ZERO WASTE – XU HƯỚNG CỦA THỜI ĐẠI 

24/05/2022

Trước thực trạng lượng rác nhựa khổng lồ xả thải không qua xử lí, Zero Waste – xu hướng không xả rác đang được nhiều Gen Z nhiều nước hưởng ứng mạnh mẽ. Bằng những hành động đơn giản như từ chối, tiết giảm, tái chế,… Zero Waste hứa hẹn một tương lai xanh và bền vững hơn cho Trái Đất.

 

Thế giới mỗi năm xả thải đến 400 triệu tấn rác nhựa, theo UNEP – Chương trình Môi trường Liên hợp quốc. Tuy nhiên chỉ rất ít trong con số này được tái chế. Đến 85% lượng rác bị xả thải trực tiếp ra môi trường hoặc vứt bừa bãi không kiểm soát, đặc biệt là trực tiếp ra biển. Với đà phát triển liên tục của nền kinh tế toàn cầu cũng như áp lực từ gia tăng dân số, lượng rác thải sẽ ngày một tăng, đặt ra nhiều vấn đề môi trường cấp bách như ô nhiễm nhựa ở đại dương, ô nhiễm đất, nước,…từ đó ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ của con người

Trước thực tại này, trên thế giới đã xuất hiện phong trào sống xanh nói không với rác thải: Zero Waste. Nhờ những tác động tích cực đến môi trường, xu hướng sống này đang được nhiều người dân, đặc biệt là Gen Z các nước hưởng ứng mạnh mẽ.

Ta có thể hiểu đơn giản Zero Waste (không rác thải) hướng tới không xả rác ra môi trường thông qua tái chế, tái sử dụng, tiết giảm,… 

Dưới góc độ vĩ mô, Zero Waste hướng tới tái định nghĩa nền kinh tế. Chúng ta đang sống ở nền kinh tế tuyến tính – khai thác và tận dụng các tài nguyên từ trái đất và xả rác thải ngược lại ra môi trường. Mục đích của Zero Waste là tiến tới nền kinh tế tuần hoàn – nói không với rác. Nền kinh tế tuần hoàn lấy ý tưởng từ tự nhiên khi mọi tài nguyên đều tuần hoàn, không có sự tồn tại của “rác”.

Ảnh: Mục tiêu cốt lõi của Zero Waste là sản phẩm sau khi sử dụng được thu gom, tái chế và không thất thoát rác thải ra môi trường

Cụ thể hơn, Bea Johnson, người đi đầu của lối sống này đã đề xuất quy tắc ‘5R’ của Zero Waste trong cuốn sách được coi là “kinh thánh” của xu hướng này, Zero Waste Home: 

Refuse – từ chối, nói không với các sản phẩm dùng một lần hoặc không cần thiết: nhựa dùng một lần (túi ni lông, chai nhựa, ống hút nhựa…); tờ rơi, hộp đựng đồ ăn,…

Reduce – tiết giảm: cắt giảm các vật phẩm không thực sự cần thiết: đồ ăn, quần áo,… Xem xét lại nhu cầu thật sự và nhân rộng mô hình mua bán chia sẻ đồ cũ.

Reuse – tái sử dụng những gì ta dùng hằng ngày mà không thể từ chối và tiết giảm.

Recycle – tái chế: sau khi cố gắng hạn chế các sản phẩm từ nhựa qua các bước trên, tất nhiên sẽ có những sản phẩm chúng ta buộc phải sử dụng. Giải pháp tiếp theo sẽ là việc tái chế để kéo dài tối đa vòng đời và thời gian sử dụng của vật dụng. 

Rot – ủ phân những gì còn lại: biến rác rác thải hữu cơ thành phân bón cho cây hoặc chôn dưới đất.

Trên lý thuyết là thế, thực tế Zero Waste đang được áp dụng như thế nào?

Phần lớn nguồn rác thải nhựa đến từ rác thải sinh hoạt như chai lọ hay bao bì. Là thương hiệu đứng đầu thế giới về mặt hàng tiêu dùng nhanh, Unilever đã đi đầu trong phong trào này với hơn 200 nhà máy trên toàn cầu đang vận hành với tiêu chí Zero Waste, giảm số rác thải khoảng 140.000 tấn/năm vào 2008 xuống còn bằng 0 vào năm 2014.

Theo UNEP, các sự kiện thể thao lớn có thể thải đến 750.000 chai nhựa cùng nhiều vật phẩm nhựa dùng một lần khác. Nhận thức được điều đó, nhiều sự kiện thể thao lớn trên thế giới đã áp dụng Zero Waste trong quá trình tổ chức. Thế vận hội Tokyo 2020 là có thể được coi ví dụ điển hình với nhiều hoạt động như tái chế 1.5 triệu mảnh rác nhựa thành bục trao giải, vạc lửa và đuốc không phát thải khí CO2, giường của các vận động viên được làm từ bìa các tông,…

Tương tự, SEA Games 31 được tổ chức tại Việt Nam cũng đã và đang áp dụng nhiều biện pháp trong nỗ lực giảm nhựa chung, giúp xây dựng một kỳ đại hội xanh – sạch – đẹp. Dự án Giảm thiểu Rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với Ban tổ chức triển khai xây dựng hướng dẫn hành trình về giảm nhựa (tự nguyện) trong sinh hoạt và quá trình tham gia sự kiện thể thao; trang bị thùng rác phân loại; băng rôn, khẩu hiệu sử dụng chất liệu vải canvas.Với thông điệp xuyên suốt đại hội: “Eco sport” – con người sống và tham gia hoạt động thể thao hài hòa với thiên nhiên cùng các hoạt động kể trên hứa hẹn sẽ lan tỏa tinh thần bảo vệ môi trường tới toàn bộ cổ động viên và các vận động viên thi đấu tại SEA Games 31.

Không dừng lại ở đó, mỗi cá nhân hoàn toàn có thể áp dụng từng bước trong “bộ quy tắc 5R” để có thể tiến dần đến Zero Waste như sử dụng bình nước tái sử dụng, hưởng ứng việc mua bán, trao đổi đồ cũ,… Bằng các hành động nhỏ như vậy, chúng ta đã, đang và sẽ giúp đặt nền móng cho một tương lai bền vững hơn, không chỉ cho chính mình mà còn cho các thế hệ tương lai.

Bài viết liên quan