Ngày 19/2/2020 của UBND Tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp cùng WWF Việt Nam thống nhất tham gia dự án “Quản lý rác thải nhựa ở Việt Nam” với tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn huyện A Lưới. Cho đến nay dự án đã mang lại những dấu ấn nhất định, dần thay đổi bộ mặt địa phương trong công cuộc “nói không” với rác thải nhựa.
Tăng cường quản lý rác thải và giảm thất thoát rác thải ra môi trường
Năm 2020, dự án đã phối hợp với địa phương khảo sát về hiện trạng Quản lý rác thải cũng như xây dựng và ban hành Kế hoạch hành động Quản lý rác thải nhựa với tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn huyện A Lưới, trong đó tập trung vào các nhóm công việc chính đó là:
- Tuyên truyền, nâng cao nhận thức, cải thiện kỹ năng quản lý rác thải nhựa và hành vi tiêu dùng xanh;
- Cải thiện hệ thống thu gom rác, tiến tới thực hiện phân rác thành 2 loại tại các khu vực quy định.
- Tăng cường công tác thực hiện, giám sát, đánh giá thất thoát rác thải nhựa đã được thực hiện tại địa phương
Trên cơ sở Kế hoạch tổng thể giai đoạn 2021-2025, UBND huyện đã xây dựng và ban hành các Kế hoạch hành động quản lý rác thải nhựa hàng năm, thấy rõ qua các hoạt động: 11/2021 tiến hành xóa điểm nóng về rác thải, 6-7/2022 triển khai khảo sát đánh giá ô nhiễm Bãi Chôn Lấp (BCL) rác Hồng Thượng và tham vấn giải pháp giảm thiểu ô nhiễm từ BCL rác Hồng Thượng, thúc đẩy đóng cửa BCL Hồng Thượng, 27/5/2022 xây dựng thành công khu xử lý rác thải tập trung, cải thiện hệ thống quản lý rác thải tại địa phương.
Giáo dục môi trường tại A Lưới
Vào ngày 7-8/11/2022, Dự án đã phối hợp với Phòng giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) huyện A Lưới thực hiện tập huấn cho 80 thành viên là đội ngũ giáo viên, cán bộ giáo dục trực thuộc Phòng GD&ĐT. Qua nội dung tập huấn, các giáo viên được tiếp cận và hiểu hơn về hiện trạng môi trường, đánh giá được sự cần thiết của việc giáo dục môi trường và thúc đẩy sự tham gia của học sinh trong các vấn đề liên quan tới bảo vệ môi trường và giảm rác thải nhựa.
Sau tập huấn, Phòng GD&ĐT tiếp tục phối hợp cùng dự án lựa chọn 5 trường để thực hiện mô hình trường học không rác thải nhựa là các trường: Trung học cơ sở Lê Lợi; Trung học cơ sở Quang Trung; Trung học cơ sở Trần Hưng Đạo; Tiểu học Kim Đồng; Tiểu học Sơn Thuỷ. Thông qua việc tham gia vào chuỗi hoạt động hơn 150 giáo viên và hơn 2.000 học sinh tại các trường đã có thêm thông tin, kiến thức và cách thức góp phần giảm rác nhựa, bảo vệ môi trường.
Tiếp nối hoạt động đối với trường học, tháng 8.2022, dự án phối hợp với Phòng GĐ&ĐT và Huyện Đoàn A Lưới tổ chức cuộc thi Trường học Xanh – Sạch – Sáng – 4 mùa hoa. Cuộc thi diễn ra trong khoảng thời gian 8-11/2022 có 28 trường tham gia. Ngoài việc tập trung vào việc tạo điều kiện cơ sở học tập tốt còn tập trung và các tiêu chí môi trường như: Có quy chế không sử dụng nhựa 1 lần; Học sinh thu gom túi ni-lông sạch tại nhà ủng hộ mô hình chợ tái sử dụng túi ni-lông tại chợ A Lưới; Xây dựng và vận hành khu vực thu gom và ủ rác hữu cơ từ lá cây, thức ăn thừa (nếu có); Làm túi giấy từ vật liệu sẵn có và tặng các tiểu thương đăng ký quầy hàng sinh thái.
Ngày 5/3/2023, với sự hỗ trợ từ Dự án, Hội Liên hiệp Phụ nữ (Hội LHPN) huyện A Lưới đã chủ trì tổ chức “Phiên chợ Xanh A Lưới 2023″. Đây cũng là một dấu ấn trên hành trình giáo dục, đào tạo và nâng cao nhận thức cộng đồng về giảm thải rác thải nhựa. Phiên chợ đã nhận được sự hưởng ứng và tham gia của đông đảo cán bộ các cơ quan ban ngành của huyện, hội viên Hội LHPN của 18 xã/thị trấn và cộng đồng dân cư trên địa bàn. Xuyên suốt thời gian diễn ra Phiên chợ xanh, nhiều hoạt động độc đáo, mang đậm nét văn hóa đặc trưng của A Lưới đã được tổ chức như: Trình diễn và hướng dẫn sản xuất men vi sinh bản địa (IMO) và ứng dụng trong xử lý rác hữu cơ; Trưng bày các sản phẩm thân thiện môi trường; Hội thi áo dài truyền thống ….
Nhìn lại chuỗi hoạt động, sự tham gia hưởng ứng của đông đảo các bên liên quan đối các hoạt động tại A Lưới trong thời gian qua đã cho thấy sự nỗ lực và cam kết của chính quyền và nhân dân huyện A Lưới (đặc biệt là các cấp Hội LHPN của huyện) trong việc thực hiện mục tiêu giảm rác thải nhựa theo Kế hoạch hành động quản lý rác thải nhựa giai đoạn 2021 – 2025 , tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn huyện A Lưới.
Truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về rác thải nhựa
Xác định rõ nhóm du lịch cộng đồng là đối tượng cần nâng cao nhận thức và nâng cao kỹ năng truyền thông, tháng 10/2022, Phòng TN&MT huyện đã phối hợp với dự án tổ chức 2 lớp tập huấn nguồn (TOT) về kỹ năng truyền thông cho nhóm du lịch cộng đồng trên địa bàn A Lưới. Các nhóm làm du lịch cộng đồng từ xã A Roàng, Hồng Kim, Hồng Thượng, Hồng Hạ, Lâm Đớt tham gia tập huấn vừa nâng cao kỹ năng truyền thông cho hoạt động du lịch, vừa có kiến thức và kỹ năng truyền thông về giảm rác thải nhựa.
Đồng thời, Phòng TN&MT và Phòng Văn hóa thông tin của huyện cũng tổ chức chương trình tập huấn xoay quanh quy trình quản lý rác thải tại nguồn và định hướng phát triển du lịch xanh, hướng tới các doanh nghiệp dịch vụ homestay, điểm du lịch sinh thái và một số hội đoàn thể trên địa bàn.
Song song với công tác truyền thông tới nhóm du lịch cộng đồng, bà con dân tộc thiểu số tại vùng cũng là đối tượng được đặc biệt chú ý. Tuy nhiên, đây là nhóm đối tượng có trình độ dân trí chưa cao, ý thức còn kém nên đòi hỏi một phương án truyền thông sáng tạo hơn nhưng vẫn tiếp cận với bà con với tần suất liên tục. Mô hình “Truyền thông trực quan” đã ra đời vì lý do đó. Mô hình nổi bật giữa vùng núi ngàn với 3 hình thức khác nhau:
- Hệ thống Poster Led với 04 tấm áp phích điện tử, vận hành 24/24 tại các điểm lắp đặt.
- 200m2 tranh tường truyền thông về giảm túi ni-lông và nhựa dùng một lần được thực hiện tại 05 Trường học và chợ dân sinh A Lưới
- 05 Pano check-in được xây dựng và lắp đặtPano Check-in tại số địa điểm du lịch nổi tiếng ở A Lưới
Tranh tường tại Trường học
Xây dựng và thí điểm các mô hình giảm nhựa, bảo vệ môi trường
Dự án đã phối hợp với huyện Đoàn A Lưới để thực hiện “Mô hình chợ giảm rác nhựa” tại chợ Bốt Đỏ và chợ A Lưới từ tháng 3/2022 và nhận được sự cam kết của 07 tiểu thương tại chợ Bốt Đỏ, 25 tiểu thương tại chợ A Lưới trở thành Quầy hàng xanh giảm nhựa.
Từ 3/2022, tủ cung cấp túi ni-lông sạch tái sử dụng được đưa vào vận hành và nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ bà con. Những túi này đều được các tiểu thương và người mua hàng sử dụng cho việc buôn bán, mua sắm tại chợ, điều đó cũng đồng nghĩa với việc giảm phát sinh túi ni-lông mới.
Ngoài ra, tháng 10/2022, Phòng TNMT, Hội LHPN huyện A Lưới phối hợp cùng dự án thực hiện tập huấn về PLR, sản xuất IMO và ứng dụng IMO trong xử lý rác hữu cơ cho nhóm:
- 90 học viên thuộc nhóm kinh doanh du lịch cộng đồng từ các xã A Roàng, Hồng Kim, Hồng Thượng, Hồng Hạ, Lâm Đớt
- 100 hội viên Hội LHPN huyện A Lưới tại các xã A Ngô và Hồng Kim
- Dự án hỗ trợ 260 thùng dung tích 50-120 lít cho việc thí điểm mô hình này.
Sau khi tập huấn, nhóm du lịch cộng đồng đã thực hiện:
- Có 08 hộ gia đình tại xã Trung Sơn và 01 cộng đồng (gồm 10 hộ) tại thôn A Roàng 2, xã A Roàng hiện đang thực hiện phân loại và xử lý rác hữu cơ tại gia đình và điểm du lịch cộng đồng bằng vi sinh bản địa; lượng rác xử lý được ước tính 150 – 200 kg/tuần.
- 02 chủ homestay và 11 hộ tại xã Hồng Kim thực hiện khử mùi hôi chuồng trại (chuồng bò, lợn, gà, vịt) và ủ phân từ vi sinh bản địa.
Hội LHPN xã A Ngô và Hồng Kim được tập huấn, hướng dẫn, các học viên đã thực hiện PLR, ủ phân hữu cơ, sản xuất IMO tại gia đình góp phần vào việc xử lý tại chỗ lượng rác hữu cơ từ hộ gia đình. Thêm vào đó, không chỉ xử lý rác hữu cơ tại gia đình, các hội viên Hội LHPN còn thu gom rác hữu cơ tại chợ A Lưới về xử lý tại hộ gia đình bằng việc ứng dụng IMO. Mô hình đang được vận hành và vào cuối tháng 12/2022 dự kiến sẽ có các sản phẩm phân compost đầu tiên.
Ước tính mỗi ngày Hội viên Hội LHPH thu gom được 80-100 kg rác hữu cơ tại chợ để xử lý tại mô hình, trong khi các hộ gia đình tham gia mô hình mỗi ngày xử lý được 1kg/HGĐ/ngày.
Kết quả này cho thấy sự ủng hộ của cả người dân lẫn tiểu thương dành cho mô hình. Trong thời gian tới, dự án vẫn tiếp tục đồng hành cùng huyện đoàn A Lưới tăng cường các công tác tuyên truyền về ô nhiễm rác nhựa và thúc đẩy các thực hành xanh trong nỗ lực giảm rác thải nhựa của cộng đồng.