Nằm trong Hợp phần “Đô thị giảm nhựa” (Plastics Smart Cities) do Tổ chức WWF-Việt Nam triển khai, huyện A Lưới ( tỉnh Thừa Thiên Huế) đã và đang thực hiện tốt các hoạt động giảm nhựa, tạo tiền đề cho quá trình bảo tồn môi trường thiên nhiên tươi đẹp tại Việt Nam.
“Đô thị giảm nhựa” là một sáng kiến của Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF), nhằm kết nối các thành phố và các điểm đến du lịch cùng hành động chống lại ô nhiễm nhựa. Thông qua chương trình, WWF nâng cao năng lực cho các địa phương nhằm đạt được mục tiêu không rác nhựa trong thiên nhiên vào năm 2030.
Bằng nguồn kinh phí từ dự án BMU, hợp phần “Đô thị giảm nhựa” được áp dụng tại nhiều địa phương với các hình thức khác nhau. Tính đến năm 2022, Việt Nam đã có 10 địa phương cam kết trở thành Đô thị giảm nhựa, bao gồm:
- Thành phố Phú Quốc (Tỉnh Kiên Giang)
- Thành phố Rạch Giá (Tỉnh Kiên Giang)
- Quận Thanh Khê (Thành phố Đà Nẵng)
- Thành phố Tuy Hòa (Tỉnh Phú Yên)
- Thành phố Tân An (Tỉnh Long An)
- Thành phố Huế (Tỉnh Thừa Thiên – Huế)
- Huyện A Lưới (Tỉnh Thừa Thiên – Huế)
- Thành phố Hà Tĩnh (Tỉnh Hà Tĩnh)
- Côn Đảo (Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu)
- Thành phố Đồng Hới (Tỉnh Quảng Bình)
Trong đó, huyện A Lưới (tỉnh Thừa Thiên – Huế) có thể coi là một điểm sáng trong việc lan toả sâu rộng ý thức giữ gìn vệ sinh chung và bảo vệ môi trường xanh – sạch – đẹp thông qua các hoạt động đầy dấu ấn với sự tham gia tích cực từ cộng đồng.
MÔ HÌNH “CHỢ GIẢM NHỰA”
Với sự đồng hành của Huyện Đoàn A Lưới (tỉnh Thừa Thiên Huế), mô hình “Chợ giảm nhựa” được triển khai tại hai khu chợ là Chợ Bốt Đỏ và Chợ A Lưới từ Tháng 2 năm 2022 nhằm khảo sát kiến thức – thái độ – thực hành về vấn đề sử dụng và phát thải rác nhựa, đặc biệt là nhựa dùng một lần. Khảo sát được thực hiện trên hai nhóm đối tượng là tiểu thương và người tiêu dùng.
A Lưới thực hành tích cực thực hành giảm phát thải nhựa thông qua tủ di động cung cấp túi ni-lông sạch miễn phí. Ảnh: aluoi.thuathienhue.gov.vn
Trong hơn 6 tháng triển khai mô hình, A Lưới đã thực hiện thành công các hoạt động như đặt pano tuyên truyền, xây dựng hai tủ di động nhận và cung cấp túi ni-lông sạch miễn phí nhằm khuyến khích người đi chợ tái sử dụng túi ni lông, giảm phát thải túi nhựa sử dụng một lần.
MÔ HÌNH “TRƯỜNG HỌC GIẢM RÁC NHỰA”
Mô hình “Trường học Giảm giác nhựa” đã được thực hiện trong 1 học kỳ năm học 2021-2022 tại 5 trường tiểu học và trung học cơ sở trên địa bàn huyện A Lưới.
Các trường vận hành mô hình trên đã thực hiện một chuỗi các hoạt động bao gồm: Khảo sát nhận thức và thái độ của học sinh; Xây dựng câu lạc bộ giảm rác nhựa và hoạt động định kỳ tuyên truyền về ý thức giảm nhựa tại trường học, thực hiện kiểm toán rác thải đầu kỳ và cuối kỳ; Tổ chức các hoạt động ngoại khóa nhằm cung cấp thêm thông tin cho học sinh, tiến tới thay đổi hành vi tiêu thụ nhựa dùng một lần của các em.
Mô hình Trường học Giảm rác nhựa được triển khai tại Trường THCS Trần Hưng Đạo, huyện A Lưới. Ảnh: WWF-Việt Nam
Ngoài ra, nhằm tăng cường tính thiết thực và bám sát với chương trình giảng dạy, cán bộ các nhà trường tham gia triển khai mô hình cũng đã lồng ghép các nội dung về bảo vệ môi trường, giảm rác thải nhựa vào một số môn học chính thức trong chương trình giảng dạy và thực hiện dạy thử, tiến tới áp dụng trong các bài giảng.
Dự kiến trong thời gian, mô hình trên sẽ được Dự án cùng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện A Lưới phối hợp lên kế hoạch nhân rộng ra các trường tiếp theo.
NGÀY HỘI TÁI CHẾ NHỰA
Ngày 30/6/2022, Huyện Đoàn A Lưới đã tổ chức “Ngày hội tái chế năm 2022” với các hoạt động đa dạng, phong phú như: Thi tái chế và trưng bày các sản phẩm tái chế; Thi rung chuông vàng; Đổi rác lấy quà. Sự kiện đã nhận được sự hưởng ứng đông đảo từ các đội thi là thanh thiếu niên toàn huyện.
Thông qua các cuộc thi, hơn 100 thanh thiếu niên huyện A Lưới đã có thêm cơ hội tiếp cận các kiến thức về vấn đề môi trường, đặc biệt là ô nhiễm rác thải nhựa, thực hành các biện pháp giảm thiểu – tái chế – tái sử dụng rác thải nhựa.
Trưng bày sản phẩm tái chế trong ngày hội. Ảnh: WWF-Việt Nam
Bên cạnh các hoạt động trên, dự thảo Kế hoạch giám sát đánh giá Kế hoạch hành động quản lý Rác thải nhựa trên địa bàn huyện A Lưới cũng được chia sẻ, thảo luận và thống nhất các nội dung cơ bản để có thể triển khai thực hiện trong thời gian tới. Tin rằng với những kết quả tích cực mà Hợp phần “Đô thị giảm nhựa” đã đạt được tại huyện A Lưới, trong tương lai Việt Nam sẽ có thêm nhiều đô thị xanh, sạch, đẹp.