PV: Là một nhà khoa học đã có hơn 30 năm nghiên cứu về vấn đề môi trường, biến đổi khí hậu, phát triển bền vững, các vấn đề về nước, nông nghiệp, năng lượng, an toàn thực phẩm và tham gia tích cực vào một số hoạt động kinh tế biển, ông nhận định thế nào về những thách thức của Việt Nam khi muốn phát triển nền kinh tế Việt Nam bền vững, xứng với tiềm năng?
GS,TS. Nguyễn Hữu Ninh:
Có thể nói, Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được Hội nghị Lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) ban hành đã chỉ rõ những thách thức đặt ra khi chúng ra chỉ chú trọng vào khai thác trong suốt thời gian dài trước đó. Nghị quyết cũng khẳng định ý nghĩa chiến lược sống còn và đường lối phát triển kinh tế biển của nước ta trong thế kỷ này. Điều này đã được Đại hội Đảng lần thứ XIII vừa qua khẳng định. Song, chiến lược cần được cụ thể hóa bằng chính sách thích hợp, vì vậy, Quốc hội Khóa XV cần có thêm nhiều đại biểu của giới khoa học và công nghệ về biển nhằm góp phần cụ thể hóa chiến lược này để đạt được những mục tiêu mà Nghị quyết đề ra.
GS,TS. Nguyễn Hữu Ninh |
Bên cạnh đó, tôi cho rằng, nhận thức phải song hành với hành động, mà hành động của chúng ta còn khá chậm và chưa rõ nét nên môi trường biển vẫn phải hứng chịu ô nhiễm nặng nề. Tôi phải vào nhiều vai: nhà khoa học, nhà vận động, tuyên truyền viên, thậm chí như một nhà báo để lan tỏa thông điệp của mình trên các phương tiện thông tin đại chúng về thực tế môi trường. Tôi muốn nhấn mạnh ý nghĩa xã hội, tấm lòng vì nhân loại, tính ứng dụng của công trình nghiên cứu biến đổi khí hậu, khoa học biển… phải được đặt lên hàng đầu.
Trước đây, người ta cho rằng, đại dương rất rộng và sâu nên những tác động của việc xả thải xuống biển sẽ chỉ gây hậu quả rất nhỏ. Nhưng điều này đã được chứng minh là không đúng. Cả bốn đại dương đều phải gánh chịu những hậu quả từ con người trong hàng nghìn năm nay, tốc độ tàn phá đại dương đã tăng mạnh trong vài thập kỷ gần đây.
Cuộc sống của đại dương đang “hấp hối” và hậu quả là toàn bộ hệ sinh thái biển đang bị đe dọa chỉ đơn giản bởi các nguồn ô nhiễm bên cạnh sự nóng lên toàn cầu. Đến nay, ô nhiễm môi trường biển và đại dương đang được báo động đỏ, bởi tình trạng ô nhiễm nguồn nước thải ra biển đang tiến triển rất nhanh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự sống dưới biển, bên cạnh việc xả rác, chất thải rắn, thì còn có hiện tượng rò rỉ dầu hay các sự cố tràn dầu của các tàu thuyền chiếm 50% nguyên nhân gây ra ô nhiễm biển. Đó chính là những rào cản, những thách thức to lớn để nền kinh tế biển có thể chuyển từ “nâu sang xanh lam”.
PV: Được biết, ông là nhà khoa học dành nhiều tình yêu với sự nghiệp phát triển kinh tế biển và đang là thành viên của Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam. Ở góc độ này, ông có ý tưởng gì để đóng góp gì cho sự nghiệp phát triển kinh tế biển?
GS,TS. Nguyễn Hữu Ninh:
Là một nước hẹp và chạy dài ven biển với 3.200 km với hai đồng bằng phì nhiêu là Sông Hồng và Cửu Long nên thực chất Việt Nam là một nước phụ thuộc vào sự phát triển nền kinh tế biển đúng như tinh thần Nghị quyết 36/NQ-TW. Với gần 1 triệu cây số vuông mặt biển là vùng kinh tế thuộc thềm lục địa của mình theo Công ước Quốc tế về Luật Biển của Liên Hợp Quốc, tiềm năng phát triển của nền kinh tế biển là vô cùng to lớn. Việc phát triển canh tác biển hay nói nôm na là nuôi biển ở quy mô công nghiệp, hoàn toàn trong tầm tay của các doanh nghiệp và ngư dân Việt Nam cả về công nghệ và kỹ thuật. Đồng hành với nó là sự phát triển công nghệ đóng tàu, logistic, du lịch sinh thái – văn hóa biển,…
Chiến lược phát triển kinh tế biển là nhiệm vụ của quốc gia, gồm tất cả các Bộ, ngành liên quan. |
Là Hội viên Danh dự của Hiệp Hội, tôi luôn cùng các đồng nghiệp thúc đẩy và mong muốn Việt Nam sớm có ngành công nghiệp nuôi biển, bởi việc phát triển nuôi biển cùng một lúc giải quyết được nhiều vấn đề then chốt, mang lại nguồn cung cấp lớn về thực phẩm chất lượng cao, tăng cường hấp thụ CO2 trong nước biển, góp phần giảm thiểu hiệu ứng nhà kính cho trái đất, bảo vệ môi trường nước biển… Đặc biệt trong tình trạng biến đổi khí hậu đang xảy ra tại Việt Nam tác động tiêu cực đến xói lở bờ biển, xâm nhập mặn sâu vào đất liền…, phát triển nuôi biển là phương thức thực tiễn chủ động và bền vững nhất để có thể gia tăng sản lượng hải sản, cung cấp cho công nghiệp chế biến xuất khẩu và tiêu thụ nội địa, tiếp tục phát triển kinh tế cho đất nước thay vì không trồng trọt được cây lương thực và cây ăn trái trên các diện tích đất nhiễm mặn.
PV: Quản lý tổng hợp, thống nhất biển đảo đã được Việt Nam áp dụng lâu nay, song dường như vẫn chưa đủ “sức mạnh” để bật dậy một nền kinh tế được đánh giá là “nguồn sống” của nhân loại trong kỷ nguyên này, theo ông, chúng ta cần phải làm gì để khơi dậy sức mạnh này?
GS,TS. Nguyễn Hữu Ninh:
Tôi cho rằng, để có thể quản lý và điều phối tốt việc phát triển nuôi biển đồng hành cùng các ngành kinh tế liên quan khác, chúng ta cần có một cơ chế làm việc thống nhất từ Trung ương đến địa phương, cũng như sự kết hợp hài hòa giữa các ngành kinh tế. Thực chất chiến lược phát triển kinh tế biển là nhiệm vụ của quốc gia, gồm tất cả các Bộ, ngành liên quan. Nó cũng là nhiệm vụ của cả 63 tỉnh/thành phố, không dừng lại tại 28 tỉnh/thành phố duyên hải.
Vì vậy, một nhu cầu cấp thiết đặt ra là nước ta cần có một cơ quan riêng, Bộ Kinh tế biển riêng, trực tiếp quản lý tất cả các công việc liên quan đến biển để tránh trường hợp như hiện nay, các Bộ, ngành quản lý khác nhau chồng chéo nhiệm vụ trong vấn đề kinh tế biển trong phạm vi Bộ mình quản lý dẫn tới lãng phí nguồn nhân lực, vật lực của đất nước, đồng thời không phát huy được hết tiềm năng của các doanh nghiệp và nhân dân trong việc phát triển nền kinh tế biển mà hiện nay rất nhiều khúc mắc, mâu thuẫn trong quản lý ở cả cấp Trung ương và địa phương chưa giải quyết được.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
Theo Báo TNMT