GIẢI QUYẾT KHỦNG HOẢNG RÁC THẢI NHỰA: BÀI HỌC TỪ NAM PHI, ÚC, NHẬT BẢN

21/12/2022

Với các tính chất đặc thù của nhựa, loại vật liệu này đã và đang đóng một vai trò quan trọng trong xã hội. Tuy nhiên, việc sản xuất, tiêu thụ và thải bỏ nhựa gây ra những tác động tiêu cực đáng kể đến xã hội, môi trường và kinh tế.

Chúng ta đang ở trong “thời đại của nhựa”, với sản lượng nhựa gần như tăng gấp đôi trong hai thập kỷ qua và dự kiến sẽ tăng lên hơn gấp ba vào năm 2050. Sản lượng gia tăng đã dẫn đến ô nhiễm nhựa ồ ạt thất thoát vào đại dương. Hơn 11 triệu tấn nhựa xâm nhập vào môi trường đại dương mỗi năm. Trong suốt vòng đời, những tác động tiêu cực của nhựa phát sinh chi phí cho Chính phủ và xã hội lớn hơn nhiều so với giá thị trường của nhựa. Một số những tác động tiêu cực như quản lý chất thải phát sinh chi phí kinh tế trực tiếp, trong khi những tác động khác đặt ra chi phí gián tiếp, tạo gánh nặng cho xã hội và chính phủ bởi các tác động đến môi trường và sức khỏe con người.

Theo một nghiên cứu chuyên sâu, 91% lượng phát thải khí nhà kính (KNK) từ nhựa đến từ quá trình sản xuất nhựa, đồng nghĩa với việc nhựa phát sinh một khoản chi phí đáng kể cho xã hội trước khi trở thành chất thải. Bên cạnh đó, chất thải nhựa chưa được quản lý phù hợp có thể đe dọa khả năng hoạt động của đại dương với vai trò như một bể chứa các-bon, góp phần gây nên khủng hoảng khí hậu.

Ô nhiễm nhựa đại dương cũng có thể phát sinh chi phí kinh tế khổng lồ dưới dạng giảm GDP, ước tính lên đến 7 tỷ đô la Mỹ chỉ riêng năm 2018. Chính phủ các nước, các tổ chức phi chính phủ và người dân có liên quan cũng phải chịu chi phí đáng kể lên đến 15 tỷ đô la Mỹ mỗi năm từ việc thực hiện các hoạt động dọn sạch nhằm loại bỏ chất thải. Ngoài ra, một số nghiên cứu về vi nhựa cũng cho thấy chúng tiềm ẩn nguy cơ rủi ro với sức khỏe con người.

GIẢI PHÁP CHO TƯƠNG LAI

Nhận thức được những thách thức từ nhựa, ngày càng có nhiều lời kêu gọi từ các tổ chức xã hội dân sự, doanh nghiệp và tổ chức tài chính nhằm thiết lập một hiệp ước toàn cầu mới về ô nhiễm nhựa đại dương. Chính phủ các nước đang bắt đầu hành động. Vào tháng 3 năm 2022, gần 200 quốc gia dự kỳ họp lần thứ 5 Hội đồng Môi trường Liên hợp quốc (UNEA 5) đã đồng thuận thành lập một ủy ban liên chính phủ để đàm phán, với mục tiêu trong vòng 2 năm tới sẽ hoàn thiện một hiệp ước tham vọng giải quyết vấn đề rác thải nhựa trên toàn cầu.

BÀI HỌC TỪ GIẢI PHÁP CỦA MỘT SỐ QUỐC GIA

Nam Phi

Hệ thống quản lý chất thải của Nam Phi gặp khó khăn trong việc giải quyết phát sinh chất thải nhựa trên toàn quốc, dẫn đến một lượng đáng kể nhựa bị rò rỉ ra môi trường. Chi phí tối thiểu theo vòng đời của nhựa sản xuất năm 2019 mà Nam Phi phải chịu là khoảng 60,72 tỷ đô la Mỹ (+/-17,11 tỷ đô la Mỹ), bao gồm thiệt hại về sinh kế, các ngành công nghiệp chủ chốt, chi phí dọn sạch mà chính phủ phải chi trả, và các mối đe doạ đối với sức khoẻ người dân.

Những giải pháp đã được thực hiện trong thời gian qua:

– Năm 2003, Nam Phi ban hành luật về túi nhựa bao gồm việc đánh thuế túi nhựa và cấm sử dụng nhựa màng mỏng dưới 30 microns.

– Năm 2020, các bên liên quan trong chuỗi giá trị bao bì nhựa, bao gồm cả chính phủ đã cùng nhau khởi động SA Plastics Pact (giao ước nhựa quốc gia)

– Năm 2021, Nam Phi quy định rằng tất cả túi nhựa (bao gồm cả túi nhập khẩu) phải chứa ít nhất 50% vật liệu tái chế bắt đầu từ năm 2023. Quy định này sẽ tăng dần lên từ túi nhựa được sản xuất từ 75% vật liệu tái chế vào tháng 1 năm 2025, sau đó hướng tới toàn bộ ”vật liệu được tái chế sau khi sử dụng” vào tháng 1 năm 2027. Cũng trong năm này, chính phủ đã ban hành cơ chế EPR bắt buộc đối với tất cả các loại bao bì bao gồm bao bì nhựa của doanh nghiệp.

Nam Phi sẽ cùng tham gia với nhiều quốc gia châu Phi khác nhằm ủng hộ một hiệp ước, với cam kết chính phủ có thể nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ phía công chúng.

 

Úc

Úc thừa nhận đang phải đối mặt với vấn đề về nhựa khi phát sinh 3,5 triệu tấn chất thải nhựa mỗi năm, bao gồm khoảng một triệu tấn nhựa sử dụng một lần. Nhựa gây ra những mối đe dọa lớn đối với động vật hoang dã của Úc.

Những giải pháp đã được thực hiện trong thời gian qua:

– Chính phủ Úc đã cấm xuất khẩu chất thải nhựa chưa qua xử lý từ tháng 7 năm 2021 và thiết lập các mục tiêu tái chế một cách rõ ràng.

– Các bộ trưởng môi trường nhất trí về việc loại bỏ dần các loại nhựa sử dụng một lần và nhựa có hại.

– Nhiều khoản đầu tư được đưa ra nhằm giải quyết vấn đề ngư cụ ma và tăng cường chống ô nhiễm nhựa trên Thái Bình Dương.

Sự đổi mới của Úc được thể hiện thông qua các phong trào như Plastic Free July và sản phẩm như KeepCup, hiện đang cho thấy tác động bền vững trên phạm vi quốc tế. Úc có đóng góp đáng kể trong việc thực hiện cách tiếp cận toàn cầu, theo đó có thể dễ dàng chia sẻ với các nước khác thông qua hợp phần hỗ trợ kỹ thuật của hiệp ước.

 

Nhật Bản

Nhật Bản là quốc gia phát thải bao bì nhựa tính theo đầu người cao thứ hai trên thế giới, trong đó nhựa là một phần quan trọng trong thương mại của Nhật Bản. Rò rỉ nhựa từ Nhật Bản và các nước láng giềng đang gây ô nhiễm môi trường nước xung quanh Nhật Bản và đe dọa cả ngành du lịch và đánh bắt và nuôi trồng thuỷ sản.

Thời gian qua, Nhật Bản đã phát triển một hệ thống quản lý chất thải hiện đại nhằm tái chế hoặc thu hồi một tỷ lệ đáng kể chất thải nhựa, do đó hạn chế thất thoát ra môi trường. Theo số liệu chính thức, năm 2018 Nhật Bản đã tái chế hoặc thu hồi 84% lượng nhựa được thu gom. Tuy nhiên, số liệu này bao gồm 56% lượng chất thải nhựa được đốt để làm năng lượng. Do vậy, phần lớn nhựa không được tái chế thành các sản phẩm mới mà đòi hỏi phải sản xuất nhựa nguyên sinh mới. Ngoài ra, mặc dù Nhật Bản đã thực hiện các biện pháp kiểm soát khí thải nhằm giảm thiểu các chất ô nhiễm hoá học phát sinh từ quá trình đốt rác, việc đốt rác vẫn là một yếu tố đóng góp ròng vào phát thải KNK.

 

KẾT LUẬN

Chính phủ các nước cần đảm bảo rằng tất cả các chủ thể trong hệ thống nhựa phải chịu trách nhiệm về chi phí do vòng đời của nhựa gây ra đối với thiên nhiên và con người. Trong năm 2022, WWF đã tiếp tục kêu gọi Chính phủ các nước bắt đầu đàm phán một hiệp ước quốc tế ràng buộc về mặt pháp lý để thiết lập những mục tiêu và kế hoạch hành động vì môi trường ở cấp quốc tế và quốc gia.

 

Bài viết liên quan