Trong khuôn khổ Dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa tại Việt Nam”, Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF-Việt Nam) đã và đang phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ Phú Quốc thực hiện mô hình truyền thông nâng cao nhận thức, vận động thực hành phân loại rác tại nguồn và giảm nhựa cho các hội viên hội phụ nữ cấp cơ sở, để xây dựng Phú Quốc – Hướng tới thành phố đảo không rác thải nhựa”. Đến nay, mô hình truyền thông nâng cao nhận thức, vận động thực hành phân loại rác tại nguồn và giảm nhựa cho các hội viên Hội Liên hiệp Phụ nữ cấp cơ sở đã lan tỏa đến gần 500 hộ dân trên 8 xã/phường của thành phố Phú Quốc.
Trong năm 2022, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Thành phố Phú Quốc ban hành kế hoạch số 10/KHPH-PN-WWF về việc phối hợp cùng Dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa tại Việt Nam” triển khai chuỗi tập huấn nâng cao kỹ năng truyền thông hướng đến thay đổi hành vi xoay quanh chủ đề rác thải nhựa cho thành viên Hội LHPN cấp thành phố, xã/phường, ấp/khu phố. Với sự hỗ trợ của tư vấn chuyên môn, các khóa tập huấn dành cho Hội LHPN được thiết kế và triển khai theo phương pháp từ đơn giản đến nâng cao, với nội dung tập huấn đa dạng, phong phú vừa cung cấp kiến thức thực tế phù hợp với từng nhóm đối tượng học viên, vừa nâng cao kỹ năng của học viên trong việc áp dụng các phương tiện, hình thức truyền thông khác nhau.
Cụ thể, trong Quý 1 năm 2022, Hội LHPN Phú Quốc đã phối hợp cùng với WWF-Việt Nam và các đơn vị tư vấn tổ chức 03 khoá tập huấn, thu hút sự tham gia của 34 cán bộ. Tới Quý 2 năm 2022, các khoá tập huấn tiếp tục mở rộng cho các thành viên khác của Hội LHPN, đồng thời đào tạo chuyên sâu về truyền thông thay đổi hành vi cho cán bộ hội LHPN các cấp. Các khóa tập huấn, đào tạo đã truyền cảm hứng cho phụ nữ Phú Quốc chủ động, sáng tạo trong việc cải tiến mô hình kinh doanh hộ gia đình, trở thành những bài học giảm nhựa thành công rất đỗi gần gũi, đơn giản mà hiệu quả; tiêu biểu là những tấm gương trong bài viết dưới đây.
NGƯỜI MANG ĐẾN CUỘC ĐỜI MỚI CHO SỢI DÂY “RÁC THẢI NHỰA”
Không chỉ mang thiết kế độc, lạ – một đặc trưng của các sản phẩm thủ công, những chiếc giỏ xách của chị Trần Kim Ngọc ở ấp Suối Đá, xã Dương Tơ còn khiến mọi người phải trầm trồ vì ý nghĩa quan trọng của chúng với môi trường. Chị Ngọc chân thành chia sẻ: “Tôi xem giỏ mua từ chợ về, và mày mò để làm đó! Còn dây nhựa thì tôi thấy bỏ khắp nơi, có thể dùng được mà bỏ uổng quá, nên lượm về đan thử. Đan xong giỏ, ai cũng khen đẹp, tôi vui nên làm tặng mọi người.”
Chị Trần Kim Ngọc với sáng kiến làm giỏ xách từ dây nhựa. Ảnh: Nguyễn Ngọc Quang / WWF-Việt Nam
Một sáng kiến có thể góp phần cứu cả đại dương, hóa ra chỉ bắt đầu giản đơn như thế. Guồng quay xây dựng không ngừng nghỉ trong quá trình tái thiết Phú Quốc sau đại dịch sản sinh ra một lượng dây buộc gạch khổng lồ cần đốt bỏ, kéo theo gánh nặng ô nhiễm cho môi trường. Chị Ngọc đã san sẻ bớt gánh nặng đó bằng cách mang chúng về, buộc lại gọn gàng từng bó, lau sạch và đan thành giỏ xách xinh xắn, cứng cáp. Những sợi dây giờ đây giống nhưng được sống một cuộc đời mới – có ích, vui vẻ, sạch sẽ, không phải làm “số kiếp” rác thải.
Bằng đôi bàn tay khéo léo, chị Ngọc không chỉ tự tạo cho riêng mình một vật dụng vừa đẹp, vừa thiết yếu; mà còn trao tặng cho bạn bè, hàng xóm để nhắc nhở người xung quanh dùng giỏ đi chợ thay vì mang túi nilon về nhà. Chị tâm sự: “Xem truyền hình, thấy nước người ta sạch đẹp mà mê. Mong Phú Quốc mình sớm được như vậy”.
NHA ĐAM THÂN THIỆN MÔI TRƯỜNG
Từ vài gốc nha đam nhỏ xinh trồng trang trí trong nhà, chị Trần Thị Đậm đã phát triển nên một “gia tài” nha đam gần 500 gốc lớn nhỏ. Không chỉ mang lại nguồn thu nhập ổn định cho cả gia đình, vườn Nha Đam Đậm Trần tại ấp Suối Cát, xã Cửa Dương, Phú Quốc còn mang theo thông điệp 3T (Tiết giảm – Tái sử dụng – Tái chế) mà Dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa tại Việt Nam” đã thông qua Hội Liên hiệp Phụ nữ Phú Quốc hướng dẫn cho người dân về cách phân loại rác và giảm nhựa.
Chị Trần Thị Đậm với sáng kiến trồng nha đam trong thùng tái sử dụng. Ảnh: Nguyễn Ngọc Quang / WWF-Việt Nam
Được truyền cảm hứng từ các buổi tập huấn truyền thông của Dự án, chị Đậm thay thế những chậu sành gốm nặng nề và tốn kém bằng các thùng nước nhựa đã qua sử dụng, hoặc các thùng xốp thải ra từ các hàng bán rau quả, trái cây và các thùng nhựa khác. Phương pháp canh tác mới mẻ ấy đã mang lại một nguồn vui lớn lao cho người chủ vườn, và cả thiên nhiên Phú Quốc. Chị Đậm chia sẻ rằng cách làm này “vừa giúp chị giảm chi phí đầu tư mua chậu, vừa khiến công việc nhẹ nhàng hơn vì không phải bưng bê nặng mỗi khi sang chậu hoặc chiết cây nha đam con; và quan trọng nhất là vừa tái sử dụng rác nhựa thành những vật dụng hữu ích, giảm tải lượng rác nhựa thải ra môi trường”.
CÙNG NHAU THAY ĐỔI VÌ THÀNH PHỐ ĐẢO NGỌC XANH – SẠCH – ĐẸP
Sau đại dịch, Phú Quốc xinh đẹp lại mở cửa chào đón hàng triệu lượt khách lữ hành ghé thăm nghỉ dưỡng, mang theo nhiều tiềm ẩn về vấn đề rác thải và môi trường. Nhận thức được điều này, cô Nguyễn Thị Mai, một chủ hộ kinh doanh dịch vụ lưu trú tại Thành phố Phú Quốc đã có những đóng góp tích cực vào việc thực hành và vận động cộng đồng giảm nhựa bằng những hành động đơn giản, gắn với đời thường.
Cô Nguyễn Thị Mai với sáng kiến dịch vụ lưu trú “xanh”. Ảnh: Nguyễn Ngọc Quang / WWF-Việt Nam
Là một thành viên tích cực của chuỗi chương trình tập huấn kiến thức và kỹ năng áp dụng phương pháp giáo dục hành động vào việc vận động cộng đồng giảm nhựa, cô Mai đã tìm hiểu và đăng ký áp dụng hầu hết các phương pháp cải tiến giúp giảm nhựa trong sinh hoạt. Tuy lượng chai nhựa đựng nước suối phát sinh từ dịch vụ kinh doanh của gia đình là không hề nhỏ, nhưng cô Mai không quên thu gom và bán lại cho đơn vị tái chế. Những thùng xốp cũ được cô “chuyển đổi mục đích sử dụng”, ủ chung rác thải hữu cơ cùng với đất, sau đó đem đi trồng rau rất hiệu quả. Để tô điểm cho tổ ấm thêm xanh nào có gì khó, cô Mai sử dụng chính những chai, lọ nhựa đựng đồ sau khi sử dụng để trồng cây cảnh, tạo nên những góc xanh xinh xắn trong nhà.
Không chỉ có những sáng kiến tái chế và giảm nhựa thiết thực, cô Mai còn góp phần lan tỏa tinh thần sống “xanh” – kinh doanh “xanh” tới cộng đồng cư dân tại tổ dân phố mình sinh sống. Tấm gương giảm nhựa của cô Mai có lẽ là những tín hiệu đáng mừng từ phía các cơ sở kinh doanh dịch vụ, từ đó lan tỏa sâu rộng hơn đến nhóm khách hàng tiêu dùng, khuyến khích xây dựng hành vi tiêu dùng có trách nhiệm hơn về môi trường. Đây cũng chính là một trong những nhiệm vụ ưu tiên của dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam” mà Tổ chức WWF-Việt Nam đã và đang phối hợp triển khai với các doanh nghiệp và đoàn thể tại Phú Quốc, nhằm xây dựng một thành phố đảo không rác thải nhựa.