bạn có BIẾT, Trung bình mỗi phút lại có 1 xe tải 15 tấn rác nhựa đổ ra đại DƯƠNG?
150 triệu tấn rác thải nhựa đang trôi nổi trên khắp các đại dương
8 triệu tấn rác nhựa trôi ra các đại dương hàng năm
mức tiêu thụ nhựa tại Việt NAM Hiện là 41KG/NGƯỜI/NĂM, đứng thứ 3 ở Đông Nam Á
13% tổng lượng rác thải sinh hoạt tại Việt Nam là rác nhựa
12-38% rác nhựa không được thu gom và bị thải bỏ trực tiếp ra môi trường
Ô nhiễm nhựa đại dương lần đầu tiên được đề cập đến cách đây 50 năm, khi mỗi năm chỉ có khoảng 50 triệu tấn nhựa được sản xuất. Sau đó gần hai thập kỷ, vấn đề ô nhiễm nhựa trở nên bùng phát từ các hoạt động thương mại. Năm 2014, trên thế giới có trên 300 triệu tấn nhựa được sản xuất1 . Rác thải nhựa được ghi nhận ở khắp mọi nơi và tại tất cả các khu sinh cảnh lớn trên thế giới với kích thước từ vài micromet đến mét. Ước tính hiện nay các đại dương trên thế giới đang chứa khoảng 150 triệu tấn rác thải nhựa, với tốc độ phát thải rác nhựa vào đại dương khoảng hơn 8 triệu tấn mỗi năm.
Việt Nam là một trong số các quốc gia hiện đang phát thải nhiều rác nhựa nhất vào các đại dương. Theo các số liệu thống kê của Ngân hàng Thế giới, ước tính Việt Nam đã thải ra trên 31 triệu tấn rác thải sinh hoạt và gần 5 triệu tấn rác thải nhựa chỉ riêng trong năm 2018. Nhựa chiếm đến 64% tỷ lệ vật liệu dùng trong ngành bao gói, và dự kiến sẽ tiếp tục tăng lên. Trong khi đó chỉ khoảng 14% lượng rác thải nhựa được thu gom chủ yếu bởi những người nhặt rác (ve chai, đồng nát), và tái chế bởi các doanh nghiệp nhỏ2. Còn lại đang được chuyển vào các bãi rác lộ thiên, thậm chí là thải trực tiếp ra môi trường. Nghiêm trọng hơn, chỉ có khoảng 20% rác được xử lý bằng phương pháp chôn lấp ở các bãi hợp vệ sinh2. Đa phần các bãi rác tại Việt Nam đều đã quá tải, các lò đốt có công nghệ đơn giản, cũ và lạc hậu, chưa kiểm soát được chất lượng không khí, thậm chí là bị hỏng do rác không được phân loại trước khi xử lý.
10 thành phố/quận (huyện) tham gia dự án đều nằm ở các khu vực ven biển, là nguồn thải tiềm năng liên quan đến phát thải rác ra biển, trong khi đó lại có lượng rác thải sinh hoạt lớn và nhiều hạn chế, khó khăn trong công tác quản lý.
Huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu2
Là một quần đảo ngoài khơi biển Đông Nam Bộ, Vườn Quốc gia Côn Đảo là một trong hai Vườn Quốc gia duy nhất tại Việt Nam bao gồm cả các phần trên cạn và dưới biển. Khu vực biển Côn Đảo có thảm cỏ biển rộng khoảng 600ha, các rặng san hô với diện tích 1.000 ha và là nơi sinh sống của đồi mồi, rùa xanh, cá heo và dugong, một loài cực kỳ quý hiểm của cả Việt Nam và thế giới. Ngoài ra, Côn Đảo còn có các bãi làm tổ quan trọng đối với rùa biển ở Việt Nam.
Do đặc thù nằm giữa biển, Côn Đảo chịu ảnh hưởng nghiêm trọng từ rác nhựa đại dương, nhất là ở các khu rừng ngập mặn, các bãi đá. Những năm qua, do lượng khách du lịch tăng nhanh chóng nên các bãi rác tại huyện cũng gặp phải tình trạng quá tải. Hiện rác ở Côn Đảo còn tồn đọng khoảng 70.000 tấn. UBND huyện đã từng đề xuất phương pháp ép rác, vận chuyển vào bờ để xử lý nhưng phương án này quá đắt đỏ nên không triển khai được. Hằng năm Vườn Quốc gia Côn Đảo tổ chức thu gom rác trong khu vực Vườn Quốc gia, chủ yếu là rác trôi dạt từ đại dương vào bờ, nhưng sau khi thu gom sẽ được xử lý bằng cách đốt.
Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm, tỉnh Quảng Nam4
Thuộc sự quản lý của Thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam, khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm đã thực hiện việc không sử dụng túi ni lông khó phân hủy được trên 10 năm. Rác của các hộ trên đảo được phân loai và rác khó phân hủy được chở về các bãi rác trong đất liền.
Tuy nhiên do lượng chất thải rắn sinh hoạt trên toàn tỉnh ngày càng tăng lên nhanh chóng, từ 65,7 tấn/ngày năm 2013 lên 102 tấn/ngày năm 2019, trong khi việc xử lý rác thì lại gặp rất nhiều hạn chế. Nhà máy sản xuất phân compost tại xã Cẩm Hà chỉ xử lý được một phần nhỏ lượng rác dễ phân hủy (16 tấn/ngày). Không chỉ vậy lại thường xuyên hư hỏng nghiêm trọng và đã ngưng vận hành từ 10/2018.
Thành phố Đà Nẵng5
Đà Nẵng có nhiều ngành kinh tế phát triển, đặc biệt là du lịch dịch vụ. Tính đến cuối năm 2019, khối lượng chất thải rắn sinh hoạt của Đà Nẵng là khoảng 1.100 tấn/ngày, được thu gom, vận chuyển đến phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu. Khu xử lý chất thải Khánh Sơn có tổng diện tích 32,4ha bao gồm bãi rác Khánh Sơn mới sử dụng công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh, có hệ thống xử lý nước rỉ rác, các hộc chôn lấp rác sinh hoạt có diện tích 13,83ha đã được phủ bạt. Bãi rác Khánh Sơn cũng đã được định hướng nâng cấp, cải tạo thành Khu liên hợp xử lý chất thải rắn để bảo đảm xử lý chất thải rắn của thành phố trong tương lai gần.
Về chính sách quản lý, UBND thành phố đã ban hành Quyết định số 1577/QĐ-UBND ngày 11/4/2019 về ban hành Kế hoạch thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đến năm 2025, cũng như đã thực hiện Dự án “Quản lý chất thải rắn nhằm thúc đẩy việc phân loại và tái chế thành phố Đà Nẵng” trong thời gian từ 2017-2019 tại 04 phường của 02 quận gồm: Thạch Thang, Thuận Phước (Hải Châu) và Thanh Khê Tây, Hòa Khê (Thanh Khê).
Thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình2
Tỉnh Quảng Bình có bờ biển dài 116km, với lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên toàn tỉnh vào khoảng 466 tấn/ngày, tỷ lệ thu gom và xử lý đạt khoảng 77,4%. Toàn tỉnh có 13 bãi chôn lấp, nhưng hiện tại chỉ có 08 bãi chôn lấp là đang hoạt động.
Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh đã đầu tư xây dựng 02 nhà máy xử lý rác thải (công xuất xử lý 245 tấn/ngày tại huyện Bố Trạch và 200 tấn/ngày tại huyện Quảng Trạch), và 01 lò đốt rác thải (công suất 330 kg/giờ tại xã Tiến Hóa đã đi vào hoạt động năm 2018).
Về chính sách quản lý, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch để thực hiện phong trào “Chống rác thải nhựa”, theo đó nêu cao trách nhiệm quản lý, và có những hành động thiết thực nhằm hạn chế sử dụng và tiến tới nói không với túi ni lông và sản phẩm nhựa sử dụng 1 lần. Từ tháng 8/2019, Quảng Bình đã phát động phong trào “Ngày toàn dân thu gom rác thải” vào ngày chủ nhật đầu tuần thứ hai của các tháng trong năm, cũng như đề nghị các địa phương thực hiện tuyên truyền thường xuyên, lồng ghép các hoạt động giảm nhựa, thay thế sản phẩm nhựa sử dụng 1 lần.
Thành phố Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh2
Hà Tĩnh là một tỉnh ven biển miền Trung có bờ biển dài 137km, sát với tỉnh Quảng Bình. Toàn tỉnh hiện phát sinh 650 tấn chất thải rắn sinh hoạt / ngày. Ước tính toàn tỉnh có 211 đơn vị thu gom, vận chuyển rác thải với tỷ lệ thu gom ở khu vực thành thị đạt 90%, khu vực nông thôn đạt 70%, với 10 bãi rác và bãi chôn lấp, 06 lò đốt và 02 nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt đang hoạt động với công suất thiết kế 700 tấn/ngày đêm nhưng hiện chỉ xử lý được koharng 220 tấn/ ngày đêm.
Thí điểm phân loại và xử lý rác tại nguồn tại 04 phường trung tâm thành phố hiện chỉ đạt 28% số hộ chấp hành sau tháng đầu phát động. Hà Tĩnh hiện đang tuyên truyền “Chống rác thải nhựa” tại các khu di tích, xí nghiệp, văn phòng, khu công nghiệp do Hội liên hiệp phụ nữa và các tổ chức đoàn thể liên quan phát động.
Tỉnh Long An2
Mặc dù không giáp biển, nhưng Long An có kênh lớn Vàm Cỏ Tây chảy qua và đổ ra Biển Đông. Khối lượng chất thải rắn sinh hoạt trên toàn tỉnh ước tính khoảng 839 tấn/ngày. Trung bình có khoảng 560 tấn rác thải đô thị của tỉnh được thu gom để tiếp tục xử lý và tiêu hủy (khoảng hơn 50% lượng rác thải được thu gom tại thành phố Tân An và 03 huyện có mật độ dân số cao nằm liền kề thành phố Hồ Chí Minh là Bến Lức, Cần Giuộc và Đức Hòa).
Cơ sở xử lý rác thải chính hiện nay là công ty Tâm Sinh Nghĩa, cách trung tâm thành phố khoảng 20km. Hiện cơ sở này đang xử lý rác thải thu gom từ các khu vực lân cận như thành phố Tân An, các huyện Thạnh Hóa, Bến Lức, Tân Trụ, Tân Thạnh, Châu Thành và một phần của huyện Đức Hòa. Rác thải phát sinh tại các huyện khác hoặc được đổ tại các bãi rác ở địa phương, hoặc được tiêu hủy bằng các lò đốt rác nhỏ. Tuy nhiên hầu hết các bãi rác này đã đầy và không thể sử dụng được lâu hơn nữa. Ngoài ra, một phần rác thải của huyện Đức Hòa, Cần Giuộc và Cần Đước được vận chuyển và xử lý tại các khu liên hiệp xử lý thuộc địa phận thành phố Hồ Chí Minh.
Thành phố Rạch Giá và Huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang7, 8
Là một tỉnh ven biển miền Tây Nam Bộ, hiện cả 03 đô thị ven biển tại Kiên Giang là thành phố Rạch Giá, thành phố Hà Tiên và huyện đảo Phú Quốc đều là các điểm đến du lịch hấp dẫn. Hiện nay lượng rác cả tỉnh phát sinh mỗi ngày ở đô thị là 450 tấn/ngày, ở nông thôn là 400 tấn/ngày. Lượng được thu gom ở đô thị là 402 tấn/ngày, ở nông thôn là 118 tấn/ngày.
Chất thải rắn sinh hoạt hiện chưa được phân loại tại nguồn. Trên địa bàn tỉnh có 02 nhà máy xử lý nhưng chỉ có Nhà máy Tâm Sinh Nghĩa tại xã Mỹ Lâm, huyện Hòn Đất là đang hoạt động với công suất 180-200 tấn/ngày. Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được đem đi xử lý tái chế, tái sử dụng, sản xuất phân bón hoặc thu hồi năng lượng chỉ chiếm khoảng 30%. 12 bãi rác của tỉnh đã và đang gây ô nhiễm môi trường.
Tại thành phố Rạch Giá, chất thải rắn sinh hoạt phát sinh 170 tấn/ngày. Tỷ lệ thu gom đạt 84–91%, trong đó khoảng 72-75% được xử lý bằng hình thức đốt, 12-15% làm phân bón, 10-15% được chôn lấp.
Phú Quốc là một Khu Bảo tồn biển quan trọng của Viẹt Nam. Từ tháng 7 năm 2019, chính quyền huyện đã phát động phong trào Ngày vì môi trường Phú Quốc toàn huyện ra quân dọn dẹp rác vào ngày thứ bảy đầu tiên hàng tháng. Huyện cũng đã ban hành Kế hoạch hành động giảm thiểu rác thải nhựa giai đoạn 2019-2025.
Thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Tuy Hòa là một thành phố ven biển nhỏ thuộc tỉnh Phú Yên, với tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh khoảng 130 tấn/ngày (toàn tỉnh khoảng 510 tấn/ngày). Tỷ lệ thu gom trên toàn tỉnh là 390 tấn/ngày. Số còn lại hoặc người dân tự xử lý, hoặc chưa được thu gom. Trong số 76% rác thải được thu gom, chủ yếu được xử lý bằng hình thức chôn lấp tại các bãi rác hợp vệ sinh (bãi rác Thọ Vức). Tuy nhiên về lâu dài, với tốc độ tăng trưởng kinh tế và đô thị hóa như hiện nay thì bãi rác sẽ không còn đáp ứng trong tương lai không xa. Lượng chất thải rắn thu gom tăng trung bình 10-16% mỗi năm (theo Lê Hoàng Anh và cộng sự, 2018). Chỉ tính riêng tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn thành phố Tuy Hòa đã lên tới khoảng 132 tấn/ngày, tại thị xã Sông cầu là khoảng 84 tấn/ngày, và các huyện còn lại khoảng 308 tấn/ngày. Trong khi đó, theo một khảo sát của WWF ở thành phố Tuy Hoà năm 2019, RTN chiếm 18,31% khối lượng chất thải rắn sinh hoạt và có xu hướng ngày càng tăng. Nhiều nhất là túi nhựa và ly nhựa, ống hút nhựa chiếm đến 60% lượng RTN. Hầu hết trong đó là nhựa có chất lượng kém, rất khó phân hủy và không thể tái chế (chiếm khoảng 80%).
Về chính sách quản lý, UBND tỉnh Phú Yên đã ban hành kế hoạch số 21/KH-UBND ngày 21/01/2019 về việc triển khai phát động phong trào “Chống rác thải nhựa” trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, tỉnh Phú Yên chính thức cam kết tham gia chương trình Đô thị giảm nhựa do WWF khởi xướng nhằm giảm thiểu và tiến tới loại bỏ ô nhiễm rác thải nhựa, với mục tiêu giảm 30% rác thải nhựa thất thoát ra môi trường vào năm 2025.
Nguồn
1: Jambeck và các cộng sự, “Plastic waste inputs from land into the ocean”, 2015.
2: Số liệu báo cáo của Bộ Tài nguyên & Môi trường, 2019.
3: Báo cáo Hoạt động thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, 2019.
4: Báo cáo Tình hình quản lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, 2019.
5: Báo cáo Chuyên đề Hiện trạng phát sinh, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, 2019.
6: Theo báo Tài nguyên Môi trường, 2019.
7: Báo cáo Công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Kiên Giang, Sở Tài nguyên & Môi trường tỉnh Kiên Giang, 2019.
8: Báo cáo Môi trường tỉnh Kiên Giang, 2018.
Hãy chung tay bảo vệ môi trường biển