Hiện nay, rác thải nhựa gây ô nhiễm đến mọi ngóc ngách của đại dương, đe dọa động vật hoang dã dưới nước, và thậm chí nhiễm vào hải sản – nguồn thức ăn của con người. Một trong những loại rác thải nhựa đại dương gây thiệt hại lớn nhất đến môi trường sống của các loài thủy sinh vật là các công cụ đánh bắt bị bỏ hoang, thất lạc hoặc vứt bỏ trên biển, hay còn được gọi là ngư cụ ma.
NGƯ CỤ MA LÀ GÌ?
Ngư cụ bị bỏ hoang, thất lạc hoặc vứt bỏ, thường được gọi là ngư cụ ma, là một vấn đề không thể tránh khỏi của nghề cá toàn cầu mà hầu hết chúng ta không nhận thấy hoặc quan tâm đến. Ngay cả những ngư dân sống trên mặt nước cũng hiếm khi hiểu được tác hại của ngư cụ họ đánh mất/ loại bỏ. Những tác hại của ngư cụ ma là rất lớn và mặc dù vấn đề đã được biết đến trong nhiều thập kỷ, nhưng chúng ta chỉ mới nhận ra quy mô và tác hại sâu rộng của vấn đề này trong vài năm gần đây.
HIỆN TRẠNG NGƯ CỤ MA VÀ NGUY HẠI CHÚNG GÂY RA
Ngoại suy từ các nguồn trên đất liền cho thấy ước tính ít nhất 10% rác thải đại dương được tạo thành từ các hoạt động đánh bắt, có nghĩa là khoảng 500.000 đến 1 triệu tấn ngư cụ có khả năng thải vào đại dương mỗi năm. Các loại ngư cụ như lưới, dây và lưỡi câu, dây thừng từ hoạt động đánh bắt và tàu thuyền chiếm tới 46% trong tổng số 45.000-129.000 tấn rác thải nhựa trôi nổi tại đảo rác Thái Bình Dương.
Một nghiên cứu toàn cầu gần đây về tỷ lệ ngư cụ bị mất, với nguồn số liệu từ phía Bắc bán cầu, ước tính rằng 5,7% lưới đánh cá, 8,6% lồng bẫy, và 29% các loại dây câu được sử dụng trên toàn cầu bị bỏ hoang, bị mất hoặc bị thải vào môi trường.
Nguy hại với sinh vật biển
Ngư cụ ma là dạng rác thải nhựa đại dương nguy hại nhất. Sau khi thâm nhập vào môi trường đại dương, chúng tiếp tục đánh bắt các loài thủy sản (đánh bắt ma) khiến các sinh vật biển, các hệ sinh thái và các loài có giá trị kinh tế đang bị đe dọa. Hơn 5400 cá thể động vật thuộc 40 loài khác nhau được ghi nhận là đã bị vướng vào ngư cụ ma (nghiên cứu năm 2016).
Nguy hại với môi trường biển
Ngư cụ ma cũng là nguyên nhân phá hủy các sinh cảnh quan trọng gần bờ và trên đại dương. Ngư cụ ma phá vỡ các rạn san hô, khuấy động môi trường sống dưới đáy biển của động vật sống bám (không di chuyển), phá hoại thảm thực vật, tích tụ trầm tích, làm động vật chết ngạt và cản trở chúng tiếp cận một số môi trường sống nhất định.
Nguy hại với kinh tế biển
Vì một phần của ngư cụ được làm bằng nhựa nên phải mất nhiều thập kỷ để phân hủy, các tác hại gây ra vẫn tiếp tục trong nhiều năm. Tác động gây hại này làm suy yếu tính bền vững và lợi nhuận kinh tế từ nghề cá do một phần sản lượng thủy sản bị tổn thất. Một số nghiên cứu ước tính rằng hơn 90% các loài thụ động vướng vào ngư cụ ma là các loài có giá trị kinh tế.
Ngoài ra, các lĩnh vực khác cũng chịu ảnh hưởng. Ngư cụ ma gây cản trở đối với tàu thuyền, đe dọa sự an toàn hàng hải. Và giống như các mảnh rác thải nhựa đại dương khác, ngư cụ ma gây ảnh hưởng đến ngành du lịch do chúng tàn phá vẻ đẹp cảnh quan tự nhiên.
TRUY VẤN NGUYÊN NHÂN
Nhìn chung ngư dân không mong muốn đánh mất ngư cụ – mặc dù một số lượng đáng kể ngư cụ cố tình bị vứt bỏ khi gặp các sự cố bất ngờ trên biển hay để che giấu hành động đánh bắt bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU) hoặc do ngư cụ hỏng không còn sử dụng được. Đối với hầu hết ngư dân, ngư cụ là sinh kế và là khoản đầu tư tài chính đáng kể của họ. Nhưng ngay cả với những nghề cá được quản lý tốt nhất, ngư cụ vẫn bị mất hoặc bị thất lạc do thời tiết, sự cố máy móc hoặc lỗi của con người. Một nghiên cứu gần đây ước tính rằng 5,7% lưới đánh cá, 8,6% bẫy và lồng, và 29% tất cả các loại dây câu được sử dụng trên toàn cầu bị bỏ hoang, thất lạc hoặc thải bỏ vào môi trường.
Để xác định và thực hiện giải pháp chiến lược lâu dài nhằm giảm thiểu vấn đề ngư cụ ma, cần xác định nguyên nhân và động cơ dẫn đến tình trạng mất và loại bỏ ngư cụ. Các nguyên nhân có thể chia làm 3 nhóm:
– Thất lạc (mất không chủ ý trên biển)
– Vứt bỏ (chủ ý vứt lại trên biển)
– Bỏ hoang (không có ý định thu hồi lại)
GIẢI PHÁP LÀ GÌ?
Chính phủ hành động
Cho tới hiện tại, vẫn chưa có một hiệp ước quốc tế nào có hiệu lực nhằm giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa đại dương. WWF kêu gọi các Chính phủ:
– Áp dụng các thông lệ phù hợp và tốt nhất trong quản lý sử dụng ngư cụ. Khung thực hành tốt nhất của tổ chức Sáng kiến ngư cụ ma toàn cầu (Global Ghost Gear Initiative – GGGI) về Quản lý ngư cụ (BPF) và Hướng dẫn tự nguyện của Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) về Đánh dấu ngư cụ (VGMFG), là bộ tài liệu hướng dẫn đầy đủ và toàn diện theo quy trình nhằm hướng dẫn công tác đánh giá và quản lý các vấn đề liên quan đến ngư cụ đặc thù của ngành thủy sản. Chính phủ có thể sử dụng bộ tài liệu này để đánh giá các thực hành quản lý nghề cá của mình nhằm xác định các lĩnh vực có thể áp dụng các cải tiến.
– Gia nhập Sáng kiến Loại bỏ ngư cụ ma toàn cầu (GGGI). GGGI là liên minh đa ngành toàn cầu duy nhất trên thế giới cam kết thúc đẩy các giải pháp giải quyết vấn đề ngư cụ ma.
– Ủng hộ tiến trình thiết lập một hiệp ước toàn cầu mới nhằm ngăn chặn ô nhiễm rác thải nhựa đại dương. Đây không phải vấn đề mà một quốc gia đơn lẻ hay một khu vực, hoặc các biện pháp tự nguyện, không ràng buộc có thể giải quyết được.
Ngư dân hành động
Các tổ chức/ cá nhân thiết kế và sản xuất ngư cụ cần:
– Thiết kế và sản xuất ngư cụ có thể truy xuất nguồn gốc.
– Thiết kế và sản xuất ngư cụ có thể tái chế.
– Thiết kế và sản xuất các ngư cụ không gây hại nếu bị thất lạc trên biển.
Bên cạnh đó, ngư dân cũng cần:
– Tránh thất thoát ngư cụ bằng cách áp dụng các phương pháp tốt nhất về quản lý ngư cụ, như: đánh dấu ngư cụ cá nhân, loại bỏ các ngư cụ hư hỏng đúng nơi quy định.
– Báo cho cơ quan chức năng khi mất ngư cụ và nhận lại nếu ngư cụ còn sử dụng được.
– Chia sẻ kiến thức chuyên môn để cùng ngăn chặn và giảm thiểu ngư cụ ma.
Cộng đồng hành động
WWF kêu gọi công chúng và cộng đồng hãy:
– Cùng tham gia vào các nỗ lực với chính phủ để đảm bảo rằng các hành động phòng chống ngư cụ ma được thực hiện hiệu quả.
– Kêu gọi các ngành công nghiệp liên quan đến ngư cụ và người dùng ngư cụ thể hiện khả năng lãnh đạo trong việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa, giảm thiểu và bù đắp, khắc phục vấn đề ngư cụ ma.
Cho tới nay, những hậu quả từ việc sử dụng các sản phẩm nhựa không kiểm soát đã bắt đầu nhận được sự quan tâm đáng có, thì tác động của ngư cụ ma lại ít được nhận biết và hiểu rõ. Hy vọng rằng cả xã hội sẽ cùng chung tay với WWF bằng sự nỗ lực mạnh mẽ để bảo vệ hệ sinh thái đại dương ngày một khỏe mạnh.