TIẾN TRÌNH XÂY DỰNG TRƯỜNG HỌC GIẢM NHỰA

Việc xả ra nhiều rác nhựa quá mức là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tiêu cực lên đời sống vô số loài sinh vật, trong đó có con người. Việt Nam là một trong năm quốc gia xả nhiều nhựa ra biển nhất, áng chừng 0.28 – 0.73 triệu tấn/năm. Chúng ta không thể phủ nhận vai trò quan trọng, hữu ích của nhựa trong cuộc sống. Tuy nhiên, chúng ta hoàn toàn có thể cắt giảm đáng kể lượng nhựa sử dụng hàng ngày, nhằm góp phần tạo ra một cuộc sống không rác nhựa, một ngôi trường không rác nhựa.

Giáo dục học sinh để các em hiểu về nhựa, tác động của nhựa, cũng như định hướng thay đổi hành vi của các em là điều kiện tiên quyết, nhằm tạo ra một tương lai xanh, sạch, đẹp, không rác nhựa. Hơn nữa, các em cũng là người lan tỏa thông điệp hạn chế rác nhựa đến cha mẹ, họ hàng, người lớn trong cộng đồng.

 

5 BƯỚC ƯƠM MẦM CHO “THẾ HỆ XANH”

 

Những nỗ lực bảo vệ đại dương và thiên nhiên hiện nay của nhiều quốc gia và tổ chức sẽ không thể duy trì bền vững nếu không được tiếp nối bởi thế hệ mai sau. Giáo dục về giảm nhựa trong nhà trường, bởi vậy, trở thành trọng tâm trong “Hành trình Không rác nhựa” của Dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam”, bao gồm các hoạt động giáo dục gắn kết với thực tiễn nhằm hướng tới một Trường học Không rác nhựa.

 

Một lộ trình thành công luôn được bắt đầu trên nền móng của một mô hình hiệu quả. Dưới đây là 5 bước đơn giản để mỗi Nhà trường có thể xây dựng mô hình Trường học Không rác nhựa:

  1. Giới thiệu về mô hình với các nhà trường
  2. Thảo luận nhóm với đại diện nhà trường, học sinh, giáo viên
  3. Thực hiện Khảo sát kiến thức – thái độ – thực hành
  4. Thực hiện kiểm toán rác tại trường/một phần
  5. Xây dựng kế hoạch hành động cũng như thành lập các tổ công tác, câu lạc bộ để triển khai kế hoạch này

 

Để mô hình Trường học Không rác nhựa được phát triển và duy trì hiệu quả, thay vì chỉ tham khảo các hoạt động hấp dẫn ở nơi khác và đưa về trường học, các trường cần nhìn nhận lại hiện trạng rác nhựa ở trường mình, trình độ kiến thức, nhận thức, kỹ năng, thái độ của học sinh/giáo viên/cán bộ nhân viên, cơ sở vật chất của trường, để từ đó đưa ra một chương trình thiết thực, hiệu quả, phù hợp nhất.

CLB KHÔNG RÁC NHỰA – GIẢI PHÁP “NÓNG” CHO GIÁO DỤC GIẢM NHỰA

Mặc dù hiểu rõ tầm quan trọng của việc giáo dục về ô nhiễm rác nhựa trong nhà trường, các cấp quản lý giáo dục vẫn cần thêm nhiều thời gian để có thể lồng ghép được nội dung này vào chương trình chính khoá. Để tối ưu thời gian chờ đợi, ngay từ bây giờ, các trường học có thể tiến hành xây dựng CLB Không rác nhựa – một hình thức hoạt động ngoại khóa mang tính giải trí, dễ thực hiện trong trường học.

Các hoạt động của CLB không những tạo cơ hội cho học sinh tăng cường hiểu biết về nhựa, ô nhiễm rác nhựa, hiện trạng lạm dụng đồ nhựa… mà còn giúp các em được trải nghiệm thực tế và hình thành thái độ đúng đắn đối với rác nhựa; đồng thời suy nghĩ và hành động nhằm bảo vệ môi trường, hướng tới Trường học Không rác nhựa.

Ưu điểm của mô hình CLB Không rác nhựa:

  • Tạo môi trường học tập năng động, thoải mái và vui vẻ.
  • Không làm tăng nhiều lượng công việc của cả giáo viên và học sinh.
  • Trau dồi kinh nghiệm lồng ghép hoạt động giáo dục ô nhiễm rác nhựa vào chương trình chính khoá.

Các bước đơn giản để xây dựng kế hoạch hoạt động cho CLB Không rác nhựa:

  • Đề ra các mục tiêu cho từng giai đoạn: nâng cao kiến thức, tìm kiếm các giải pháp, lan tỏa và hỗ trợ thay đổi hành vi, v.v.
  • Lựa chọn các hoạt động phù hợp cho từng giai đoạn, kết hợp với kế hoạch của trường
  • Dự kiến thời gian thực hiện
  • Phân công nhiệm vụ cho các thành viên trong CLB, v.v.

 

Hiệu quả của các hoạt động của CLB được thể hiện rõ ràng khi những người xung quanh hiểu biết hơn về nhựa và rác thải rác nhựa, hoặc học sinh thực hiện một hoạt động quen thuộc không xả rác nhựa… Hiệu quả này cũng được thể hiện qua sự thay đổi ý thức, sự tham gia và trách nhiệm của cộng đồng đối với công tác bảo vệ môi trường. Song, việc đánh giá hiệu quả của một chương trình giáo dục về mặt kiến thức, hiểu biết, thái độ và hành động bảo tồn là không dễ dàng và cần có một hệ thống giám sát đồng bộ. Hệ thống giám sát này có thể được thiết lập với sự hỗ trợ kỹ thuật của WWF và các tổ chức bảo tồn khác trong khu vực.

Bài viết liên quan