Đô thị giảm nhựa (Plastic Smart Cities – PSC) là một sáng kiến của Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) nhằm kết nối các thành phố và các điểm đến du lịch cùng hành động chống lại ô nhiễm nhựa. Thông qua chương trình, WWF nâng cao năng lực cho các địa phương nhằm đạt được mục tiêu không rác nhựa trong thiên nhiên vào năm 2030.
Hiện tại, tính riêng khu vực Châu Á, PSC đang được thực hiện tại 5 quốc gia bao gồm Indonesia, Thái Lan, Philippines, Trung Quốc và Việt Nam. Với tham vọng đưa chương trình PSC trở thành phong trào được các quốc gia trên toàn thế giới hưởng ứng và tự triển khai tương tự như Giờ Trái đất (Earth Hour), WWF kêu gọi các thành phố cam kết thực hiện mục tiêu giảm ô nhiễm rác thải nhựa (RTN) theo tầm nhìn không còn RTN trong thiên nhiên, phát triển và phổ biến các thực hành về giảm RTN tốt nhất, đạt mục tiêu sẽ có 1000 đô thị giảm nhựa trên thế giới vào năm 2030.
Lộ trình xây dựng PSC tại Việt Nam được xây dựng theo một tiến trình gồm 5 bước:
- Tiến hành đánh giá cơ bản về dòng chất thải nhựa trong thành phố để xác định tỷ lệ rác thải chưa được quản lý chặt chẽ ở thời điểm hiện tại và các ưu tiên can thiệp;
- Xây dựng kế hoạch hành động của thành phố với các mục tiêu, tiến độ rõ ràng, đảm bảo nội dung hoạt động phù hợp với các ưu tiên được xác định trong đánh giá cơ sở, cũng như phân bổ nguồn lực đầy đủ để thực hiện các hoạt động nói trên;
- Triển khai dự án thí điểm các giải pháp chống ô nhiễm nhựa, với mục tiêu giảm 30% rác nhựa thất thoát ra môi trường tại khu vực thí điểm và giảm 30% ô nhiễm rác thải nhựa trên toàn thành phố vào năm 2025;
- Xây dựng kế hoạch giám sát, đánh giá và báo cáo tiến độ thực hiện kế hoạch hành động của thành phố hàng năm;
- Chỉ định cán bộ đầu mối phụ trách chương trình Đô thị giảm nhựa tại thành phố để phối hợp cùng đội ngũ cán bộ WWF, cũng như báo cáo hàng năm tiến độ thực hiện kế hoạch hành động của thành phố và các cam kết trong văn bản.
Tính đến năm 2022, Việt Nam đã có 10 địa phương cam kết trở thành Đô thị giảm nhựa, bao gồm:
- Thành phố Phú Quốc (Tỉnh Kiên Giang)
- Thành phố Rạch Giá (Tỉnh Kiên Giang)
- Quận Thanh Khê (Thành phố Đà Nẵng)
- Thành phố Tuy Hòa (Tỉnh Phú Yên)
- Thành phố Tân An (Tỉnh Long An)
- Thành phố Huế (Tỉnh Thừa Thiên – Huế)
- Huyện A Lưới (Tỉnh Thừa Thiên – Huế)
- Thành phố Hà Tĩnh (Tỉnh Hà Tĩnh)
- Côn Đảo (Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu)
- Thành phố Đồng Hới (Tỉnh Quảng Bình)
Côn Đảo trở thành điểm thứ 9 trong mạng lưới Đô thị giảm nhựa Việt Nam. Ảnh: Báo Lao động
Trong khuôn khổ nguồn lực cho phép, dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa tại Việt Nam” cũng chủ động tìm kiếm, kết nối và tạo điều kiện để các địa phương triển khai chương trình PSC có cơ hội tham gia các chuyến công tác thăm quan học hỏi lẫn nhau, và được truyền cảm hứng từ các mô hình thành công khác. Chuyến thăm quan học tập mô hình thu gom và xử lý rác sau phân loại của URENCO Hải Phòng dành cho các địa phương có mong muốn và định hướng phân loại rác đã đạt được các mục tiêu đó. Sau chuyến công tác, URENCO Phú Yên đã bắt đầu tham gia tích cực hơn vào mô hình phân loại và xử lý rác tại chợ P7, Tuy Hoà. Công ty Tiến Thành (Rạch Giá) đã tự tìm tòi và thí điểm hoạt động phân loại – xử lý rác hữu cơ tại bãi rác mà họ được giao quản lý. Trong khi đó, Hà Tĩnh cũng đặt nhiều mục tiêu mạnh mẽ hơn trong dự thảo kế hoạch hành động liên quan tới công tác phân loại rác; Hội Phụ nữ tỉnh Hà Tĩnh tích cực đề xuất và thực hiện các mô hình phân loại rác và xử lý rác sau phân loại trong cộng đồng.
“Ý tưởng xây dựng dự án này là kết nối các bên liên quan vào cùng một nỗ lực chung – bao gồm chính quyền địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, cộng đồng ngư dân địa phương cũng như khách du lịch, để giảm thiểu tối đa ảnh hưởng của rác thải nhựa”, bà Nguyễn Thị Diệu Thúy – Giám đốc Chương trình Giảm nhựa, WWF-Việt Nam, chia sẻ.