Diễn đàn Bộ trưởng lần thứ 7 tiến tới Lộ trình đến năm 2030 nhằm hỗ trợ phục hồi xanh và tăng cường quản trị đại dương ở Đông Á

15/11/2022

Đại hội biển Đông Á (East Asian Seas Congress – EASC) lần thứ 7 là sự kiện được tổ chức định kỳ 3 năm một lần tại các nước thành viên thuộc Tổ chức Đối tác về Quản lý môi trường các vùng biển Đông Á (PEMSEA) đã được tổ chức thành công vào ngày 1-2/12/2021 tại Campuchia, với sự chủ trì của ông Say Samal, Bộ trưởng Bộ Môi trường Campuchia.

Chủ đề của Đại hội là “Hướng tới Chương trình Phát triển Xanh: Các hệ sinh thái đại dương khỏe mạnh và Thịnh vượng chung”, đồng thời khởi động Lộ trình PEMSEA 2030 thông qua Tuyên bố cấp Bộ trưởng.

1
Thứ trưởng Lê Minh Ngân trưởng đoàn Việt Nam dự Đại hội

Tham gia Đại hội có các quan chức Chính phủ cấp cao từ các 11 quốc gia thành viên, Ủy ban điều hành PEMSEA, các đối tác phi quốc gia, các tổ chức phi chính phủ v.v. Trưởng đoàn Việt Nam là ông Lê Minh Ngân, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Phiên 1 của Đại hội là Phiên họp toàn thể, diễn ra vào ngày 1/12/2021 với bài phát biểu khai mạc của ông Say Samal. Phiên họp này tập trung trao đổi và thông qua các hoạt động cụ thể trong khuôn khổ PEMSEA. Theo đó, Đại hội đã giới thiệu về Mạng lưới Trung tâm Học tập PEMSEA (PNLC) gồm 10 trường đại học và viện nghiên cứu từ các quốc gia thành viên; và thông qua bản Điều lệ nhằm chính thức hóa PNLC (Điều lệ PNLC). Điều lệ PNLC quy định các quy tắc cơ bản về tư cách thành viên; xác định các hoạt động và thành quả chung giữa các thành viên; tìm ra các giải pháp bền vững và hỗ trợ tài chính thông qua các khoản đóng góp của thành viên tự nguyện hoặc các sáng kiến gây quỹ chung. Phê duyệt Điều lệ PNLC cũng đồng nghĩa với việc thực hiện Kế hoạch phát triển năng lực và đào tạo PEMSEA trong 5 năm tới. Tại phiên họp này, các chuyên gia quốc tế đã có bài trình bày về tương lai cho các bờ biển và đại dương trong khu vực và nhận được sự hưởng ứng của toàn thể đại biểu.

Phiên 2 của Đại hội là Diễn đàn Bộ trưởng lần thứ 7, diễn ra vào ngày 2/12/2021. Bộ trưởng Samal đã mở đầu Diễn đàn bằng việc  tuyên bố rằng “Diễn đàn Bộ trưởng hôm nay càng trở nên quan trọng hơn, khi chúng tôi vạch ra lộ trình của mình để giúp khu vực hướng tới một ngày mai tốt đẹp hơn.  Hãy xây dựng dựa trên những bài học và thành quả mà chúng tôi đã tạo ra từ PEMSEA trong 28 năm qua và tiếp tục công việc với đại dương như một trong những tài sản giá trị nhất của chúng tôi trong việc duy trì sức khỏe của con người và hành tinh. ”
Bộ trưởng Samal cũng kêu gọi các Bộ trưởng và cộng đồng “tận dụng các cơ hội phát sinh từ đại dịch và những nỗ lực toàn cầu này. Đặc biệt, Campuchia cam kết xây dựng nền tảng kinh tế xã hội xanh bền vững và công bằng”.
 Ông cho biết thêm rằng “tất cả chúng ta đều có vai trò để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững và tầm nhìn SDS-SEA.”

Tại phiên thứ 2, trưởng đoàn từng quốc gia thành viên của PEMSEA đã có bài phát biểu ngắn, thông qua và cùng ký bản Tuyên bố chung Diễn đàn Bộ trưởng theo hình thức trực tuyến. Tuyên bố Bộ trưởng của các quốc gia thành viên đều xem xét tiến độ và mở rộng phạm vi các thực tiễn tốt trong thực hiện Chiến lược phát triển bền vững các biển Đông Á (SDS-SEA), lập kế hoạch hành động của các quốc gia thành viên trong thập kỷ mới để đạt được tầm nhìn về các đại dương, con người và nền kinh tế lành mạnh; hưởng ứng lời kêu gọi toàn cầu về chiến lược phục hồi xanh sau đại dịch COVID-19.

1
Thứ trưởng Lê Minh Ngân phát biểu tại Diễn đàn

Đại diện cho Đoàn Việt Nam, ông Lê Minh Ngân, Thứ trưởng Bộ TN&MT cho biết:Việt Nam trở thành quốc gia thành viên của PEMSEA kể từ năm 2003, bắt đầu bằng việc ký kết Tuyên bố Tuyên bố Putrajaya và cam kết thực hiện Chiến lược phát triển bền vững các biển Đông Á (SDS-SEA). Kể từ đó, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực hợp tác hành động cùng với các quốc gia khác trong khu vực trong phạm vi SDS-SEA để phát triển bền vững vùng bờ khu vực các biển Đông Á.

Với sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, đặc biệt là PEMSEA, Việt Nam đã thực hiện thành công SDS-SEA cụ thể là: Nhân rộng QLTHVB tại các địa phương ven biển; ban hành và thực hiện Chiến lược quản lý tổng hợp đới bờ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; ban hành Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; xây dựng và công bố Báo cáo quốc gia về hiện trạng biển và vùng bờ: Hướng tới nền kinh tế biển xanh 2018; Báo cáo Hiện trạng môi trường biển và hải đảo quốc gia giai đoạn 2016-2020; thành lập các cơ chế điều phối đa ngành cấp quốc gia và địa phương. Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang triển khai việc lập quy hoạch không gian biển quốc gia và quy hoạch tổng thế khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ dựa trên cách tiếp cận hệ sinh thái; xây dựng Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo.

Thứ trưởng Lê Minh Ngân thay mặt đoàn Việt Nam ký tuyên bố chung

Hội nghị lần thứ tám Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22 tháng 10 năm 2018 về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đây là một minh chứng thể hiện cam kết của Việt Nam về phát triển bền vững, cụ thể là đạt được các mục tiêu của Chương trình nghị sự 2030 về Phát triển bền vững 2030 của Liên hiệp quốc (SDGs) và các cam kết quốc tế khác như Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (UNFCCC), Khung Đa dạng sinh học toàn cầu sau năm 2020 và các cam kết quốc tế, khu vực liên quan khác.

Chúng tôi mong muốn được hợp tác với tất cả nước trong khu vực và các đối tác khác, cùng nhau hành động và cùng nhau chia sẻ các kinh nghiệm, thực tiễn tốt nhằm hướng tới mục tiêu chung là phát triển bền vững khu vực các biển Đông Á.  Chúng tôi cam kết tiếp tục ủng hộ và đẩy mạnh việc thực hiện SDS-SEA tại Việt Nam.”

Diễn đàn Bộ trưởng EAS lần thứ 7 là sự kiện cấp cao của Hội nghị các vùng biển Đông Á diễn ra 3 năm một lần, là cơ hội để các bộ trưởng chính phủ liên quan trong khu vực gặp gỡ và tham gia đối thoại chính sách. Tại diễn đàn, đại diện từ chính phủ của mười một quốc gia Biển Đông Á đã kí cam kết Tuyên bố cấp Bộ trưởng EAS lần thứ 7, Tái khẳng định và xây dựng dựa trên các Tuyên bố hoặc cam kết cấp Bộ trưởng trước đây của khu vực nhằm hỗ trợ việc thực hiện SDS-SEA và các thỏa thuận quốc tế quan trọng.

1
Đại diện các nước công bố bản Tuyên bố chung đã được ký

“Chúng tôi sẽ theo đuổi Lộ trình đến 2030 của PEMSEA, dựa trên tầm nhìn của SDS-SEA, bổ sung cho các kế hoạch phục hồi xanh của các Quốc gia PEMSEA và phù hợp với các cam kết quốc tế quan trọng; và phối hợp với PEMSEA, cam kết hơn nữa trong việc triển khai Kế hoạch thực hiện SDS-SEA cho giai đoạn 2023-2030, phù hợp với các mục tiêu và hành động ưu tiên sau:

1. QUẢN TRỊ HIỆU QUẢ. Cải thiện quản trị vùng ven biển và đại dương bằng cách tăng cường thực thi luật pháp và chính sách, thông qua các công cụ và cơ chế liên quan để hỗ trợ quá trình ra quyết định tổng hợp, phối hợp, toàn diện, dựa trên cơ sở khoa học; và tăng cường năng lực thể chế, kỹ thuật,nguồn lực bằng cách áp dụng các cơ chế tài chính sáng tạo và tạo ra kiến thức và các thực tiễn tốt nhất của khu vực về quản lý sông, bờ biển và đại dương thông qua các nền tảng trao đổi công nghệ, nghiên cứu khoa học và sáng kiến quản lý thông tin.

2. ĐẠI DƯƠNG KHỎE MẠNH. Mở rộng quy mô quản lý tổng hợp vùng bờ (ICM) như một phương pháp quản lý bền vững đã được chứng minh nhằm tăng cường khả năng phục hồi vùng ven biển và bảo vệ sức khỏe của sông, bờ biển và hệ sinh thái đại dương và các nguồn tài nguyên thiên nhiên liên quan, cũng như các cộng đồng ven biển khỏi các mối đe dọa và tác động của biến đổi khí hậu, ô nhiễm trên đất liền, bao gồm rác thải đại dương , các hoạt động và thực hành không bền vững, và các hình thức sử dụng không bền vững khác dẫn đến suy thoái môi trường và mất đa dạng sinh học.

3. CON NGƯỜI KHỎE MẠNH. Thu hút cộng đồng với tư cách là những nhà quản lý có trách nhiệm và hiệu quả, đồng thời nâng cao năng lực cộng đồng để bảo vệ, sử dụng bền vững và quản lý các nguồn nước ven biển, nước biển, qua đó tạo điều kiện thúc đẩy an ninh lương thực và dinh dưỡng, tiếp cận các cơ hội sinh kế và cải thiện chất lượng cuộc sống.

4. KINH TẾ LÀNH MẠNH. Đẩy nhanh các khoản đầu tư xanh và đảm bảo sử dụng bền vững và hiệu quả các hệ sinh thái ven biển và đại dương cũng như các nguồn tài nguyên liên quan, để hỗ trợ các sáng kiến phục hồi xanh nhằm tạo ra việc làm, sinh kế và doanh nghiệp trong giới hạn sinh thái, hướng tới đóng góp vào sự phát triển kinh tế bền vững của các quốc gia.
Chúng tôi nhận thấy tầm quan trọng của Cơ sở Nguồn lực PEMSEA như là cơ chế điều phối và tạo điều kiện cho việc triển khai thực hiện SDS-SEA, một cách phù hợp với các mục tiêu toàn cầu mà các Quốc gia EAS đã ký kết. Chúng tôi đảm bảo với PRF rằng những đóng góp tự nguyện và hỗ trợ kỹ thuật liên tục của chúng tôi trong việc duy trì quan hệ đối tác trong khu vực và kêu gọi các đối tác, chính quyền địa phương, khu vực tư nhân, tổ chức học thuật và thanh niên, các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức tài chính và cộng đồng quốc tế nhằm mở rộng sự hỗ trợ cần thiết để PRF xây dựng năng lực khu vực, tạo điều kiện trao đổi kiến thức và tận dụng chuyên môn kỹ thuật, kỹ năng và nguồn lực để quản lý bền vững các hệ sinh thái ven biển và đại dương.

KÊU GỌI HÀNH ĐỘNG
COVID 19 đã khiến các hoạt động chậm lại, tạo cơ hội cho môi trường và con người được thiết lập lại và tái tạo. Khi thế giới điều chỉnh và nỗ lực để quản lý đại dịch toàn cầu và hậu quả về khủng hoảng kinh tế, PEMSEA nên tận dụng cơ hội để dẫn đầu phục hồi xanh để xây dựng các đại dương, con người và nền kinh tế khỏe mạnh hơn.

Thực hiện: Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường.

 

Bài viết liên quan