RẠCH GIÁ ĐẨY MẠNH MÔ HÌNH PHÂN LOẠI VÀ XỬ LÝ RÁC HỮU CƠ BẰNG MEN VI SINH BẢN ĐỊA (IMO)

Kết hợp cùng Dự án, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Thành phố Rạch Giá triển khai tổ chức các lớp tập huấn kiến thức, hướng dẫn phân loại và xử lý rác thải hữu cơ bằng chế phẩm vi sinh IMO. 

TP Rạch Giá là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa – xã hội của tỉnh Kiên Giang. Thành phố có diện tích tự nhiên trên 10.300 ha, được chia thành 11 phường và một xã. Dân số hơn 59.000 hộ dân với hơn 227.000 nhân khẩu.

Những năm qua, một số công trình trọng tâm được đầu tư xây dựng đã góp phần làm thay đổi diện mạo đô thị của thành phố. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển về kinh tế thì áp lực về dân số, môi trường, rác thải sinh hoạt cũng gia tăng,…

Để cải thiện tình trạng này, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Thành phố Rạch Giá đã phối hợp với Dự án tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, tập huấn về phân loại rác tại nguồn, đặc biệt hướng dẫn cách xử lý rác hữu cơ bằng phương pháp men vi sinh bản địa (IMO) trên một số địa bàn thuộc thành phố. 

Xác định rằng công tác truyền thông đóng vai trò tiên quyết trong việc nâng cao nhận thức, thay đổi thói quen của người dân đối với hoạt động tái chế và phân loại rác thải. Mô hình đã triển khai các buổi tuyên truyền, hướng dẫn, vận động người dân tạo thói quen phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn và sử dụng chế phẩm sinh học IMO để phân huỷ rác hữu cơ ngay tại hộ gia đình. Dự án đã tổ chức thành công 34 lớp tập huấn cho không chỉ cán bộ, Đảng viên, giáo viên mà còn phát động rộng rãi đến toàn thể nhân dân địa phương.

Sau hơn hai năm thí điểm và triển khai chính thức, 900 hộ gia đình đã ứng dụng vi sinh bản địa IMO tại gia; 05 thùng ủ rác hữu cơ được triển khai tại Co.opmart Kiên Giang và Co.opmart Rạch Sỏi; 03 điểm “tập kết xanh” sử dụng IMO xử lý mùi hôi lần lượt được bố trí tại tại đường Ngô Thị Tập, phường Vĩnh Thanh; công viên chợ Nguyễn Thoại Hầu, phường Vĩnh Thanh Vân và đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, phường Vĩnh Quang.

Mô hình này được triển khai đã đem lại hiệu quả “kép” là giảm lượng rác thải sinh hoạt ra môi trường và rác thải qua xử lý trở thành nguồn phân bón sạch cho cây trồng. Việc phân loại và xử lý rác thải tại gia đình từng bước làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của người dân trong việc tham gia bảo vệ môi trường. Từ những lợi ích thiết thực trên, Hội LHPN tỉnh đang tích cực tuyên truyền, vận động để mô hình sớm được nhân rộng. 

Bài viết liên quan