Bãi biển Cô Tô ngột ngạt bởi rác thải đại dương

26/12/2021

Nổi tiếng với vẻ đẹp hoang sơ, bãi tắm thơ mộng, nhưng ít ai biết Cô Tô thường xuyên phải chịu đựng sự tấn công của rác biển. Vì nằm gần điểm giao nhau của 2 dòng hải lưu, Cô Tô luôn chịu những cuộc “đổ bộ” của rác.

“Cầu Tình Yêu” thơ mộng trên bãi biển Bắc Vàn, xã Đồng Tiến, huyện Cô Tô (Quảng Ninh) là địa điểm check-in quen thuộc của khách du lịch, đặc biệt là giới trẻ. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhiều tháng nay địa điểm này vắng bóng khách du lịch, cơ sở kinh doanh dịch vụ đóng cửa, không có người thường xuyên dọn dẹp nên rác thải đại dương bủa vây khắp chân cầu.

Rác thải quấn quanh chân cầu (Ảnh: VTC News)

Vào mùa du lịch, đây là địa điểm lý tưởng cho du khách ngồi ngắm biển, hóng mát dưới những hàng cây chắn sóng, nhưng giờ đây lại là nơi trú ngụ của rác thải đại dương.

 

Rác thải đại dương từ đất liền

Theo Ông Nguyễn Lê Tuấn, Viện trưởng Viện nghiên cứu biển và hải đảo (Tổng cục Biển và hải đảo Việt Nam), cho biết tại Việt Nam, ô nhiễm chất thải nhựa nói chung và ô nhiễm chất thải nhựa trên biển hiện nay đang trở thành vấn đề nghiêm trọng, đe dọa ngày càng lớn do tồn tại lâu dài trong môi trường tự nhiên.

Theo ông Tuấn, ở Việt Nam hiện có khoảng 8-12% tổng lượng chất thải rắn thải ra mỗi ngày là chất thải nhựa, túi nilông gây ô nhiễm môi trường đất, nước và không khí nghiêm trọng, trở thành vấn nạn quốc gia.

Quản lý chất thải về nhựa dùng 1 lần còn nhiều bất cập. (Ảnh: VTC News)

Ông Tuấn cho biết Hàn Quốc đã chính thức cấm sử dụng túi nilông trong siêu thị và các chuỗi cửa hàng bán lẻ kể từ đầu năm 2019 nhằm giảm rác thải nhựa và bảo vệ môi trường; Hay các sản phẩm ống hút, muỗng nĩa, chén đĩa, dao kéo… bằng nhựa sử dụng một lần sẽ bị cấm ở Liên minh châu Âu (EU) trong thời gian tới.

Trong khi đó ở nước ta, quản lý chất thải này vẫn còn nhiều tồn tại, bất cập. Đồng thời vẫn chưa có chính sách quản lý có hiệu quả cho sản xuất và tiêu dùng sản phẩm nhựa dùng một lần.

“Để đẩy mạnh hơn nữa việc kiểm soát ô nhiễm môi trường do sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần trong giai đoạn tiếp theo, theo tôi, cần phải ban hành các cơ chế, chính sách quản lý có hiệu quả, xác định lộ trình cụ thể cho việc loại bỏ sản xuất và tiêu dùng sản phẩm nhựa dùng một lần. Đặc biệt, cần chú trọng giải pháp về tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về rác thải nhựa ở biển, từ đó thay đổi thói quen, tập quán trong tiêu dùng sản phẩm nhựa và cách ứng xử với sản phẩm nhựa nói chung, rác thải nhựa nói riêng.

Theo VTC News.

Bài viết liên quan