Dự án Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam do Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam (WWF-Việt Nam) và Cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường) phối hợp cùng với các đối tác địa phương, triển khai tại tỉnh Phú Yên đã tiến hành thí điểm phân loại, xử lý làm phân bón hữu cơ từ nguồn nguyên liệu rác hữu cơ tại Chợ Phường 7, thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên.
Mỗi ngày chợ Phường 7 phát sinh hơn 300kg rác hữu cơ chủ yếu từ các quầy hàng rau củ quả tại chợ. Lượng rác thải này là một nguồn nguyên liệu thứ cấp để sản xuất phân bón hữu cơ nếu như được phân loại và xử lý đúng cách.
Nâng cao năng lực, nhận thức về phân loại rác tại nguồn
Đầu năm 2022, ngay sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát, các quy định về giãn cách xã hội được gỡ bỏ, Dự án đã tổ chức thành công chuyến thăm quan học tập mô hình phân loại – thu gom và xử lý rác sau phân loại thực hiện bởi Công ty Môi trường Đô thị Hải Phòng. Phú Yên là một trong các đoàn cử đại diện tham gia, bao gồm Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, Phó Chủ tịch thành phố Tuy Hoà, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường, Phó Giám đốc Công ty môi trường đô thị Phú Yên, đại diện Hội Liên hiệp Phụ Nữ tỉnh Phú Yên và các vị trí chuyên viên các phòng ban liên quan khác. Tại chuyến thăm quan, đoàn được tham gia các hoạt động tuyên truyền, vận động người dân tham gia mô hình; tham gia hoạt động thu gom rác phân loại lại khu dân cư, nhà hàng và chợ đầu mối; và thăm quan Khu liên hợp xử lý rác thải Tràng Cát với quy trình thu gom – phân loại – sơ chế – ủ rác và sử dụng thành phẩm phân bón hữu cơ.
Sau khi tham gia chuyến thăm quan tại Hải Phòng cùng quá trình kết nối, Dự án đã tích cực làm việc với các bên liên quan bao gồm Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Phú Yên, UBND thành phố Tuy Hoà, Hội Liên hiệp Phụ Nữ tỉnh Phú Yên, Công ty môi trường đô thị Phú Yên và Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Xanh (Greenhub) để xây dựng và ban hành kế hoạch phối hợp nhằm thí điểm việc phân loại rác tại chợ Phường 7, tiến tới việc thu gom riêng và xử lý rác hữu cơ bằng phương pháp ủ có sục khí tại bãi rác Thọ Vức.
Ở giai đoạn 1 của mô hình, Dự án đã phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ Nữ tỉnh Phú Yên tổ chức các lớp tập huấn cho 500 tiểu thương và hộ gia đình về vấn đề ô nhiễm rác thải, hướng dẫn phân loại rác; trang bị các thùng rác để phục vụ công tác phân loại; vẽ tranh tuyên truyền ở chợ và thực hiện các hoạt động bổ trợ khác như cho mượn túi đi chợ, giám sát – đánh giá… Tuy nhiên, mô hình với sự tham gia của nhiều bên liên quan có sự cồng kềnh nhất định, tốc độ chuyển dịch và vào cuộc của các bên liên quan chưa thực sự như mong đợi. Do đó, ở giai đoạn 1, Công ty môi trường đô thị Phú Yên vẫn chưa thực hiện thu gom riêng rác hữu cơ, dẫn đến việc thói quen phân loại rác của tiểu thương vẫn chưa được hình thành.
Thí điểm mô hình phân loại, xử lý rác
Ở giai đoạn 2, GreenHub và Dự án đã hỗ trợ xây dựng 5 bể ủ compost có thể tích 10m3/bể để xử lý tác hữu cơ tại chợ Phường 7.
Từ giữa tháng 2/2023 mô hình đã bắt đầu được triển khai thực hiện với sự tham gia phân loại rác của các tiểu thương chợ Phường 7 và 150 hộ gia đình thuộc khu phố Trường Chinh, phường 7. Công ty môi trường đô thị Phú Yên thực hiện thu gom riêng rác hữu cơ hằng ngày và xử lý tại các bể ủ. Khối lượng rác hữu cơ được thu gom và xử lý khoảng 250 kg/ngày.
Trong tháng 5-6/2023, Dự án đã phối hợp với các bên lấy mẫu và đánh giá chất lượng phân (so sánh với Tiêu chuẩn ngành 10TCN 526:2002: Phân hữu cơ vi sinh vật từ rác thải sinh hoạt) cho thấy các chỉ tiêu phân tích tốt, thấp hơn nhiều lần giới hạn cho phép của tiêu chuẩn. Điều này khích lệ các bên liên quan tiếp tục có những hành động tiếp tục duy trì mô hình.
Sau 6 tháng Công ty môi trường đô thị Phú Yên đối ứng thiết bị và nhân công thu gom rác hữu cơ (tháng 2-9/2023); Dự án tiếp tục hỗ trợ công tác thu gom riêng rác thải hữu cơ chợ Phường 7 và khu dân cư Trường chinh về Bãi rác Thọ Vức để ủ phân (tháng 10-12/2023). Trong thời gian tới các bên liên quan sẽ tổng hợp các thông tin, đánh giá về mô hình làm cơ sở cho việc xây dựng Đề án quản lý chất thải rắn cho địa phương.