Nhận thức của người tiêu dùng, doanh nghiệp về sử dụng bao bì thân thiện môi trường đang dần thay đổi.
Từ năm 2015-2020, Bộ Công Thương đã tổ chức nhiều chương trình tiêu dùng bền vững, tăng trưởng xanh, sản xuất sạch hơn, như chính sách cho doanh nghiệp từ sản xuất đến tiêu dùng, cũng như vận động tuyên truyền cho người tiêu dùng, hướng tới những sản phẩm xanh, sạch, bền vững… và đạt những kết quả tích cực.
Thời gian qua, nhận thức của các cơ quan chức năng, doanh nghiệp và người tiêu dùng về sử dụng bao bì thân thiện với môi trường, hướng tới tiêu dùng xanh đã có sự thay đổi rõ rệt trong những năm gần đây.
Theo đại diện Trung tâm truyền thông – Bộ Tài nguyên và Môi trường, phong trào chống rác thải nhựa phát triển mạnh từ các cơ quan nhà nước ở Trung ương đến địa phương. Hiện các cuộc họp của các cơ quan trung ương đã sử dụng chai thủy tinh thay vì chai nhựa như trước đây.
Bên cạnh các cơ quan trung ương, các địa phương cũng rất tích cực trong việc thay đổi thói quen sử dụng rác thải nhựa dùng một lần thông qua các phong trào. Trong đó, đặc biệt là sự vào cuộc của các doanh nghiệp, từ nhà sản xuất đến các nhà phân phối bán lẻ, rất nhiều doanh nghiệp như AEON cũng đã sử dụng túi nilon phân hủy sinh học hoàn toàn thay thế cho túi nilon truyền thống, hoặc dùng các sản phẩm túi đựng làm từ bã mía… Thậm chí, nhiều ngân hàng – đơn vị tưởng chừng như không liên quan nhiều đến vấn đề này cũng đã bắt đầu thay thế túi nilon đựng tiền bằng giấy, điều đó cũng giúp giảm thiểu nhiều rác thải nhựa. Riêng đối với người tiêu dùng, việc phân loại rác thải cũng đã được thực hiện tốt hơn ngày xưa..
Bà Hoàng Thị Minh Ngọc – Giám đốc Tăng trưởng và Chiến lược Chợ Tốt dẫn một khảo sát cho thấy, cứ 100 người được hỏi thì 83 người chia sẻ đã từng mua bán đồ đã qua sử dụng và nếu có cơ hội thì họ sẽ còn tiếp tục sử dụng. “Chúng tôi nhìn thấy một xu hướng của các bạn trẻ là tiêu dùng bền vững, sử dụng đồ tái chế. Các bạn chính là thế hệ để dẫn dắt lối sống tiêu dùng xanh trong gia đình mình cũng như trong cộng đồng” – bà Ngọc chia sẻ.
Đồng quan điểm, đại diện Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) – cho rằng: Từ năm 2015-2020, Bộ Công Thương đã tổ chức nhiều chương trình tiêu dùng bền vững, tăng trưởng xanh và sản xuất sạch hơn và đã cho kết quả vào năm 2020 để thấy rằng, với những chính sách cho doanh nghiệp từ sản xuất đến tiêu dùng, cũng như vận động tuyên truyền cho người tiêu dùng, hướng tới những sản phẩm xanh, sạch, bền vững thì đã có tín hiệu khả quan.
“Chẳng hạn trong những hệ thống phân phối của Việt Nam tại thị trường nội địa đã có nhiều gian hàng dành riêng cho những hàng hóa hướng tới tiêu dùng xanh, ví dụ như: Tiết kiệm năng lượng, những sản phẩm ít sử dụng đến tác nhân gây hại cho môi trường, như: Sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, sản phẩm nông nghiệp an toàn cho sức khỏe người lao động và môi trường. Đặc biệt, có những hoạt động tuyên truyền hạn chế sử dụng túi nilon và những sản phẩm ô nhiễm môi trường khác làm từ nhựa…” – vị đại diện Vụ Thị trường trong nước chia sẻ thêm.
Mặc dù đã có những tín hiệu tích cực từ nhận thức đến hành động của cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng, tuy nhiên, vẫn cần hành trình dài hơi để thực hiện vấn đề này một cách hiệu quả. Với vai trò kết nối giữa nhà sản xuất với người tiêu dùng, bà Nguyễn Bằng Lăng, Phụ trách bộ phận Phát triển bền vững, AEON Việt Nam khẳng định, người tiêu dùng đã có nhận thức tốt hơn về rác thải nhựa và bảo vệ môi trường. Tuy nhiên từ nhận thức đến hành động vẫn là một khoảng cách rất xa. Dưới góc nhìn của AEON, đây là thách thức không dễ giải quyết, làm sao người tiêu dùng thay đổi nhận thức, dẫn đến hành động thân thiện với môi trường và bền vững hơn.
“Để trả lời cái câu hỏi đó thì thì tôi nghĩ giống như chiến lược mà AEON đang hướng tới – ở tất cả các doanh nghiệp, không chỉ là bán lẻ hay doanh nghiệp dịch vụ. Chúng ta có thể làm được những gì để giúp người tiêu dùng đưa ra quyết định mua sắm hàng hóa, quyết định sử dụng dịch vụ thân thiện với môi trường hơn. Cuối cùng, hợp tác giữa công với tư hay giữa tư với tư, chẳng hạn giữa các doanh nghiệp với nhau cần phải nhiều hơn thì mới tìm ra những hướng hợp tác mới” – bà Bằng Lăng nhận định.
Được biết, Đề án Tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa ở Việt Nam được Chính phủ thông qua tại Quyết định 1316/QĐ-TTg đặt mục tiêu, đến năm 2025 sử dụng 100% túi nilon, bao bì thân thiện với môi trường tại các trung tâm thương mại, siêu thị phục vụ cho mục đích sinh hoạt thay thế cho túi nilon khó phân hủy; đảm bảo thu gom, tái sử dụng, tái chế, xử lý 85% lượng chất thải phát sinh. Đề án phấn đấu đến năm 2025 giảm thiểu 50% rác thải nhựa trên biển và đại dương; phấn đấu 100% khu du lịch, cơ sở lưu trú du lịch, khách sạn không sử dụng túi nilon khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần; giảm dần mức sản xuất và sử dung túi nilon khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần trong sinh hoạt.
Theo các chuyên gia kinh tế, đây là mục tiêu không dễ dàng khi thời gian từ nay đến năm 2025 không còn nhiều, trong khi đó, vấn nạn sử dụng túi nilon truyền thống dùng một lần trong mua sắm, sinh hoạt của người dân, đặc biệt là tại các chợ truyền thống vẫn còn rất phổ biến.
Để hạn chế được tình trạng này, đạt mục tiêu đến năm 2025 sử dụng 100% túi nilon, bao bì thân thiện với môi trường tại các trung tâm thương mại, siêu thị phục vụ cho mục đích sinh hoạt thay thế cho túi nilon khó phân hủy, bên cạnh sự nỗ lực của cơ quan chức năng, cần có sự chung tay của cộng đồng doanh nghiệp và sự hưởng ứng tích cực của người tiêu dùng, nhằm hướng đến mục tiêu tăng trưởng xanh, tăng trưởng bền vững của Việt Nam. Năm 2019, Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị tăng cường những giải pháp để hạn chế các sản phẩm nhựa trong ngành Công Thương, không chỉ trong khâu sản xuất vả cả khâu tiêu dùng. Đây cũng là một trong những văn bản có tính quyết định trong giai đoạn tới đây khi Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050.