CHIẾN DỊCH “CUỘC XÂM CHIẾM CỦA RÁC”: THÓI QUEN NHỎ TẠO NÊN THAY ĐỔI LỚN

Với thông điệp: “Đừng để rác xâm chiếm không gian sống của bạn”, chiến dịch thành công trong việc truyền tải các thông tin về mức độ quá tải, ô nhiễm từ các bãi rác tại các địa phương, gây ảnh hưởng đến môi trường cũng như cuộc sống sinh hoạt của người dân. 

Bắt đầu từ tháng 5/2020, chiến dịch truyền thông “Cuộc xâm chiếm của rác” được triển khai tại 3 địa bàn: Đà Nẵng, Phú Yên và Rạch Giá. Sở dĩ, lựa chọn 3 tỉnh, thành phố này bởi trong bối cảnh lúc đó, các địa phương này đang gặp sự quá tải và ô nhiễm do các bãi rác, bãi chôn lấp không hợp vệ sinh. 

Ngay từ khi mới bắt đầu, chiến dịch đã đạt được những thành công cụ thể. Hơn nữa, đây cũng là hoạt động điểm sáng trong thời gian bắt đầu xuất hiện dịch bệnh Covid-19 và các đợt giãn cách xã hội đầu tiên.

CHIẾN DỊCH THU HÚT ĐÔNG ĐẢO NGƯỜI THAM GIA

Với thông điệp “Đừng để rác xâm chiếm không gian sống của bạn”, chiến dịch hướng tới việc truyền tải các thông tin về mức độ quá tải, mức độ ô nhiễm từ các bãi rác không hợp vệ sinh tại chính các địa phương này gây ảnh hưởng tới môi trường, sức khỏe và sinh kế của người dân ra sao. Cùng với đó là các “fact – figures” (thực trạng – con số) về rác nhựa, với khối lượng xả thải lớn, chiếm tỷ lệ ngày càng cao tại các bãi rác, cộng thêm các tính chất như bền, không thấm nước, lâu phân huỷ, làm cản trở quá trình phân huỷ của các loại rác khác khiến cho các bãi rác hiện nay ngày càng đầy lên nhanh chóng. 

Chiến dịch đã thu hút được hơn 1 triệu lượt xem, gần 200 nghìn lượt tương tác với sự tham gia của 9 người nổi tiếng là các ca sĩ, MC, hoạ sĩ, nhiếp ảnh gia, nhân vật có tầm ảnh hưởng trên mạng xã hội. Chiến dịch cũng nhận được sự tham gia xây dựng ý tưởng, nội dung và hỗ trợ lan toả của các đối tác địa phương là Sở Tài nguyên Môi trường thành phố Đà Nẵng, tỉnh Kiên Giang và tỉnh Phú Yên. 

SẢN XUẤT VIDEO TUYÊN TRUYỀN ĐẠT HIỆU QUẢ TỐT

Trong thời đại công nghệ số, các sản phẩm truyền thông qua video dường như không thể thiếu trong các chiến dịch. Hình ảnh sống động, nội dung phong phú và có tính kết nối với đối tượng khán giả, cùng với đó là các yếu tố về âm thanh, màu sắc tác động lên thị giác và thính giác của người xem khiến cho việc sản xuất các video tuyên truyền luôn là một lựa chọn tốt.

Bên cạnh đó, việc phối hợp với các kênh truyền hình địa phương và quốc gia cũng mang đến hiệu quả rõ rệt. Các phóng sự về kết quả thí điểm của một mô hình, sự nỗ lực của các bên liên quan trong công tác quản lý rác thải rắn nói chung và rác thải nhựa nói riêng, hay các câu chuyện về sự thay đổi của địa phương sẽ không chỉ giúp tư liệu hoá các nội dung trên, mà còn góp phần lan tỏa tới đông đảo khán thính giả tại khu vực hay trên cả nước.

Đây cũng là một hình thức nhằm ghi nhận công sức và vinh danh những gương mặt tiêu biểu, tạo sự hứng khởi và niềm tin cho người dân tiếp tục duy trì, tiếp nối các kết quả đã đạt được; đồng thời, mở ra cơ hội để nhân rộng tại các địa bàn khác. Ví dụ như phóng sự về mô hình điểm tập kết xanh ở Thanh Khê sau khi được phát sóng ở VTV1 đã có được sự ghi nhận từ chính quyền và Sở TNMT thành phố, nhân rộng tại chính địa bàn quận và tại các địa phương khác như Rạch Giá, và sắp tới là Phú Yên, A Lưới.

Quận Thanh Khê thí điểm mô hình Chợ không sử dụng túi nilon. Ảnh: Báo Tài nguyên và Môi trường

TƯƠNG TÁC BÁO CHÍ

Một trong những yếu tố tạo nên sự thành công của chiến dịch phải kể đến việc duy trì, kết nối với các kênh truyền thông, báo đài. Hoạt động tương tác báo chí luôn diễn ra thường kỳ khi triển khai dự án. 

Các hoạt động, đặc biệt là các sự kiện như hội thảo, lễ khởi động mô hình, lễ ra quân xóa điểm nóng… thuộc khuôn khổ Dự án luôn có sự kết nối, thông tin với nhóm báo chí. Một số sự kiện lớn sẽ có chuẩn bị thông cáo báo chí cẩn thận, chỉn chu. Bên cạnh đó, nhóm dự án luôn sẵn sàng tham gia trả lời phỏng vấn với nhóm báo chí về các nội dung liên quan tới dự án hay tới chủ đề về rác thải nhựa đại dương.

Bài viết liên quan