ĐÀ NẴNG CHUYỂN MÌNH MẠNH MẼ TRÊN TIẾN TRÌNH “THÀNH PHỐ BIỂN KHÔNG RÁC NHỰA”

Sở hữu đường bờ biển được tạp chí lừng danh Forbes bình chọn là “một trong 6 bãi biển đẹp nhất hành tinh”, nhân dân và chính quyền thành phố Đà Nẵng luôn coi bảo vệ môi trường là một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu. Trong những năm qua, lãnh đạo thành phố Đà Nẵng liên tục công bố những chiến dịch, dự án môi trường quy mô lớn, thu hút đông đảo người dân tham gia.

Trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND TP. Đà Nẵng ban hành văn bản số 5054/UBND-STNMT về tổ chức các hoạt động hưởng ứng Chiến dịch “Làm cho thế giới sạch hơn” năm 2022 trên địa bàn thành phố. Tinh thần chỉ đạo này nhận được sự đồng thuận, hưởng ứng mạnh mẽ từ người dân Đà Nẵng thuộc mọi ngành nghề, lứa tuổi.

KHỞI ĐỘNG MÔ HÌNH CHỢ GIẢM THIỂU RÁC THẢI NHỰA

Chợ Hàn là một trong những chợ lớn nhất tại thành phố Đà Nẵng. Tương ứng với lượng hàng hóa tiêu thụ là khối lượng rác, nhất là rác nhựa khó phân hủy như túi ni lông và đồ nhựa dùng một lần. Nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi và trách nhiệm của tiểu thương, người dân, với sự tài trợ từ WWF-Việt Nam, chợ Hàn được lựa chọn để thí điểm trở thành “Chợ giảm thiểu rác thải nhựa”. Chiến lược giảm thiểu sử dụng rác thải nhựa trong kinh doanh thương mại được kỳ vọng sẽ góp phần xây dựng thành phố Đà Nẵng đẹp hơn trong mắt du khách, đưa thành phố trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn hơn.

Theo ông Tạ Anh Tuấn – Quản lý truyền thông chương trình giảm nhựa, WWF-Việt Nam, mô hình chợ Hàn giảm thiểu rác thải nhựa là một trong những nỗ lực của thành phố Đà Nẵng khi tham gia chương trình Đô thị giảm nhựa, cùng hành động chống lại ô nhiễm rác thải nhựa. “Mô hình Chợ giảm thiểu rác thải nhựa hi vọng sẽ góp phần thay đổi thói quen tiêu dùng của tiểu thương và người đi chợ, hướng tới giảm phát thải rác nhựa; góp phần xây dựng chợ Hàn nói riêng, thành phố Đà Nẵng nói chung là điểm đến thân thiện với môi trường”, ông Tuấn nói.

CẢNG CÁ THỌ QUANG HỒI SINH TỪ VÙNG NƯỚC CHẾT

Sở hữu tiềm năng trở thành trung tâm nghề cá lớn nhất miền Trung, thế nhưng cảng cá Thọ Quang lại được người dân địa phương đặt cho biệt danh “vùng nước chết”. Bởi lẽ, khu vực xung quanh âu thuyền và cảng cá Thọ Quang từ lâu đã gắn chặt với hình ảnh nhếch nhác và mùi hôi khó chịu từ rác sinh hoạt dồn ứ lâu ngày cộng với các loại dầu thải từ tàu cá. Đến tận năm 2020, suốt chiều dài hàng trăm mét từ đường Vũng Thùng 9 đến gần cuối đường Chu Huy Mân, mặt nước âu thuyền vẫn chỉ toàn rác thải.

Ngày nay, đến thăm Thọ Quang, người dân lẫn du khách đều không khỏi bất ngờ khi thấy người già ngồi hóng mát, trẻ em thỏa thích chơi thả diều quanh khu vực cảng. “Chuyện lạ” này là một trong những thành quả được góp phần từ nỗ lực bảo vệ thiên nhiên Đà Nẵng nói riêng và môi trường biển Việt Nam nói chung của Dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam”.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Đà Nẵng, trong năm 2021, Ban quản lý âu thuyền và cảng cá Thọ Quang đã triển khai cho 1.075 chủ tàu cá ký cam kết nộp rác thải khi vào cảng cá Thọ Quang. Tổng khối lượng rác đã thu gom được từ 5.836 tàu thuyền cập cảng, xuất bến là 13,43 m3 rác, chủ yếu là vỏ chai nhựa, túi nilon, vỏ hộp xốp đựng thực phẩm… Từ hiệu quả giảm thiểu rác thải nhựa mà mô hình này mang lại, Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Đà Nẵng tiếp tục đề nghị các đơn vị duy trì công tác đổi rác lấy phiếu xuất bến và ứng dụng công nghệ thông tin như: quét mã QR, nhận diện khuôn mặt… để công tác này không chỉ là phong trào mà sẽ góp phần thay đổi ý thức của ngư dân.

QUẬN THANH KHÊ “TĂNG MÀU SỐNG XANH”

Là địa phương có nhiều lao động sinh sống bằng nghề đi biển, mới đây UBND phường Thanh Khê Đông (quận Thanh Khê, TP. Đà Nẵng) phối hợp Hội Nông dân phường tổ chức ra mắt Tổ ngư dân khai thác thủy sản ven bờ thu gom, giảm thiểu chất thải nhựa trên biển với 25 thành viên nòng cốt. Tại buổi lễ, đại diện tổ đã tự nguyện ký cam kết sẽ không xả rác thải nhựa, ngư lưới cụ cũ hỏng sống sông, xuống biển. Đồng thời tình nguyện thu gom tất cả thải liên quan đến chất nhựa, chất khó phân hủy về bờ nhằm “giảm rác thải nhựa, tăng màu sống xanh” cho môi trường biển.

Phường Thanh Khê Đông ra mắt Tổ ngư dân khai thác thủy sản ven bờ thu gom, giảm thiểu chất thải nhựa trên biển. Ảnh: Báo Tài nguyên và Môi trường

Cùng với việc thành lập Tổ ngư dân giảm thiểu chất thải nhựa trên biển, Phòng Tài nguyên và Môi trường quận Thanh Khê phối hợp Phòng Kinh tế quận và Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF-Việt Nam) tập huấn nâng cao nhận thức về rác thải nhựa đại dương, hướng dẫn phân loại rác cho hàng trăm ngư dân các phường trên địa bàn quận. Qua đó, kêu gọi sự chung tay bảo vệ môi trường biển, sinh thái biển, đa dạng sinh học biển bằng các hành động thiết thực. Việc ngư dân chung tay giảm thiểu rác thải nhựa sẽ góp phần hiện thực cam kết giảm 30% lượng rác thải nhựa thất thoát ra môi trường của quận Thanh Khê trong giai đoạn 2021- 2025.

Bài viết liên quan