GIẢM THIỂU RÁC THẢI NHỰA NGÀNH THỦY SẢN – HƯỚNG TỚI NỀN KINH TẾ XANH

28/12/2021

Để bảo vệ môi trường biển, giảm thiểu rác thải nhựa trong ngành thủy sản, cần từng bước quản lý rác thải nhựa theo hướng tiếp cận từ đầu nguồn tới đại dương, kinh tế tuần hoàn và phát triển kinh tế xanh.

Thách thức môi trường lớn

Theo các chuyên gia, có nhiều nguyên nhân khiến biển Việt Nam đang đứng trước nguy cơ ô nhiễm nghiêm trọng; nguồn gây ô nhiễm chính là các nguồn thải trên đất liền và trên biển (bao gồm hoạt động vận tải trên biển, hoạt động khai thác đánh bắt thủy sản, sự cố thiên nhiên, chất thải trôi nổi trên biển và các hoạt động khác).

Phát biểu tại Diễn đàn quốc gia “Quản lý Rác thải nhựa đại dương: Hướng tới phát triển thủy sản bền vững”, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản Trần Đình Luân nhận định, rác thải nhựa đang là vấn nạn toàn cầu, tình trạng “ô nhiễm trắng” này được xem là thách thức môi trường lớn thứ hai thế giới, sau biến đổi khí hậu. Cùng với nhiều quốc gia trên thế giới, Việt Nam đang quyết tâm đẩy lùi vấn nạn ô nhiễm rác thải nhựa nói chung và rác thải nhựa đại dương nói riêng, hướng tới phát triển thủy sản bền vững.

Rác thải nhựa đang là vấn nạn toàn cầu, là thách thức môi trường lớn thứ hai thế giới, sau biến đổi khí hậu. (Ảnh: Diệp Bảo Tân, Báo Kinh tế môi trường)

Thông tin từ đại diện Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế cho biết, tổ chức này đã thực hiện một số hoạt động, dự án giám sát tình trạng rác thải nhựa trên bãi biển và trong rạn san hô từ năm 2019 đến năm 2021. Kết quả thực hiện giám sát cho thấy, các bãi biển thuộc các đảo ven bờ (có hoạt động du lịch) có số lượng và khối lượng rác thấp hơn đáng kể so với các bãi trên đảo xa bờ và trên đất liền. Một số khu vực nhận thấy sự suy giảm rác thải nhựa rõ rệt trong năm 2021 bao gồm các vùng biển như Nha Trang, Bái Tử Long, Núi Chúa, Lý Sơn, Cát Bà, Quảng Trị.

Rác thải nhựa phát sinh từ các hoạt động liên quan đến ngành thủy sản chiếm tỷ trọng lớn, đặc biệt trong năm 2021 (48,2%), trong đó phao xốp chiếm 60% số lượng rác nhựa từ thủy sản. Tại Quảng Ninh, khoảng 10 triệu phao xốp được sử dụng cho gần 5.500 ha mặt nước với trên 2.500 hộ nuôi trồng thủy sản của tỉnh. Ông Đỗ Đình Minh, Chi Cục trưởng Thủy sản Quảng Ninh cho biết “Trong quá trình sử dụng, nếu phao xốp bị hỏng người dân vứt bỏ xuống biển, hoặc quá trình sử dụng gặp bão gió dễ bị hỏng, tuột khỏi bè nuôi, trôi nổi trên mặt biển gây ảnh hưởng đến cảnh quan, ô nhiễm môi trường”.

Từng bước thay thế sử dụng nhựa trong ngành thủy sản

Trong quá trình sản xuất, ngành thuỷ sản cần sử dụng các vật liệu bằng nhựa. Rác thải nhựa trong quá trình sản xuất thuỷ sản cũng là một trong những nguồn thải ra biển và đại dương. Do vậy, rác thải nhựa từ ngành thủy sản cần phải được thu gom và có giải pháp tái chế, tái sử dụng như một dạng tài nguyên thiên nhiên.

Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản Trần Đình Luân cho biết Thủy sản là một ngành sản xuất sử dụng vật liệu nhựa, tạo ra rác thải nhựa, nhưng cũng chịu tác động bất lợi từ rác thải nhựa từ sinh hoạt và các lĩnh vực sản xuất khác khi các hoạt động này không được quản lý tốt.

Để bảo vệ môi trường biển, quản trị tốt rác thải nhựa đại dương, giảm thiểu rác thải nhựa trong sản xuất ngành thủy sản, cần từng bước quản lý rác thải nhựa đại dương theo tiếp cận từ đầu nguồn tới đại dương, kinh tế tuần hoàn và phát triển kinh tế xanh; Nâng cao ý thức, trách nhiệm xã hội của cộng đồng nông, ngư dân, các doanh nghiệp về rác thải nhựa. Đặc biệt, hàng triệu ngư dân ngày đêm bám biển sẽ là lực lượng nòng cốt trong việc thu gom, giảm thiểu rác thải đại dương – Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản nhấn mạnh.

Với việc sớm ban hành Kế hoạch hành động, ngành thủy sản được xem là một trong những ngành tiên phong, tạo được nền tảng cho các bên liên quan tham gia cùng hướng tới một mục tiêu chung. Đây là bước tiến quan trọng đánh dấu nỗ lực và sự chủ động của ngành thủy sản nhằm đưa ra các biện pháp quản lý rác thải nhựa, góp phần giảm ô nhiễm nhựa tại Việt Nam.

Bài viết liên quan