Các tổ chức chính trị – xã hội ở nước ta có vai trò quan trọng trong việc tham gia vào các lĩnh vực của đời sống xã hội. Vì vậy, phát huy vai trò của các tổ chức chính trị – xã hội sẽ góp phần tích cực trong kiểm soát rác thải nhựa biển ở Việt Nam.
Kể từ khi được phát minh, nhựa đã đóng vai trò quan trọng trong đời sống nhân loại. Tuy nhiên, qua một thời gian dài xuất hiện, hệ lụy của rác thải nhựa (RTN) tác động rất lớn đến môi trường, nhất là đối với môi trường biển. Mỗi năm trên thế giới có khoảng từ 4,8 đến 12,7 triệu tấn RTN từ lục địa thải ra biển và đại dương, Việt Nam cũng được đánh giá là một trong số các quốc gia có lượng lớn RTN thải ra biển và đại dương. Điều này, đòi hỏi phải sớm có những giải pháp đồng bộ nhằm kiểm soát RTN biển ở Việt Nam hiện nay.
* Ảnh hưởng của RTN đối với sự phát triển kinh tế, xã hội và môi trường
Sản phẩm nhựa rất tiện lợi để sử dụng cho sinh hoạt hàng ngày, trong các hoạt động sản xuất, buôn bán… nhưng sử dụng nhiều sẽ dẫn tới gia tăng RTN. Theo Torbjørn Graff Hugo(1), RTN đại dương đang tăng mỗi năm và ước tính đến năm 2025 sẽ tăng hơn gấp đôi so với năm 2010.
Ô nhiễm RTN đại dương là vấn đề ô nhiễm xuyên biên giới, có tác động tiêu cực đến sự phát triển kinh tế, xã hội và môi trường của các quốc gia. Với tính chất phân hủy chậm, vỡ thành các hạt nhỏ rồi biến thành các hạt vi nhựa, RTN đã và đang đe dọa tiêu diệt nhiều loài sinh vật biển (từ động vật phù du, động vật giáp xác, cá đến chim biển, thú biển..) thông qua việc xâm nhập vào chuỗi thức ăn ở biển bởi những mảnh vi nhựa hoặc khiến sinh vật biển mắc kẹt đối với những ngư lưới cụ bằng nhựa. RTN đại dương còn làm gia tăng tai nạn hàng hải, giảm năng suất đánh bắt thủy, hải sản, ảnh hưởng xấu đến du lịch biển và các ngành công nghiệp biển khác. Theo thống kê, RTN đã gây tổn hại liên quan đến các ngành khai thác biển của 21 nền kinh tế ở Châu Á – Thái Bình Dương lên đến 1,26 tỷ USD vào năm 2008(1). Những thống kê khác còn cho thấy RTN gây thiệt hại tới 8 tỷ USD cho các hệ sinh thái biển. RTN đại dương cũng gây tổn hại nghiêm trọng đến sức khỏe khi con người sử dụng muối ăn, các sinh vật biển làm thực phẩm đã bị RTN xâm nhập vào chuỗi thức ăn ở biển.
RTN ở Việt Nam bao gồm nhiều nguồn phát thải như nguồn từ đất liền, các hoạt động trên biển và RTN không rõ nguồn gốc xuyên biên giới. Trong đó RTN có nguồn gốc từ đất liền phát thải ra biển rất lớn. Theo các chuyên gia, Việt Nam đứng thứ 4 trên thế giới về lượng RTN phát thải ra biển với 0,28 đến 0,73 triệu tấn mỗi năm (tương đương 6% tổng lượng RTN phát thải ra biển và đại dương của thế giới)(2).
Để kiểm soát RTN biển ở Việt Nam đòi hỏi phải có nhiều giải pháp đồng bộ, từ hoàn thiện thể chế, kiện toàn thiết chế, đầu tư nguồn lực đến hợp tác quốc tế, ứng dụng khoa học và công nghệ…trong quản lý nhà nước về môi trường biển. Đặc biệt, cần có sự vào cuộc tích cực của các cấp chính quyền, người dân và doanh nghiệp. Do đó, phát huy vai trò của các tổ chức chính trị – xã hội trong công tác kiểm soát RTN biển cũng cần phải đặt ra trong bối cảnh hiện nay.
Biển Việt Nam chịu sức ép lớn từ rác nhựa
* Vai trò của các tổ chức chính trị – xã hội ở Việt Nam
Ở nước ta, các tổ chức chính trị – xã hội đóng vai trò quan trọng trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội thành viên (Công đoàn, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp phụ nữ, Hội Cựu chiến binh) là một bộ phận, cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân cũng như của thành viên, hội viên, đoàn viên của các tổ chức.
Các tổ chức chính trị – xã hội ở Việt Nam vừa là cầu nối giữa Nhà nước với các tổ chức và cá nhân trong xã hội, vừa truyền tải chính sách, pháp luật của Nhà nước đến tổ chức và cá nhân. Thông qua hoạt động của mình, các tổ chức chính trị – xã hội giáo dục, thuyết phục, tuyên truyền, vận động tổ chức và cá nhân nhận thức được các vấn đề xã hội đang đặt ra. Từ đó, tổ chức và cá nhân sẽ có những hành động phù hợp với chính sách, pháp luật của Nhà nước trong quản lý các lĩnh vực của đời sống xã hội. Các tổ chức chính trị – xã hội còn góp phần tăng cường sự đoàn kết toàn dân, tạo sự nhất trí cao và đồng thuận, thắt chặt mối quan hệ mật thiết giữa các cơ quan quản lý với những tổ chức và cá nhân. Các tổ chức chính trị – xã hội giúp tạo dư luận xã hội đối với những hành vi vi phạm chính sách, pháp luật của Nhà nước trong quản lý xã hội; tập hợp ý kiến phản biện xã hội đối với chính sách, pháp luật của Nhà nước. Từ đó, giúp những người dân và doanh nghiệp tuân thủ pháp luật trong quá trình sử dụng tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; giúp Nhà nước hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật trong quản lý các lĩnh vực của đời sống xã hội.
* Phát huy vai trò của các tổ chức chính trị – xã hội trong kiểm soát RTN biển ở Việt Nam
Từ vai trò của các tổ chức chính trị – xã hội trong đời sống xã hội ở Viêt Nam, cần thiết phát huy vai trò của tổ chức chính trị – xã hội trong kiểm soát RTN biển thông qua các giải pháp chủ yếu sau:
Thứ nhất, xây dựng chương trình phối hợp giữa các tổ chức chính trị – xã hội với các cơ quan quản lý nhà nước về môi trường ở từng cấp chính quyền trong kiểm soát RTN biển.
Chương trình phối hợp giữa các tổ chức chính trị – xã hội với các cơ quan quản lý nhà nước về môi trường cần đảm bảo mục đích: Nâng cao hiệu quả trong thực hiện chính sách, pháp luật về kiểm soát RTN biển; phát huy vai trò của các tổ chức chính trị – xã hội trong việc hỗ trợ các cơ quan quản lý nhà nước về môi trường trong hoạt động kiểm soát RTN biển; thông qua hoạt động giám sát, các tổ chức chính trị – xã hội kiến nghị sửa đổi, bổ sung chính sách và quy định pháp luật cho phù hợp với thực tiễn, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và tăng cường sự đồng thuận xã hội về kiểm soát RTN biển.
Bên cạnh đó, Chương trình phối hợp cũng phải đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật; được triển khai thực hiện thường xuyên, kịp thời, công khai, minh bạch, hiệu quả các nhiệm vụ về kiểm soát RTN biển. Đồng thời, có sự phân công trách nhiệm rõ ràng giữa các tổ chức chính trị – xã hội với các cơ quan quản lý nhà nước về môi trường trong hoạt động kiểm soát RTN biển.
Thứ hai, các tổ chức chính trị – xã hội cần thường xuyên tổ chức tuyên truyền, giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức về RTN biển.
Thường xuyên tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các cấp và thành viên, hội viên, đoàn viên của các tổ chức chính trị – xã, tổ chức, cá nhân về tác hại của RTN biển đối với kinh tế, xã hội và môi trường. Từ đó, giúp thay đổi các thói quen sử dụng túi ni lông khó phân hủy và các sản phẩm từ nhựa; nâng cao trách nhiệm xã hội của các thành viên, hội viên, đoàn viên, tổ chức, cá nhân trong việc giảm thiểu phát sinh và kiềm chế gia tăng các sản phẩm nhựa sử dụng một lần; hạn chế và tiến tới không sử dụng túi ni lông và các sản phẩm nhựa một lần (nước đóng chai, ống hút nhựa…); khuyến khích sử dụng các sản phẩm thay thế thân thiện với môi trường…
Thứ ba, các tổ chức chính trị – xã hội cần chủ động xây dựng kế hoạch, phương thức hoạt động, mục tiêu cụ thể trong công tác kiểm soát RTN biển.
Căn cứ vào đặc điểm và nguồn lực trên địa bàn, các tổ chức chính trị – xã hội cần chủ động xây dựng kế hoạch, phương thức hoạt động phù hợp cũng như mục tiêu cụ thể về kiểm soát RTN biển. Từ đó, có sự triển khai bảo đảm hiệu quả tới các cấp và thành viên, hội viên, đoàn viên của tổ chức chính trị – xã hội cũng như tổ chức, cá nhân khác tại địa bàn hoạt động.
Thứ tư, các tổ chức chính trị – xã hội cần chú trọng đến công tác xây dựng các cuộc vận động về kiểm soát RTN biển.
Với vai trò cầu nối và chuyển tải chính sách, pháp luật của Nhà nước đến tổ chức và cá nhân, các tổ chức chính trị – xã hội cần chú trọng đến công tác xây dựng các cuộc vận động về kiểm soát RTN biển với nội dung, hình thức đa dạng, phong phú, nhằm tạo sự nhất trí cao, đồng thuận của các cấp cũng như thành viên, hội viên, đoàn viên và toàn xã hội. Chẳng hạn như tổ chức phong trào chống RTN; Chiến dịch hạn chế sử dụng túi ni lông, làm sạch bãi biển và chung tay bảo vệ môi trường; Cuộc thi tìm vật liệu thay thế vật liệu nhựa thân thiện với môi trường; nêu gương người tốt việc tốt, điển hình tiên tiến trong kiểm soát RTN biển…
Như vậy, RTN biển đang ngày càng gia tăng, gây ra những hệ lụy nghiêm trọng đến kinh tế, xã hội và môi trường. Việt Nam là một trong những nước có lượng RTN biển đứng đầu thế giới và đây là mối nguy đe dọa đến sự phát triển bền vững của đất nước. Trước tình trạng này, cần phải tập trung triển khai quyết liệt các giải pháp để hạn chế, tiến tới loại bỏ RTN biển. Trên cơ sở vai trò của các tổ chức chính trị – xã hội đối với mọi lĩnh vực đời sống xã hội ở nước ta, việc phát huy vai trò của các tổ chức này trong công tác kiểm soát RTN biển là rất cần thiết./.
ThS. Hoàng Nhất Thống