TẠO RA MỘT THẾ GIỚI TỐT HƠN CHO TẤT CẢ CHÚNG TA

Giới thiệu về dự án

Dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam” được chính thức phê duyệt theo Quyết định số 1462/QĐ-BTNMT ngày 02 tháng 07 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường. Dự án được kỳ vọng sẽ góp phần giảm ô nhiễm rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam thông qua việc hỗ trợ xây dựng các văn bản hướng dẫn để thực hiện các chính sách ưu tiên liên quan đến chất thải nhựa, các hoạt động truyền thông, tăng cường năng lực, nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi đối với chất thải nhựa, nhằm hỗ trợ thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030 tại Việt Nam.

Tên Dự án: Giảm thiểu Rác thải Nhựa đại dương tại Việt Nam

Thời gian: 10/2019 – 12/2023

Tài trợ: WWF-Đức (nguồn từ Bộ Môi trường, Bảo tồn thiên nhiên và An toàn hạt nhân CHLB Đức)

Chủ Dự án: Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam

Cơ quan chủ quản: Bộ Tài nguyên & Môi trường 

Khu vực triển khai:  A Lưới, Đà Nẵng, Đồng Hới, Hà Tĩnh, Long An, Rạch Giá, Tuy Hòa, Côn Đảo, Cù Lao Chàm, Phú Quốc

Mục tiêu và Nhiệm vụ

Thông qua Dự án, Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên WWF hỗ trợ Việt Nam thực hiện các hoạt động bảo vệ môi trường liên quan đến quản lý chất thải rắn nói chung và rác thải nhựa nói riêng; giảm thiểu tác động của rác thải nhựa đến các hệ sinh thái biển; bảo tồn đa dạng sinh học môi trường biển, đặc biệt tại các Khu bảo tồn biển đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi ô nhiễm nhựa đại dương; nâng cao kiến thức của cộng đồng, xã hội về mối liên quan giữa việc xả thải rác nhựa và hậu quả tiêu cực lên môi trường biển và sức khỏe con người; nâng cao năng lực cán bộ trong quản lý, thực hiện các hoạt động liên quan đến quản lý chất thải nhựa, rác thải nhựa đại dương.

TRUYỀN THÔNG & GIÁO DỤC

Triển khai các hoạt động truyền thông và tăng cường năng lực, nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi đối với chất thải nhựa ở cả cấp trung ương và địa phương.

CHÍNH SÁCH QUẢN LÝ & TRÁCH NHIỆM MỞ RỘNG CỦA NHÀ SẢN XUẤT (EPR)

Xây dựng và thực hiện chính sách đảm bảo cải thiện công tác quản lý chất thải rắn, bao gồm cơ chế hỗ trợ Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất trong sản xuất và sử dụng bao bì nhựa.

ĐÔ THỊ GIẢM NHỰA

Xây dựng các mô hình thí điểm giảm thiểu rác thải nhựa tại bảy thành phố/quận (huyện) tham gia Dự án, thông qua việc cam kết và triển khai chương trình Đô thị giảm nhựa của WWF.

KHU BẢO TỒN BIỂN

Quản lý hiệu quả và giảm lượng tồn đọng rác thải nhựa tại ba khu bảo tồn biển quan trọng: Côn Đảo, Cù Lao Chàm và Phú Quốc.

XÂY DỰNG MỘT thế giới tốt ĐẸP hơn

Tác động về văn hóa-xã hội

Giúp người dân tăng cường hiểu biết về tác hại của các sản phẩm nhựa dùng 1 lần đến môi trường, sức khỏe con người, để từ đó sẽ có ý thức và thay đổi hành vi, thói quen sử dụng các sản phẩm bao bì nhựa sử dụng 1 lần.

Hỗ trợ tăng cường hiểu biết, cung cấp các thông tin chính xác đến các kênh truyền thông, nâng cao tính hiệu quả, tác động của truyền thông với xã hội.

Hoạt động tăng cường hợp tác với quốc tế về chia sẻ kiến thức và thông tin liên quan đến các vấn đề xuyên biên giới về ô nhiễm rác thải nhựa đại dương hỗ trợ Việt Nam kênh liên lạc, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, phục vụ hữu ích công tác quản lý chất thải nhựa, rác thải nhựa đại dương, đẩy mạnh mối tương tác trong lĩnh vực bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên với cộng đồng quốc tế.

Nâng cao năng lực cán bộ trung ương, địa phương và doanh nghiệp trong công tác quản lý rác thải nhựa, cũng như hiểu biết về các quy định và trách nhiệm của nhà sản xuất đối với nhựa và sản phẩm nhựa xuyên suốt các quá trình sản xuất và sau sử dụng. Điều này hỗ trợ xây dựng, hoàn thiện và thực thi các cơ chế chính sách trong hoạt động quản lý nhà nước.

Tăng cường mối liên kết và hành động của cộng đồng, khối tư nhân và Khu Bảo tồn biển nhằm giảm bớt ô nhiễm nhựa đại dương, góp phần giảm thiểu nguy cơ suy giảm đa dạng sinh học, đặc biệt tại các vùng ven biển.

Bảy thành phố/quận (huyện) và ba Khu Bảo tồn biển được chọn để tham gia chương trình Đô thị giảm nhựa sẽ là tiền đề để nhân rộng cho các thành phố/quận (huyện) khác trên toàn quốc, phù hợp với chính sách và chiến lược của quốc gia trong hoạt động quản lý và giảm thiểu rác thải nhựa.

Tác động về môi trường

Lượng rác nhựa thất thoát được giảm tối đa, giúp giảm thiểu ảnh hưởng của rác nhựa lên đa dạng sinh học biển, bảo vệ các nguồn tài nguyên thiên nhiên trước môi đe dọa về ô nhiễm nhựa.

Việc quản lý rác nhựa nói riêng, rác thải rắn nói chung được cải thiện cũng góp phần làm giảm ảnh hưởng của rác tới biến đổi khí hậu, giảm ô nhiễm môi trường đát, nước, không khí, đặc biệt là tư các bãi rác không hợp vệ sinh.

Tác động về kinh tế

Việc xây dựng các Đô thị giảm nhựa sẽ tạo ra các thành phố và khu du lịch sạch, tạo hình ảnh đẹp trong mắt du khách, góp phần thúc đẩy ngành kinh tế du lịch. Bên cạnh đó việc quản lý rác nhựa tốt hơn theo định hướng kinh tế tuần hoàn sẽ góp phần tái sử dụng các nguồn nguyên liệu nhựa, tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho nhiếu đối tượng lao động khác nhau.

Tác động về sức khỏe cộng đồng

Việc giảm thiểu sử dụng nhựa, nhất là nhựa dùng 1 lần, sẽ tạo ra thói quen sinh hoạt tốt hơn cho người dân khi không để thực phẩm tiếp xúc với nhựa không rõ nguồn gốc, nhựa kém chất lượng. Việc giảm rác nhựa thất thoát ra môi trường cũng sẽ hạn chế lượng vi nhựa thâm nhập vào chuỗi thức ăn, gây ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng.