểu tại Hội nghị đã phản ánh các hoạt động của Dự án trong thời gian qua, góp phần hỗ trợ tích cực cho các cơ quan quản lý của trung ương và địa phương hoàn thiện khung pháp lý và cải thiện công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt, giảm thiểu rác thải nhựa, có tính lan tỏa rộng rãi cũng như được nhiều địa phương ngoài địa bàn dự án hưởng ứng, bày tỏ mong muốn được Dự án hỗ trợ nhân rộng các mô hình sáng kiến hay. Các kết quả của Dự án đã góp phần tích cực, đánh giá sự nỗ lực của Việt Nam trong công tác bảo vệ môi trường, phát triển bền vững kinh tế biển xanh tại Việt Nam.
Toàn cảnh Hội nghị
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực và ý nghĩa, trong quá trình triển khai, Dự án vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, một mặt đến từ hệ thống các chính sách, các cơ chế thực hiện Dự án sử dụng vốn tài trợ nước ngoài hiện nay, cơ chế phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan quản lý nhà nước, các dự án, chương trình khác về nhựa, mặt khác, ý thức của người dân đã được cải thiện nhưng chưa toàn diện và chưa đủ các chương trình tuyên truyền, vận động từ chính quyền địa phương.
Nhiều hoạt động của Dự án sẽ khó duy trì hiệu quả nếu không có sự quan tâm của đơn vị thụ hưởng trong việc bảo vệ và phát huy thành quả, ví dụ như các hoạt động xoá điểm nóng, mở rộng thu gom, lắp đặt trang thiết bị truyền thông và giám sát, phân loại rác tại nguồn… đặc biệt là sau giai đoạn đóng Dự án. Những khó khăn thách thức này đặt ra yêu cầu các cán bộ Dự án cần nỗ lực hơn nữa trong thời gian còn lại của Dự án, các cơ quan ban ngành, các địa phương phối hợp sẽ tạo các điều kiện thuận lợi hơn nữa để việc triển khai dự án, giám sát kiểm tra, nghiệm thu các kết quả dự án được nhanh chóng, hiệu quả, đạt được các mục tiêu thiết kế ban đầu của Dự án cũng như các đề xuất điều chỉnh theo tình hình thực tế.