Quản lý rác thải nhựa đại dương trong khu vực ASEAN

15/11/2022

Trong khu vực ASEAN với 4 quốc gia thành viên được cho là một trong những quốc gia gây ô nhiễm nhựa đại dương lớn nhất thế giới: Indonesia, Philipines, Thái Lan và Việt Nam.

Nhiều tổ chức khác nhau thuộc các nước ASEAN đã tiến hành các hoạt động nhằm giảm thiểu, quản lý rác thải nhựa đại dương. Indonesia là quốc gia đầu tiên trong khu vực ASEAN xây dựng kế hoạch hành động quốc gia về rác thải biển cho giai đoạn 2017 – 2025 với các trụ cột về (i) Sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong quản lý rác thải, bao gồm cả việc tăng cường năng lực cho các ngành, lĩnh vực, địa phương có liên quan; (ii) Ứng dụng công nghệ trong kiểm soát rác thải nhựa và việc áp dụng phương thức quản lý dựa trên cơ sở khoa học; (iii) Quán triệt về tầm quan trọng của các nỗ lực xã hội trong giảm thiểu, tái chế, tái sử dụng rác thải nhựa đối với thế hệ trẻ. Tại Việt Nam, năm 2019, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030 với các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp cụ thể theo từng giai đoạn; phân công rõ ràng trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương trong tổ chức thực hiện Kế hoạch.

Về các hoạt động điều tra, khảo sát, nghiên cứu, đánh giá rác thải nhựa, năm 2018, Phillipines đã tiến hành khảo sát, đánh giá định lượng rác thải nhựa dọc bờ biển Philippines và nghiên cứu về vi nhựa ở trên trầm tích mặt của bãi biển. Cục tài nguyên và môi trường biển thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường Thái Lan đã tiến hành điều tra, khảo sát dọc bờ biển Thái Lan (2015) và hiện đã thiết lập một kế hoạch quan trắc dài hạn (2019). Việt Nam cũng đã thực hiện việc nghiên cứu, đánh giá định lượng rác thải nhựa trên sông Sài Gòn (2015 – 2016) và đánh giá định lượng nhựa từ sông Sài Gòn đổ ra biển (2018).

Tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 34 tổ chức ở Thái Lan vào tháng 6/2019 đã thông qua hai văn bản quan trọng liên quan đến bảo vệ môi trường biển là: Tuyên bố Bangkok về chống rác biển trong khu vực ASEAN và Khuôn khổ hành động ASEAN về rác biển. Đây được coi là những nỗ lực lớn của khối trong việc phòng, chống, giảm thiểu ô nhiễm biển trong thời gian qua. Khuôn khổ hành động đặc biệt chú trọng đến việc tăng cường phối hợp hành động giữa các quốc gia thành viên và các đối tác quốc tế để phòng chống và giảm đáng kể rác thải biển từ các hoạt động trên biển và từ đất liền.

Tại Hội nghị thượng đỉnh G20 tổ chức tại Osaka – Nhật Bản ngày 29/6/2019, Nhật Bản đã đưa ra sáng kiến Marine nhằm thực hiện tầm nhìn đại dương xanh Osaka (Osaka Blue Ocean vision) với mục tiêu hết sức tham vọng là giảm gia tăng ô nhiễm do rác thải nhựa đại dương về 0 (không) vào năm 2020. Thủ tướng Nhật Bản ShinzoAbe đã tuyên bố: Nhật Bản sẽ hỗ trợ nỗ lực của các nước đang phát triển, bao gồm tăng cường năng lực và phát triển cơ sở hạ tầng trong lĩnh vực quản lý rác. Sáng kiến Marine của Nhật Bản đưa ra các hoạt động có hiệu quả để chống lại rác thải nhựa biển ở quy mô toàn cầu. Trong phạm vi sáng kiến này, Nhật Bản đã triển khai hỗ trợ các quốc gia ASEAN thông qua sáng kiến hợp tác hành động về rác thải nhựa đại dương ASEAN+3, bao gồm việc nâng cao nhận thức cho các đối tượng, kể cả chính quyền địa phương, các công dân và các doanh nghiệp, xây dựng kế hoạch hành động quốc gia giải quyết rác thải biển và tăng cường năng lực quản lý chất thải cũng như triển khai sâu rộng các chương trình 3R (giảm thiểu – tái sử dụng – tái chế) và cũng tiến hành các hoạt động hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực quan trắc, giám sát rác thải nhựa biển ở khu vực ASEAN. Đặc biệt, sáng kiến của Nhật Bản còn tập trung vào việc phổ biến và chia sẻ các thực hành tốt nhất của các lĩnh vực, ngành, công cộng và tư nhân Nhật Bản liên quan đến quản lý chất thải, phục hồi rác biển và đổi mới thông qua các hội nghị quốc tế có liên quan, cũng như các sáng kiến ở các cấp độ khác nhau.

Bài viết liên quan