Tiêu dùng sản phẩm thân thiện môi trường: Khuynh hướng của cuộc sống hiện đại

26/04/2024

Các chuyên gia trên thế giới và trong nước khẳng định, tiêu dùng “thân thiện với môi trường’ sẽ trở thành một trong những khuynh hướng chính của cuộc sống hiện đại.

Chiến lược phát triển bền vững giai đoạn 2011-2020 đã nêu rõ, để thực hiện sản xuất và tiêu dùng bền vững, cần phải đẩy mạnh áp dụng sản xuất sạch hơn để nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên, nguyên vật liệu, năng lượng, nước.

Ngay cả người tiêu dùng cũng cần thay đổi thói quen của mình và hướng đến một phong cách tích cực là tiêu dùng xanh. Bởi họ ý thức rằng sản phẩm không chỉ có chất lượng tốt mà còn phải an toàn cho sức khỏe và không ảnh hưởng đến môi trường sống.

Những nguyên tắc “mua sắm xanh”

Mạng lưới mua sắm xanh quốc tế (IGPN) đã xác định 4 nguyên tắc cơ bản của “mua sắm xanh”, bao gồm: Sự cần thiết mua sản phẩm mới. Bước đầu tiên khi mua sắm là cân nhắc kỹ xem sản phẩm hay dịch vụ có cần thiết hay không. Việc sửa chữa hoặc thay đổi các sản phẩm đang sử dụng cần được cân nhắc kỹ lưỡng.

Tiêu dùng sản phẩm thân thiện môi trường: Khuynh hướng của cuộc sống hiện đại - 1

Tiêu dùng “thân thiện với môi trường’ sẽ trở thành một trong những khuynh hướng chính của cuộc sống hiện đại.

Bên cạnh đó, giải pháp thuê hay cho thuê cũng nên xem xét, trường hợp phải mua các sản phẩm mới chỉ mua vừa đủ với nhu cầu sử dụng.

Nguyên tắc tiếp theo là xem xét vòng đời của sản phẩm. Khi quyết định mua sản phẩm, người tiêu dùng cần xem xét các tác động khác nhau tới môi trường trong suốt vòng đời của sản phẩm. Từ giai đoạn thu mua nguyên liệu thô cho tới khi thải bỏ sản phẩm. Cụ thể là giảm thiểu các chất độc hại; sử dụng hiệu quả tài nguyên, năng lượng; sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên; tăng độ bền; thiết kế để tái sử dụng; thiết kế để tái chế; sản phẩm có chứa vật liệu tái chế; tính thải bỏ.

Nguyên tắc thứ ba là xem xét nỗ lực của nhà cung ứng trong bảo vệ môi trường. Ngoài việc đánh giá sản phẩm, người tiêu dùng cần đánh giá những hoạt động bảo vệ môi trường của nhà cung ứng như: Doanh nghiệp có áp dụng chính sách bảo vệ môi trường không? Có triển khai các biện pháp quản lý môi trường phù hợp hay không? Hoặc có tích cực tham gia công tác bảo vệ môi trường không?

Nguyên tắc cuối cùng là thu thập thông tin về môi trường. Trước khi quyết định mua một sản phẩm, người tiêu dùng nên quan tâm một số thông tin về môi trường, như nhãn môi trường, thông tin doanh nghiệp trên sản phẩm hoặc trang mạng.

Ngoài ra, người tiêu dùng cũng có thể yêu cầu nhà phân phối cung cấp các thông tin chi tiết hơn về môi trường của sản phẩm đó.

Xu hướng tất yếu của sản xuất và tiêu dùng xanh

Đầu tiên là vào năm 1992, tại Braxin, Hội nghị Liên hợp quốc về phát triển bền vững lần thứ nhất được biết đến với cái tên Hội nghị Thượng đỉnh Trái đất (Rio-92 hay Eco-92) đã nêu ra một trong những nguyên tắc quan trọng nhất là: Để đạt được sự phát triển bền vững và chất lượng cuộc sống cao hơn cho mọi người, các quốc gia nên giảm dần và loại trừ những phương thức sản xuất và tiêu dùng không bền vững. 

Tiêu dùng sản phẩm thân thiện môi trường: Khuynh hướng của cuộc sống hiện đại - 2

Xu hướng tiêu dùng xanh đã và đang nhận được sự đồng thuận rất lớn trong cộng đồng, từ các doanh nghiệp, các đơn vị sản xuất.

Sau đó 10 năm, Hội nghị Thượng đỉnh thế giới về Phát triển bền vững được tổ chức ở Johannesburg, Cộng hòa Nam Phi vào năm 2002, đã khuyến khích và thúc đẩy sự phát triển của khuôn khổ chương trình 10 năm, hỗ trợ các sáng kiến khu vực và quốc gia, nhằm đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu theo hướng tiêu dùng xanh và sản xuất bền vững, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, thông qua cải thiện hiệu quả và bền vững trong sử dụng các nguồn lực, quy định sản xuất, giảm thiểu suy thoái tài nguyên môi trường, ô nhiễm và lãng phí. 

Tiếp đến, cũng ở Brazil, tại Hội nghị thượng định lần thứ 3 của Liên hợp quốc về Phát triển bền vững (Rio 20+) được tổ chức vào tháng 6/2012, nhiều Chính phủ và tổ chức trên thế giới tự nguyện ký kết thực hiện sáng kiến mua sắm xanh trong khu vực công do Chương trình Môi trường của Liên hợp quốc (UNEP) nêu ra. 

Cho đến nay, vấn đề tiêu dùng xanh cũng được Ủy ban Kinh tế xã hội châu Á – Thái Bình Dương Liên hợp quốc (UN-ESCAP) đưa vào các chương trình nghị sự và nhiều quốc gia triển khai thực hiện, trở thành một xu thế tất yếu trên thế giới, để hướng tới mục tiêu phát triển bền vững bởi những lợi ích mà nó mang lại: Thúc đẩy phát triển các sản phẩm, dịch vụ mới thân thiện với môi trường hơn; giúp nâng cao độ an toàn và sức khỏe cho người dân và cộng đồng; giảm thiểu sử dụng năng lượng và tài nguyên thiên nhiên…

Có thể nói, xu hướng tiêu dùng xanh đã và đang nhận được sự đồng thuận rất lớn trong cộng đồng, từ các doanh nghiệp, các đơn vị sản xuất, cung ứng sản phầm cho đến người tiêu dùng. Không những vậy, người tiêu dùng còn có động thái thực hiện việc quay lưng, tẩy chay sử dụng sản phẩm của các doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường khi doanh nghiệp bị người dân tố cáo hoặc bị các cơ quan chức năng công bố. 

Theo kết quả nghiên cứu của Công ty Nielsen Việt Nam cho thấy, các thương hiệu có cam kết “xanh” và “sạch” có mức tăng trưởng khá cao, khoảng 4%/năm. Chẳng hạn, đối với ngành hàng thực phẩm và nước giải khát, mức tăng trưởng nhanh hơn so với toàn thị trường từ 2,5-11,4%. Đồng thời, doanh số bán hàng của các thương hiệu cam kết ưu tiên tính bền vững tăng gấp 4 lần so với những đối thủ không có cam kết này. 

Con số thống kê thực tế từ Chiến dịch Tiêu dùng sản phẩm xanh cũng cho thấy, sức tiêu thụ sản phẩm của các doanh nghiệp tham gia Chiến dịch tại các hệ thống siêu thị Co.opMart trong tháng triển khai chường trình thường tăng 50%-60% so với tháng khác trong năm, tạo nên một hiệu ứng lan tỏa trong cộng đồng người tiêu dùng. Đây là động lực để các doanh nghiệp cho ra đời những sản phẩm đảm bảo yếu tố “xanh” và “sạch”, xây dựng thương hiệu xanh, tạo sức cạnh tranh riêng trên thị trường. 

Mặt khác, kết quả khảo sát của công ty Nielsen cũng cho biết, có tới khoảng 80% người tiêu dùng Việt Nam sẵn sàng chi trả nhiều hơn để mua các sản phẩm có nguyên liệu đảm bảo thân thiện với môi trường, có thương hiệu “xanh” và “sạch”. Điều này có nghĩa, khi thu nhập của người dân tăng thì nhu cầu sản phẩm sản xuất từ những nguyên liệu thân thiện với môi trường cũng có xu hướng tăng lên.

Dù một xu hướng tiêu dùng mới, tích cực đã được hình thành, song tiêu dùng xanh được đánh giá mới chỉ là những hoạt động đơn lẻ, chưa kết nối với nhau, phạm vi tác động hẹp, vì vậy tính bền vững chưa cao do Việt Nam chưa có công cụ đủ mạnh để điều chỉnh hành vi sản xuất và tiêu dùng. Bên cạnh đó, quá trình chuyển đổi từ nhận thức đến hành động của người tiêu dùng bị chi phối bởi nhiều yếu tố như: Phong tục, tập quán, văn hóa, trình độ học vấn, tình trạng cư trú và khả năng kinh tế… 

AN HẠ

Bài viết liên quan