RẠCH GIÁ – ĐÔ THỊ GIẢM NHỰA SÁNG TẠO

Trong khuôn khổ Dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa tại Việt Nam”, Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF-Việt Nam) đã và đang phối hợp với UBND thành phố Rạch Giá triển khai dự án “Đô thị giảm nhựa tại thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang”. Đến nay, mô hình giảm nhựa, thu gom, phân loại, và xử lý rác thải nhựa tại Rạch Giá đã đạt được những kết quả khả quan.

Với sự hỗ trợ của WWF-Việt Nam, UBND thành phố Rạch Giá đã xây dựng và ban hành Kế hoạch số 152/KH-UBND ngày 16/9/2021 về việc hành động về quản lý chất thải nhựa và rác thải nhựa đến năm 2025 (sau đây gọi là “KHHĐ”), tập trung vào 04 nhiệm vụ chính:

  • Tuyên truyền, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, ứng xử với các sản phẩm nhựa và rác thải đại dương;
  • Thu gom, phân loại, vận chuyển và xử lý chất thải nhựa, rác thải nhựa đại dương từ các hoạt động ở khu vực đất liền; khu vực ven kênh và trên kênh; khu vực ven biển;
  • Ngăn ngừa, giảm thiểu rác thải nhựa thất thoát ra đại dương;
  • Tăng cường nghiên cứu, hợp tác trong quản lý rác thải nhựa đại dương.

Hàng loạt các hoạt động nằm trong khuôn khổ Dự án đã được triển khai trên địa bàn thành phố

“HÔ BIẾN” LỤC BÌNH THÀNH PHÂN BÓN HỮU CƠ

Được biết đến với công năng làm sạch và giảm ô nhiễm môi trường nước, lục bình được xem là loài cây có giá trị tốt trong hệ sinh thái. Tuy nhiên, do tình trạng phú dưỡng và lưu lượng nước thấp, lục bình phát triển nhanh chóng tại các lưu vực sông, kênh rạch, dẫn đến tình trạng lạm dụng sử dụng thuốc khai hoang để diệt lục bình, gây ô nhiễm môi trường.

Thay vì sử dụng hoá chất độc hại để loại bỏ lục bình, Dự án đã phối hợp cùng công ty TNHH Vòng Tay Tử Tế thử nghiệm giải pháp mới, tận dụng loài cây này làm phân bón hữu cơ giúp tạo độ ẩm và tơi xốp cho đất trồng. Ngoài ra, lục bình ủ vi sinh có thể được dùng làm thức ăn bổ sung cho gia cầm.

Mô hình xử lý lục bình làm phân hữu cơ

Mô hình xử lý lục bình làm phân hữu cơ

TẬN DỤNG BANNER CŨ LÀM TÚI XÁCH 

Nhằm mục đích tái sinh/tái sử dụng các sản phẩm nhựa đã qua sử dụng, biến rác thải nhựa thành đồ vật có ích, đồng thời tạo việc làm và tăng thu nhập cho nhóm đối tượng yếu thế, Dự án đã phối hợp cùng trường Khuyết Tật Tình Thương Mỹ Lâm Hòn Đất và doanh nghiệp xã hội Vòng Tay Tử Tế triển khai mô hình may túi, chậu trồng cây từ những banner/poster cũ được thu gom trên địa bàn thành phố Rạch Giá. Trong năm 2021 và 2022, hơn 2000 túi đi chợ, túi trồng cây và nhiều sản phẩm khác đã được sản xuất từ những banner cũ. Mô hình sáng tạo trên không chỉ góp phần giảm thiểu lượng rác nhựa khó phân huỷ từ banner/poster cũ thất thoát ngoài môi trường, tái sinh một vòng đới mới hữu ích cho đồ nhựa dùng một lần mà còn giúp hỗ trợ tạo sinh kế, thêm thu nhập cho nhóm yếu thế trong xã hội.

Mô hình may túi từ banners/posters cũ tại trường Mỹ Lâm

XÓA 05 ĐIỂM NÓNG VỀ RÁC THẢI NHỰA TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ

Để góp phần trực tiếp giảm lượng rác thải nhựa thất thoát ra môi trường, tạo cảnh quan xanh, sạch đẹp, Dự án đã phối hợp cùng các cơ quan chức năng của UBND thành phố Rạch Giá xóa 05 điểm nóng rác thải nhựa sau:

  1. Khu vực kênh T3 Lộ Liên Hương và đường Từ Dũ phường Vĩnh Quang, với hơn 40m3  rác;
  2. Chân cầu Rạch Sỏi và dọc theo bờ kè cầu Rạch Sỏi đến cuối đường Hồ Xuân Hương với hơn 100m3 rác. Đây là khu vực tồn đọng lượng lớn rác thải, đặc biệt là rác thải nhựa chưa được thu gom trong nhiều năm;
  3. Khu vực cuối đường Ngô Thị Tập và Phạm Ngọc Thạch với khoảng 30m3 rác thải được thu gom.
  4. Chân cầu và gầm cầu Rạch Sỏi thuộc phường An Bình, với khoảng 60m3 chất thải được thu gom xử lý.
  5. Eo biển đường Tôn Đức Thắng, đoạn Marina và Gió Biển với hơn 300m3 rác tồn đọng lâu năm.
  6. Chân cầu Vành Đai phường Vĩnh Hiệp với hơn 200m3 rác được thu gom.

 

Trước và sau khi xoá điểm nóng tại Vĩnh Quang

Trước và sau khi xoá điểm nóng tại Rạch Sỏi

 

Bài viết liên quan