Xác định ô nhiễm rác thải trên biển do thói quen vứt rác ra biển của người dân, UBND các xã, phường, thị trấn trên địa bàn Bình Thuận đã bám sát chỉ đạo của cấp trên, thực hiện các giải pháp nâng cao ý thức, động viên người dân cùng hành động.
Thay đổi thói quen người dân
Việc bỏ rác không đúng nơi quy định xuất phát từ thói quen tiện đâu bỏ đó của rất nhiều người dân. Điều này thực tế đã minh chứng, một bộ phận người sống xa biển thì mang rác bỏ ở bãi đất trống công cộng, còn ở ven biển thì mang rác ra bãi biển bỏ. Với rác ở bãi đất trống còn có thể gom đi xử lý, nhưng ở bãi biển thủy triều lên sẽ cuốn ra đại dương. Cứ như vậy mỗi ngày trôi qua, đại dương hứng chịu không biết bao nhiêu rác từ họ, cả những người đánh bắt hải sản trên biển, thậm chí người đi du lịch biển từ nơi khác đến, chưa nói đến hoạt động khác làm ô nhiễm.
Ông Bùi Ngọc Lâm – Chủ tịch UBND phường Mũi Né cho biết: Qua camera, đã phát hiện và xử phạt hành chính một số trường hợp bỏ rác ven biển không đúng nơi quy định.
Để biển hạn chế ô nhiễm, không còn cách nào khác là thay đổi thói quen và nâng cao ý thức người dân, nhất là những người sống ở ven biển và ngư dân đánh bắt hải sản trên biển.
Những năm qua, chính quyền các xã, phường, thị trấn ở 7 huyện, thị xã, thành phố ven biển Bình Thuận bám sát các văn bản chỉ đạo của cấp trên triển khai đến Bí thư chi bộ, trưởng thôn, khu phố. Từ đây họ triển khai xuống dân, với yêu cầu người dân không mang rác thải sinh hoạt ra biển bỏ mà gom lại để nơi quy định cho xe chở rác đến lấy. Hộ nào không chấp hành, nếu phát hiện sẽ phạt hành chính. Nhiều hộ dân đã chấp hành, nhưng vẫn có hộ còn thói quen hoặc không chịu đóng phí môi sinh lén lút mang ra biển bỏ. “Biển Hòa Thắng hiện nay sạch hơn trước kia nhờ đoàn viên thanh niên, biên phòng thường xuyên thu dọn, ý thức người dân về bảo vệ môi trường hiện đã nâng lên, thay đổi dần thói quen bỏ rác không đúng nơi quy định. Song, vẫn còn một bộ phận người chưa thay đổi còn mang rác ra biển bỏ hoặc bạ đâu vứt đó”, bà Nguyễn Thị Ngọc Thúy – Trưởng thôn Hồng Chính, xã Hồng Thắng, huyện Bắc Bình, Bình Thuận cho biết.
Cán bộ xã, phường tham gia dọn rác.
Ở các xã, phường, thị trấn ven biển khác trên địa bàn tỉnh cũng trong tình trạng tương tự. Một bộ phận ngư dân đánh bắt hải sản trên biển cũng theo đó chưa thay đổi. Những có ngư dân ý thức tốt, cứ có bao, bị nilon, ngư lưới cụ hư hỏng… gom lại mang về nhà bỏ cho xe rác, không vứt bỏ trực tiếp xuống biển.
Ông Nguyễn Văn Hưng – ngư dân phường Mũi Né, TP. Phan Thiết cho biết: Mỗi lần ra khơi mang theo bao, bị nilon, hộp nhựa đựng nhu yếu phẩm, đựng hải sản sau đánh bắt khi sử dụng xong tôi gom về nhà cho vợ con soạn ra cái nào không sử dụng được thì bỏ thùng rác. Vứt xuống biển, chúng lại trôi dạt vào bờ, làm khổ người khác đi dọn và ảnh hưởng chính mình về sau”.
Xử lý nghiêm
Số người còn thói quen bỏ rác không đúng nơi quy định cũng như chưa chấp hành quy định pháp luật về bảo vệ môi trường biển không phải là ít, nhất là các xã, phường, thị trấn ven biển. Họ chính là đối tượng cần các cấp, ngành thường xuyên tuyên truyền, vận động, theo dõi giám sát nếu phát hiện xử lý nghiêm. Ông Lê Thanh Chung – Chủ tịch UBND xã Hòa Thắng cho biết, “Mặc dù môi trường địa bàn xã hiện nay đã đảm bảo, nhưng hàng tháng vẫn phải huy động lực lượng thanh niên phối hợp với biên phòng đi dọc bãi biển nhặt rác. Ngoài ra thường xuyên tuyên truyền bảo vệ môi trường trên đài phát thanh công cộng, phát cờ cho ngư dân kết hợp tuyên truyền ngư dân không được xả rác xuống biển. Nếu phát hiện trường hợp nào mang rác ra biển bỏ, chúng tôi xử lý nghiêm theo quy định”.
Đoàn niên thanh niên tham gia dọn rác.
Với phường Mũi Né, ông Bùi Ngọc Lâm – Chủ tịch phường cho biết, “Ngoài tuyên truyền, vận động người dân ý thức bảo vệ môi trường biển, địa phương lắp đặt camera ở những điểm nóng thường xuyên vứt rác. Qua camera đã phát hiện và xử phạt hành chính một số trường hợp, như ông Đặng Hậu ở khu phố 11 của phường bỏ rác không đúng nơi quy định ở khu vực ven biển thuộc khu phố Suối Nước bị phạt với số tiền 750 ngàn đồng”.
Tuy vậy, ông Lâm trăn trở, “Rác đại dương dạt vào bờ biển của phường, nhất là khu vực làng Chài khá nhiều, chủ yếu vào mùa gió Nam từ tháng 4 – 6 âm lịch. Địa phương làm không xuể, có những loại rác không phải của địa phương như: vỏ xe, vải vụn… Trong mùa gió nam năm nay, địa phương thu gom 30 khối rác đại dương trôi dạt vào bãi biển”. Các xã, phường, thị trấn ven biển khác cũng bám sát chỉ đạo cấp trên bảo vệ môi trường biển. Xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế – xã hội – văn hóa địa phương.