Đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết về phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam

15/11/2022

Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam vừa có buổi tiếp và làm việc với phái đoàn làm việc của Ban Kinh tế Trung ương để báo cáo, rà soát, đánh giá tình hình thực hiện và đề xuất các giải pháp để thúc đẩy việc tổ chức thực hiện Nghị quyết 36-NQ/TW về Phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Nghị quyết số 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được thông qua ngày 22/10/2018 tại Hội nghị Trung ương 8 khoá XII (gọi tắt là NQ36). Nhằm cụ thể hoá các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp được nêu tại Nghị quyết số 36-NQ/TW thành các nhiệm vụ cụ thể, phân công trách nhiệm thực hiện cho các cơ quan liên quan, ngày 05/03/2020, Chính phủ đã thông qua Nghị quyết số 26/NQ-CP về Kế hoạch tổng thể và kế hoạch 5 năm của Chính phủ để thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW (gọi tắt là NQ26). Ngay sau khi NQ26 của Chính phủ được ban hành, Tổng cục Biển và Hải đảo đã chủ trì, tham mưu Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Kế hoạch hành động số 646-KH/BCSĐTNMT ngày 23/4/2020 về thực hiện NQ26. Đồng thời, chủ động, tích cực đôn đốc, tham gia, hướng dẫn các đơn vị trong bộ và các bộ, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện Nghị quyết. Theo đó, các cấp, các ngành và địa phương, đặc biệt là các địa phương có biển đã và đang tích cực xây dựng, triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch, đề án, dự án cụ thể thuộc trách nhiệm của bộ, ngành, địa phương mình.

Báo cáo tại buổi làm việc, các đại biểu đều thống nhất ý kiến cho rằng, việc thực hiện NQ36 và NQ26 gặp rất nhiều khó khăn thách thức. Đó là khó khăn về nguồn lực triển khai, đặc biệt là cho công tác điều tra cơ bản, xây dựng thông tin, cơ sở dữ liệu về tài nguyên môi trường biển và hải đảo; khó khăn trong công tác điều phối, tổ chức bộ máy. Hầu như các ngành, địa phương đều mới chỉ triển khai thực hiện từ góc độ của riêng ngành mình chứ chưa nhìn ở góc độ quản lý tổng hợp dẫn đến công tác từ thu thập số liệu, tổng hợp báo cáo đến phối hợp tổ chức triển khai đều gặp rất nhiều khó khăn.

Các đại diện của phái đoàn Ban Kinh tế Trung ương nhận diện đồng thời chia sẻ với những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện Nghị quyết do yêu cầu phối hợp đa ngành, đa lĩnh vực; những khó khăn về nguồn lực cũng như về tổ chức bộ máy thực hiện. Đại diện Ban Kinh tế Trung ương cho biết, sẵn sàng tham gia chỉ đạo, phối hợp cùng với Tổng cục Tổng cục Biển và Hải đảo trong việc tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành, trong việc tổ chức các hội nghị, hội thảo, diễn đàn có liên quan, trước mắt là việc tổ chức phiên họp đầu tiên của UBCĐQG; Diễn đàn phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam; Diễn đàn kinh tế biển xanh; Sơ kết, đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết 36-NQ/TW…

Hai bên cũng nhất trí tăng cường hơn nữa công tác phối hợp, chủ động phát huy vai trò các bên trong các hoạt động triển khai Nghị quyết, không những trong công tác theo dõi, kiểm tra, đôn đốc theo quy định về tổ chức thực hiện mà còn trong việc thống nhất cơ chế, trực tiếp trao đổi thông tin, rà soát, đánh giá để trên cơ sở đó Ban Kinh tế Trung ương tổng hợp báo cáo và có các kiến nghị kịp thời với Bộ Chính trị, Ban Bí thư nhằm hỗ trợ đẩy mạnh việc thực hiện Nghị quyết.

Bài viết liên quan