Quyết liệt quản lý rác thải

21/09/2020

Ô nhiễm từ rác thải đã trở thành vấn đề cấp bách bởi những hậu quả mà nó để lại đối với môi trường, hệ sinh thái và sức khỏe con người. Với vai trò quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang nỗ lực thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để ngăn chặn những nguy cơ do rác thải gây ra.

(Nguồn: Báo Tài Nguyên Môi Trường)

Theo số liệu của Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT), mỗi năm, tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt ở nước ta là 25 triệu tấn. Trong đó, chỉ có 30% được xử lý đốt hoặc sản xuất phân hữu cơ, hơn 70% chôn lấp trực tiếp. Hà Nội mỗi ngày phát sinh 6.000 tấn rác, tỷ lệ chôn lấp tới 90%, còn ở TP.HCM là xấp xỉ 70%. Trong đó, lượng chất thải nhựa và túi nilon chiếm khoảng 8-12%. Số lượng rác thải nhựa, túi nilon thải ra tăng dần theo từng năm. Đây là một gánh nặng cho môi trường.

Xây dựng, hoàn thiện văn bản pháp luật để quản lý rác thải

Để quản lý chất thải rắn sinh hoạt và chất thải nhựa, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tập trung rà soát, xây dựng, hoàn thiện và lồng ghép các quy hoạch quản lý chất thải rắn vào quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia, quy hoạch tỉnh; xây dựng và hoàn thiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật môi trường, định mức kinh tế, kỹ thuật trong việc thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn; quản lý nhựa sử dụng một lần và túi ni lông khó phân hủy.

Tham mưu cho Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hoặc ban hành theo thẩm quyền nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến bảo vệ môi trường trong đó có việc quản lý, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, cụ thể như: Nghị định số 38/2015/NĐ- CP về quản lý chất thải và phế liệu (được sửa đổi bổ sung tại Nghị định số 40/2019/NĐ-CP); Luật Bảo vệ môi trường; Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải bãi chôn lấp chất thải rắn – QCVN 25:2009/BTNMT; Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về lò đốt chất thải rắn sinh hoạt – QCVN 61-MT:2016/BTNMT; Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030. Trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ký ban hành Chỉ thị tăng cường quản lý đối với phế liệu nhập khẩu, bao gồm nhựa phế liệu; Trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ký ban hành Chỉ thị số 33/CT-TTg ngày 20/8/2020 về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với Bộ Tài chính trình Quốc hội phê duyệt Luật Thuế bảo vệ môi trường, trong đó quy định túi ni lông không thân thiện với môi trường là một trong những đối tượng chịu thuế bảo vệ môi trường (thuế bảo vệ môi trường đối với túi ni lông khó phân hủy là 50.000 đồng/kg);  Phối hợp với Bộ Xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 07/5/2018 phê duyệt điều chỉnh Chiến lược Quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến 2050, trong đó chú trọng việc sử dụng túi ni lông thân thiện với môi trường thay thế cho túi ni lông khó phân hủy; hạn chế và tiến tới chấm dứt việc nhập khẩu, sản xuất và cung cấp các loại túi ni lông khó phân hủy tại các trung tâm thương mại, siêu thị phục vụ cho các mục đích sinh hoạt.

Phối hợp với địa phương nâng cao nhận thức

Theo ông Hoàng Văn Thức, Phó Tổng cục Trưởng Tổng cục Môi trường, song song với giải pháp về mặt chính sách, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ động phối hợp với các địa phương, các tổ chức chính trị – xã hội tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng về bảo vệ môi trường. Cụ thể, phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo, tổ chức các hoạt động thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt và chất thải nhựa; xây dựng kế hoạch và chỉ đạo tổ chức thu gom, xử lý chất thải nhựa trôi nổi trong môi trường (tại các dòng sông, suối, kênh, rạch, bãi tắm, bãi biển, cảng cá ven biển); xây dựng và triển khai các mô hình tốt về quản lý chất thải nhựa sử dụng một lần và túi ni lông khó phân hủy cho phù hợp với đặc thù của địa phương.

Với việc xác định hạn chế rác thải nhựa phải bắt đầu từ thay đổi thói quen sử dụng đồ nhựa trong sinh hoạt, Bộ đã tập trung đẩy mạnh các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức về tác hại của các sản phẩm có nguồn gốc từ nhựa, túi ni lông sử dụng một lần đối với môi trường, hệ sinh thái và sức khoẻ con người; thường xuyên phát động các phong trào phòng chống rác thải nhựa; khen thưởng kịp thời các cá nhân, tổ chức có thành tích tốt trong phong trào chống rác thải nhựa hoặc sáng kiến có giá trị; nhân rộng các mô hình tốt về thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt và các mô hình nói không với rác thải nhựa.

Thời gian tới Bộ sẽ tiếp tục xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ Đề án tăng cường năng lực quản lý chất thải rắn sinh hoạt tại Việt Nam; Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp cấp bách tăng cường công tác quản lý chất thải rắn. Việc ban hành, triển khai Đề án, Chỉ thị nêu trên sẽ bao gồm các giải pháp tổng thể, toàn diện để tăng cường công tác quản lý chất thải rắn, chất thải nhựa tại Việt Nam nhằm đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường trên các tỉnh, thành phố cả nước.

Bài viết liên quan