Nói không với túi nilon: Bắt đầu từ các bà nội trợ

26/04/2024

Muốn hạn chế việc dùng túi nilon nên bắt đầu từ các bà nội trợ, hay đúng hơn là bắt đầu từ việc thay đổi thói quen sử dụng túi nilon vì “tiện và miễn phí” của họ.

Một trong những thói quen cực xấu mà dường như bà nội trợ nào cũng mắc phải chính là sử dụng túi nilon đựng thực phẩm còn tươi sống ngay khi mua ngoài hàng. Chưa kể nhiều chị em còn dùng túi nilon để bảo quản thực phẩm trữ đông trong tủ lạnh. Hãy bỏ đi những thói quen này.

Tiện và miễn phí

Có thể nói, trong cuộc sống hiện đại như hiện nay, sự tiện lợi trong tiêu dùng, sinh hoạt luôn được đánh giá cao. Một trong những vật dụng không thể thiếu đó là đồ nhựa dùng một lần. Điển hình cho thứ đồ nhựa này chính là túi nilon.

Có lẽ, không bao giờ có chuyện bước chân vào hàng quán nào để mua thực phẩm hay mua sắm trang phục, giày dép… mà bạn không dùng đến túi để đựng. Sau khi thanh toán tiền hàng, bạn sẽ được chủ quán để thứ hàng mình mua vào một dạng túi nilon nào đó.

Khó có lời nào có thể diễn tả hết được độ tiện lợi với giá thành siêu rẻ của túi nilon. Với giá thành rẻ lại có thể đựng được nhiều món đồ to nhỏ khác nhau nên lượng mua để tiêu thụ túi nilon cũng lớn.

Nói không với túi nilon: Bắt đầu từ các bà nội trợ - 1

Sử dụng túi nilon là thói quen của các bà nội trợ.

Vì rẻ, vì tiện, túi nilon đang được sử dụng tràn lan, không đúng cách. Trước mắt, loại túi này đặt ra vấn đề về ô nhiễm môi trường. Tiếp đến là những nguy cơ gây hại sức khỏe từ loại nhựa tạo nên túi có khả năng thôi nhiễm ra đồ đựng trong đó, ở đây chúng ta bàn tới vấn đề thực phẩm.

Ngoài ra, một trong những thói quen cực xấu mà dường như bà nội trợ nào cũng mắc phải chính là sử dụng túi đựng thực phẩm còn tươi sống ngay khi mua ngoài hàng, hoặc là thu hoạch rau củ quả thịt ngay tại nhà nhưng không chế biến ngay mà đóng túi để vào tủ lạnh dùng dần.

Chỉ trong một ngày, mỗi gia đình có thể dùng đến cả chục cái túi nilon lớn nhỏ. Điển hình như việc mua đồ ăn sáng về nhà cũng đã lỉnh kỉnh với đủ loại túi như túi nilon đựng phở, đựng nước, đựng rau sống, túi đựng nước tương, tất cả các túi trên cho vào một túi khác lớn hơn.

Giữa buổi đi chợ, các bà nội trợ lại tay không, phóng xe vèo vèo, khi về lại lỉnh kỉnh nào là túi nilon chứa cá, thịt, rau củ, trái cây. Đến nhúm hành, tỏi khô, mấy trái ớt cũng có túi riêng… Để đến khi nhìn lại, nhiều người khá “choáng” với mức độ sử dụng túi nilon của gia đình mình.

Nói không với túi nilon: Bắt đầu từ các bà nội trợ - 2

Sử dụng túi nilon gây hại cho môi trường.

Quả thật, túi nilon đang “lên ngôi” bởi tính tiện lợi, ở đâu, làm gì ta cũng có thể thấy bóng dáng của túi nilon. Hơn thế, đi chợ, vào siêu thị, túi nilon luôn là mặt hàng miễn phí. Tại các quầy bán cá, sau khi làm sạch sẽ, cá được cho vào túi, rồi người bán còn “cẩn thận” bọc thêm lớp túi bên ngoài để không dính bẩn tay khách.

Đến hàng rau thì số lượng túi sử dụng còn nhiều hơn, bởi mỗi loại rau lại đựng trong một cái túi, thậm chí chỉ mấy cọng hành, vài quả chanh cũng cần đến túi. Đến khi ra khỏi hàng rau thì mỗi khách hàng có đến 5, 6 chiếc túi trên tay. Vậy là, từ gian bếp mỗi nhà, một lượng rác khó phân hủy khổng lồ sẽ thải ra môi trường.

Thay đổi bắt đầu từ các bà nội trợ

Trung bình mỗi năm Việt Nam thải ra khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa, nằm trong số 20 quốc gia có lượng rác thải lớn nhất và cao hơn mức trung bình của thế giới, do việc quản lý và xử lý rác thải nhựa chưa triệt để.

Chúng ta đều biết rằng, những chiếc túi nilon rất nhỏ bé, tiện lợi, nhưng để phân hủy tự nhiên phải mất đến hàng trăm năm trở lên. Sự tồn tại của nó trong môi trường gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới đất và nước; làm tắc nghẽn ao, hồ, sông ngòi, gây ứ đọng nước thải và ngập úng dẫn đến sản sinh ra nhiều vi khuẩn gây bệnh. Ngoài ra, túi nilon còn gây mất mỹ quan và cảnh quan.

Nghiên cứu của đại học Pennsylvania (Mỹ) cho thấy đựng thực phẩm trong túi hay túi nhựa nói chung đều có thể gây ra những nguy hiểm về sức khỏe khi xét về thành phần hóa chất tạo nên: BPA và DEHP. BPA có liên quan đến bệnh béo phì và khiến vòng eo lớn hơn ở nhóm đối tượng trẻ em và thanh thiếu niên.

Theo Chương trình quốc gia nghiên cứu về độc học (NTP) và Cơ quan Quốc tế Nghiên cứu về Ung thư (IARC) cho thấy, BPA còn tác động đến não làm chậm phát triển, gây viêm gan, rối loạn nội tiết và vô sinh. Đây cũng là loại chất có khả năng gây ung thư cực cao.

Theo Viện Nông nghiệp và Chính sách Thương mại Mỹ, các loại túi nhựa được làm từ polyethylene mật độ cao hoặc polyethylene mật độ thấp và thường được mã hóa nhãn số 2 hoặc 4. Khi thực phẩm được lưu trữ trong các túi nhựa các hóa chất này có thể ngấm vào thức ăn và sau đó được hấp thụ vào cơ thể, kể cả với các dạng màng bọc thực phẩm.

Nói không với túi nilon: Bắt đầu từ các bà nội trợ - 3

Sử dụng túi giấy đựng thực phẩm giúp bảo vệ môi trường.

Theo cơ quan chức năng, nhận thức được tác hại của túi nilon đối với môi trường và sức khoẻ cộng đồng, Chính phủ, các bộ ngành và địa phương đã có những giải pháp hữu hiệu để giải quyết vấn đề này, như áp dụng chính sách kinh tế để giảm thiểu việc sử dụng túi nilon khó phân hủy (đánh thuế 40.000 đ/kg đối với những đơn vị sản xuất túi nilon khó phân hủy, không thân thiện với môi trường); khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất túi nilon thân thiện với môi trường (không đánh thuế)…

Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng, doanh nghiệp về tác hại của chất thải túi nilon khó phân hủy đối với môi trường. Khuyến khích sử dụng các sản phẩm thay thế thân thiện với môi trường đối với từng hộ gia đình, ở các khu dân cư, chợ, siêu thị, trung tâm thương mại…

Tuy nhiên những giải pháp ấy chưa thực sự đi vào cuộc sống. Và muốn hạn chế việc dùng túi nilon, nên bắt đầu từ các bà nội trợ, hay đúng hơn là bắt đầu từ việc thay đổi thói quen sử dụng túi nilon vì “tiện và miễn phí” của họ.

Đôi khi hành động bảo vệ môi trường không phải là điều gì quá to tát, mà chỉ là thực hiện những việc nhỏ nhất như thay đổi thói quen dùng túi nilon của các bà nội trợ chẳng hạn.

THẢO NGUYÊN

Bài viết liên quan