Cấp thiết xây dựng quy định quản lý hoạt động lấn biển

15/11/2022

Lấn biển, mở rộng quỹ đất là hoạt động không mới cả trên thực tế và pháp lý. Tuy nhiên, do chưa có những quy định pháp lý cụ thể điều chỉnh quản lý hoạt động này nên trong những năm qua, hoạt động lấn biển chưa mang lại hiệu quả như mong đợi, thậm chí gây tác động không nhỏ đến hệ sinh thái và làm ô nhiễm môi trường biển.

 

Nhiều nhưng chưa đủ

Ở các nước trên thế giới, hoạt động lấn biển có lịch sử khá lâu và thu được nhiều kết quả. Tại Việt Nam, hoạt động này hiện đang phát sinh tại nhiều địa phương trên cả nước. Bên cạnh các lợi ích thu được, hoạt động lấn biển đã có những ảnh hưởng nhất định đến môi trường sinh thái, quy hoạch hạ tầng, sinh kế của người dân, cả trên lĩnh vực kinh tế – xã hội, an ninh, quốc phòng. Chính vì vậy, việc tăng cường quản lý hoạt động lấn biển là yêu cầu cấp thiết.

Chia sẻ với PV Báo Tài nguyên và Môi trường, ông Phan Tuấn Hùng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ TN&MT cho biết, hiện nay, hoạt động lấn biển được quy định rải rác trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau như: Pháp luật đất đai có quy định nguyên tắc khuyến khích khai hoang, lấn biển; Pháp luật về đầu tư quy định thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư liên quan đến rừng phòng hộ lấn biển; Pháp luật bảo vệ môi trường quy định một số dự án lấn biển có quy mô lớn phải thực hiện đánh giá tác động môi trường hoặc đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường; Pháp luật về lâm nghiệp và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành có quy định về thẩm quyền quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, trong đó có rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển; Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo quy định việc khai hoang, lấn biển trong phạm vi hành lang bảo vệ bờ biển…

Mới nhất, Nghị định số 11/2021/NĐ-CP về giao các khu vực biển nhất định cho tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên biển đã có quy định về thời hạn giao khu vực biển để lấn biển được xem xét trên cơ sở kế hoạch lấn biển của dự án đầu tư đã được phê duyệt; Tổ chức, cá nhân được giao khu vực biển để lấn biển thực hiện dự án đầu tư thì được tiếp tục sử dụng diện tích đất hình thành sau khi lấn biển theo quy định của pháp luật về đất đai.

Như vậy, có thể khẳng định, hiện, pháp luật hiện hành đã đề cập vấn đề lấn biển và quy định giao khu vực biển để thực hiện lấn biển. Tuy nhiên, hiện chưa có văn bản pháp quy nào quy định cụ thể, rõ ràng về quản lý, kiểm soát hoạt động lấn biển, đặc biệt là chưa rõ chế độ quản lý, sử dụng đất lấn biển…

Chính lỗ hổng pháp lý này khiến cho hoạt động lấn biển trên thực tế tại nhiều địa phương gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Hiện tại, các dự án lấn biển, nhất là các dự án có diện tích cả trong và ngoài đường mép nước triều thấp nhất trung bình nhiều năm, đang chịu sự điều chỉnh bởi cả hai hệ thống pháp luật đất đai và pháp luật biển, hải đảo. Chủ đầu tư dự án vừa phải thực hiện thủ tục giao khu vực biển để lấn biển, vừa phải làm thủ tục xin giao đất, cho thuê đất hình thành sau lấn biển. Đồng nghĩa với đó là chủ đầu tư phải thực hiện cả hai nghĩa vụ tài chính là nộp tiền sử dụng biển để lấn biển và tiền sử dụng đất hình thành sau lấn biển.

Hơn nữa, hiện, pháp luật đất đai cũng chưa có quy định cụ thể về việc xác định tiền sử dụng đất đối với trường hợp vừa nộp tiền giao khu vực biển đồng thời nộp tiền sử dụng đất sau khi đã đầu tư lấn biển. Điều này dẫn đến khó khăn trong quá trình xác định nghĩa vụ tài chính đối với nhà đầu tư…

“Từ thực tế trên nhận thấy, việc xây dựng, ban hành Nghị định quy định hoạt động lấn biển là yêu cầu cấp thiết, nhằm thiết lâp khuôn khổ pháp lý đầy đủ, đồng bộ và thống nhất về quản lý, kiểm soát các hoạt động lấn biển”, ông Phan Tuấn Hùng nhấn mạnh.

1

Dự án đầu tư xây dựng, kinh doanh cơ sở hạ tầng khu công nghiệp – cảng biển – phi thuế quan Nam Đình Vũ (Hải Phòng).

Cơ sở pháp lý quan trọng quản lý hoạt động lấn biển

Theo Vụ trưởng Vụ Pháp chế Phan Tuấn Hùng, thực hiện chỉ đạo của Chính Phủ, Bộ TN&MT đang xây dựng và hoàn thiện Dự thảo Nghị định quy định hoạt động lấn biển với quan điểm thống nhất, bảo đảm nguyên tắc quản lý tổng hợp tài nguyên biển và hải đảo dựa trên tiếp cận hệ sinh thái; phân tích, đánh giá đầy đủ chi phí lợi ích về kinh tế, xã hội, môi trường nhằm phát triển bền vững; bảo đảm tính khoa học, chặt chẽ, cụ thể, khả thi và phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế – xã hội; phù hợp với hệ thống pháp luật trong nước và các điều ước quốc tế…

Dự thảo Nghị định sau nhiều lần chỉnh lý, hiện đang lấy ý kiến góp ý rộng rãi; Dự án bao gồm 4 chương, 19 điều, kèm theo 6 biểu mẫu. Trong đó, Dự thảo quy định khu vực lấn biển phải được xác định cụ thể vị trí địa lý, diện tích, ranh giới, tọa độ trên nền bản đồ địa hình đáy biển và phải được điều tra, khảo sát kỹ khi lên phương án lấn biển. Đặc biệt, Dự thảo đã liệt kê một loạt các khu vực không được thực hiện lấn biển nhằm đảm bảo môi trường sinh thái, quy hoạch đô thị, giao thông, an ninh quốc phòng.

Bên cạnh đó, Dự thảo quy định rõ về thẩm quyền cấp Giấy phép lấn biển. Theo quy định, Bộ TN&MT cấp giấy với: Dự án lấn biển thuộc thẩm quyền chấp thuận hoặc quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; dự án lấn biển có phạm vi ranh giới lấn biển thuộc hai hay nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; dự án lấn biển có diện tích lấn biển từ 20 ha trở lên. UBND cấp tỉnh cấp phép lấn biển đối với các dự án lấn biển còn lại.

Một trong những nội dung trọng tâm của Dự thảo Nghị định là các quy định về quản lý, sử dụng đất lấn biển. Về quản lý, Dự thảo Nghị định quy định UBND cấp tỉnh xác định, chỉ đạo đưa khu vực lấn biển vào phương án phân bổ, khoanh vùng đất đai trong trong quá trình lập, điều chỉnh quy hoạch tỉnh, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện. Sau khi khu vực biển đã được đưa vào quy hoạch tỉnh, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện thì việc quản lý, sử dụng đất lấn biển được thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai.

Về sử dụng đất lấn biển, Dự thảo Nghị định quy định rõ, trường hợp giao đất, cho thuê đất lấn biển đối với dự án lấn biển bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước thì UBND cấp tỉnh thực hiện giao đất cho tổ chức được lựa chọn theo quy định của pháp luật về đấu thầu, pháp luật về đầu tư công để quản lý trong thời gian thực hiện lấn biển, xây dựng công trình hạ tầng công cộng (nếu có). Sau khi hoàn thành lấn biển và được nghiệm thu theo quy định, tổ chức được giao đất quản lý phải bàn giao toàn bộ diện tích đất lấn biển cho UBND cấp tỉnh để thực hiện giao đất, cho thuê đất cho các tổ chức, cá nhân sử dụng vào từng mục đích theo quy định của pháp luật về đất đai.

Đối với dự án ngoài ngân sách Nhà nước, việc lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án thực hiện theo quy định Luật Đầu tư; việc giao đất, cho thuê đất lấn biển được thực hiện theo 3 trường hợp: Trường hợp lựa chọn nhà đầu tư thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai, việc giao đất, cho thuê đất được thực hiện theo hình thức thông qua đấu giá quyền sử dụng đất; Trường hợp lựa chọn nhà đầu tư thông qua hình thức đấu thầu theo quy định của pháp luật về đấu thầu, sau khi đã lựa chọn được nhà đầu tư thông qua đấu thầu, việc giao đất, cho thuê đất được thực hiện không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất; Trường hợp lựa chọn nhà đầu tư không thông qua đấu giá, đấu thầu, việc giao đất, cho thuê đất được thực hiện không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất…

Với tất cả các quy định trên, Dự thảo Nghị định lấn biển được kỳ vọng là cơ sở pháp lý quan trọng, mang tính đầy đủ, thống nhất, đồng bộ để quản lý hiệu quả, bền vững hoạt động lấn biển.

Theo thống kê, hơn 10% diện tích đất phát triển của Hồng Kông, Trung Quốc có được là nhờ lấn biển. Các đô thị lấn biển quy mô lớn khác là Rotterdam ở Châu Âu; cảng New York, New Jersey và San Francisco ở Bắc Mỹ; Rio de Janeiro và Rio Grande ở Nam Mỹ; Thượng Hải, Singapore và Tokyo ở Đông Á… Tại Việt Nam, thực tế, đã có nhiều dự án lấn biển được thực hiện như: Dự án đầu tư xây dựng, kinh doanh cơ sở hạ tầng khu công nghiệp – cảng biển – phi thuế quan Nam Đình Vũ (Hải Phòng) rộng 1.329 ha; Khu đô thị du lịch Hùng Thắng (Bãi Cháy – Quảng Ninh) rộng 224 ha; Khu đô thị Halong Marina rộng 230 ha; Khu đô thị quốc tế Đa Phước (Đà Nẵng) rộng 210 ha; Dự án Saigon Sunbay (Cần Giờ, TP.HCM) hơn 600 ha…

Theo Báo TNMT

Bài viết liên quan