Bảo vệ đại dương – vì sự sống con người

15/11/2022

Ngày Đại dương thế giới, Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam đã trải qua 12 năm thực hiện, hưởng ứng ở cấp độ Quốc gia với ý nghĩa thể hiện sự đoàn kết, kết nối và nâng cao nhận thức của tất cả mọi người trên toàn thế giới với mục tiêu bảo tồn nguồn tài nguyên biển và đại dương nói chung, nguồn tài nguyên biển Việt Nam nói riêng.

Nhân sự kiện này, phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường đã có cuộc trao đổi với ông Tạ Đình Thi, Tổng cục Trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam về ý nghĩa của Chủ đề Tuần lễ Biển và Hải đảo năm 2021.

1

Ông Tạ Đình Thi, Tổng cục Trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam

PV: Thưa ông, được biết Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam năm 2021 có chủ đề “Bảo vệ đại dương và phát triển bền vững sinh kế biển Việt Nam”. Xin ông cho biết ý nghĩa của chủ đề này và tầm quan trọng của vấn đề bảo vệ đại dương trong giai đoạn hiện nay?

Ông Tạ Đình Thi:

Những năm gần đây, cứ vào thời gian này cả nước lại có dịp cùng nhau có các hoạt động thiết thực hưởng ứng Ngày Đại dương thế giới và Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam. Năm nay, chủ đề của Ngày Đại dương Thế giới “Đại dương: Sự sống và sinh kế” với thông điệp làm nổi bật sự đa dạng hệ sinh thái biển, lan tỏa ý nghĩa của đại dương đối với hoạt động sinh kế của con người và nguồn sống của các loài sinh vật trên Trái đất, kêu gọi sự đoàn kết, kết nối tất cả mọi người trên toàn thế giới với mục tiêu bảo tồn nguồn tài nguyên biển và đại dương.

Để phù hợp với chủ đề này và cụ thể hóa Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Nghị quyết 26/NQ-CP ngày 5/3/2020 của Chính phủ về ban hành Kế hoạch tổng thể và Kế hoạch 5 năm của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW, Bộ TN&MT đã quyết định lựa chọn chủ đề của Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam năm 2021 là “Bảo vệ đại dương và phát triển bền vững sinh kế biển Việt Nam”.

Đây chính là dịp để toàn dân thể hiện ý chí, quyết tâm thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam, sớm đưa đất nước trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu lên từ biển, bảo vệ vững chắc chủ quyền Tổ quốc trên các vùng biển, đảo.

PV: Sinh kế biển hiện nay không chỉ là những ngành nghề truyền thống như nuôi trồng, đánh bắt thủy sản, hàng hải, du lịch… mà đã xuất hiện không ít ngành nghề mới, như năng lượng tái tạo của điện gió, điện mặt trời, xây dựng đô thị biển… Vậy theo ông, đi đôi với khai thác kinh tế, chúng ta phải tính đến việc quản lý và phát triển như thế nào để bảo vệ môi trường biển?

Ông Tạ Đình Thi:

Sinh kế biển hiện nay đang ngày càng phát triển và mở rộng về phạm vi và lĩnh vực hoạt động. Điều này phù hợp với nhu cầu thực tế và chủ trương phát triển bền vững kinh tế biển của nước ta. Tuy nhiên, có thể thấy các vùng ven biển và biển Việt Nam đang ngày càng bị đe dọa trước sự gia tăng của các hiện tượng biến đổi khí hậu cực đoan như mực nước biển dâng, bão… và đại dịch Covid -19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động sản xuất và sinh kế của người dân. Các sinh kế chính chịu những ảnh hưởng trực tiếp nhất là ngành thủy sản (đặc biệt là nuôi trồng), nông nghiệp, du lịch và vận tải biển. Điều này sẽ trực tiếp tác động tới cộng đồng ven biển vốn phụ thuộc nhiều vào các nguồn tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là tài nguyên thủy sản.

Do đó, chúng ta cần có những chiến lược sinh kế biển cụ thể cho ngư dân trong tương lai. Đồng thời, đi đôi với khai thác kinh tế, chúng ta phải tính đến việc quản lý và phát triển kinh tế biển gắn chặt với bảo vệ môi trường là điều hết sức quan trọng để Việt Nam hướng tới các mục tiêu của thập kỷ, vì một “đại dương an toàn”, “đại dương thấu hiểu” và “đại dương tường minh”. Lấy việc sử dụng hợp lý tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, là những yếu tố nền tảng cho phát triển kinh tế biển hiệu quả và bền vững dựa trên việc bảo toàn nguồn vốn tự nhiên biển; bảo vệ và đầu tư cho các hệ sinh thái biển, ven biển, hải đảo.

Tăng cường giám sát, rà soát và quản lý các nguồn thải gây ô nhiễm ra môi trường biển; đầu tư, thiết lập hệ thống quan trắc, giám sát môi trường tại các địa phương. Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của cộng đồng về những tác hại của các vấn đề môi trường xuyên biên giới đối với tài nguyên và môi trường biển trong khu vực…

1

Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh). Ảnh: MH

PV: Để bảo đảm cơ chế quản lý thống nhất và tăng cường năng lực trong công tác quản lý bảo tồn đa dạng sinh học biển như Nghị quyết 26/NQ-CP đã đề ra, làm tiền đề cho việc phát triển bền vững sinh kế biển, theo ông chúng ta cần có những giải pháp cấp bách nào trong giai đoạn hiện nay?

Ông Tạ Đình Thi:

Như tôi đã nói ở trên, việc phát triển bền vững sinh kế biển là vấn đề quan trọng trong giai đoạn hiện nay, đặc biệt trong bối cảnh chúng ta đang chịu các tác động tiêu cực của dịch Covid-19 và biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Do đó, để bảo đảm cơ chế quản lý thống nhất và tăng cường năng lực trong công tác quản lý bảo tồn đa dạng sinh học biển như Nghị quyết 26/NQ-CP đã đề ra, làm tiền đề cho việc phát triển bền vững sinh kế biển, theo tôi chúng ta cần triển khai đồng bộ những nhiệm vụ, giải pháp cấp bách sau đây:

Sử dụng hợp lý và tiết kiệm tài nguyên: Trong số những lợi ích mà biển mang lại, các yếu tố môi trường biển, các hệ sinh thái và đa dạng sinh học đóng vai trò đặc biệt quan trọng, luôn đan xen giữa lợi ích trước mắt và lâu dài theo đúng nghĩa của nó. Đây là nguồn tài nguyên tái tạo, là nền tảng đối với phát triển bền vững các ngành kinh tế sinh thái của đất nước. Kết hợp hài hòa giữa khai thác tài nguyên khoáng sản, chế biến sâu với bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học biển. Cho nên, có thể nói sự “trường tồn của biển cả” sẽ phụ thuộc vào việc sử dụng hợp lý và tiết kiệm tài nguyên biển.

Giảm thiểu suy thoái và ô nhiễm môi trường biển và vùng ven biển: Chú trọng phòng ngừa và ngăn chặn ô nhiễm biển, nhất là ô nhiễm rác thải nhựa kết hợp với xử lý ô nhiễm, cải thiện môi trường và bảo tồn thiên nhiên; tăng cường bảo tồn đa dạng sinh học, chú trọng sử dụng hợp lý các tài nguyên thiên nhiên và kết hợp phát huy nội lực với tăng cường hợp tác quốc tế trong bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Quan tâm phát triển một số ngành kinh tế dựa vào khai thác tài nguyên đa dạng sinh học biển như rừng ngập mặn, dược liệu biển, nuôi trồng và chế biến rong, tảo, cỏ biển…

Quản lý tổng hợp và thống nhất biển, hải đảo: Thông qua áp dụng và thực thi các giải pháp và giải quyết các vấn đề mang tính liên ngành, liên cơ quan, liên vùng, liên kết với cộng đồng và các bên liên quan và quản lý không gian biển dựa trên cách tiếp cận hệ sinh thái. Phát triển đa ngành, sử dụng đa mục tiêu (tối ưu hóa) và bảo đảm đa lợi ích (các bên cùng có lợi) giữa Nhà nước, tư nhân, các bên liên quan và cộng đồng địa phương, cũng như giảm thiểu mâu thuẫn lợi ích giữa các ngành trong quá trình khai thác sử dụng các hệ thống tài nguyên – môi trường biển, ven biển và hải đảo.

Phối hợp với các quốc gia và các tổ chức quốc tế trong việc tìm kiếm các nguồn tài trợ, giúp đỡ về tài chính và kỹ thuật nhằm tăng cường năng lực trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học biển tại vùng biển quốc gia và vùng biển quốc tế; nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách hợp tác xây dựng các khu bảo tồn biển liên quốc gia với các nước trong khu vực và các tổ chức quốc tế.

Các công cụ kinh tế và chính sách: Xây dựng và áp dụng các công cụ kinh tế trong quản lý môi trường biển, như: lệ phí ô nhiễm, lệ phí xả thải, phí sử dụng biển, phí sản phẩm, lệ phí hành chính thuế, cấp phép và thu hồi giấy phép khai thác, sử dụng biển, đảo, các quỹ môi trường biển và các khoản trợ cấp khác.

Tăng cường kiểm soát môi trường biển và vùng ven biển: Phương thức này bao gồm các công cụ pháp lý liên quan đến hệ thống kiểm tra, kiểm soát liên ngành, chủ yếu như: tiêu chuẩn môi trường, đánh giá tác động môi trường (ĐTM), quan trắc cảnh báo môi trường, xác định các điểm nóng môi trường hoặc ô nhiễm, các loại giấy phép và biện pháp kiểm soát sử dụng đất ven biển và mặt nước biển và hải đảo…

1

Bảo vệ đại dương chính là bảo vệ sự sống của con người – ảnh minh hoạ

PV: Vấn đề bảo vệ đại dương, phát triển bền vững tài nguyên môi trường biển muốn thực hiện được rất cần sự chung tay của toàn xã hội. Nhân Ngày Đại dương thế giới, Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam năm nay, ông có chia sẻ và gửi gắm thông điệp gì đến các Bộ, ngành, địa phương?

Ông Tạ Đình Thi:

Ngày Đại dương thế giới năm 2021 đánh dấu sự khởi động của Thập kỷ khoa học đại dương vì sự phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc (2021 – 2030). Theo đó, khuyến khích nỗ lực bảo vệ, thu thập, ứng dụng các khoa học đại dương thông qua các ý tưởng sáng tạo và chuyển đổi, làm cơ sở thông tin để hỗ trợ phát triển bền vững tài nguyên, môi trường biển. Do đó, có thể thấy vấn đề bảo vệ đại dương, khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, môi trường biển và muốn thực hiện được các mục tiêu đề ra trong Nghị quyết 36-NQ/TW cần thúc đẩy sự vào cuộc mạnh mẽ của các Bộ, ngành, địa phương, các bên liên quan và sự chung tay của toàn xã hội.

Năm nay, do tình hình của dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, để đảm bảo tuân thủ các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ cùng các quy định về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam đã tham mưu với Bộ TN&MT ban hành văn bản hướng dẫn gửi các Bộ, ngành, đoàn thể Trung ương, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tổ chức các hoạt động Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam và hưởng ứng Ngày Đại dương thế giới năm 2021 theo hướng tiết kiệm, hiệu quả, chú trọng vào các hoạt động thực tiễn có sức lan tỏa, ảnh hưởng mạnh mẽ đến nhận thức của cộng đồng.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Theo Báo TNMT

Bài viết liên quan