Hỗ trợ hoàn thiện chính sách về kinh tế tuần hoàn đối với ngành nhựa và bao bì

13/01/2022

Với quan điểm và mục tiêu tiếp cận các giải pháp hệ thống và toàn diện nhằm quản lý hiệu quả vòng đời sản phẩm nhựa và bao bì, WWF-Việt Nam và Chương trình đối tác hành động quốc gia về nhựa tại Việt Nam (Chương trình NPAP) phối hợp với Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường (Viện CLCSTN&MT) đã tiến hành các hoạt động nghiên cứu, hệ thống hóa các luận cứ và kinh nghiệm quốc tế nhằm góp phần thúc đẩy phát triển chính sách kinh tế tuần hoàn (KTTH) tại Việt Nam. Hoạt động hợp tác đã đạt được các kết quả hữu ích, hỗ trợ các nhà hoạch định chính sách trong việc hoàn thiện nội dung về KTTH, đặc biệt đối với nhựa và bao bì, trong dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 (Luật BVMT năm 2020), bao gồm các thành tố liên quan đến các tiêu chí, chỉ tiêu và cơ chế khuyến khích áp dụng mô hình KTTH, khung Kế hoạch hành động về KTTH đối với lĩnh vực nhựa và bao bì tại Việt Nam.

Trên cơ sở xác định lĩnh vực nhựa là một trong những ưu tiên của Việt Nam trong thực hiện KTTH, WWF-Việt Nam, trong khuôn khổ Dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam” do WWF-Đức tài trợ, và Chương trình NPAP đã hỗ trợ Viện CLCSTN&MT, đầu mối được Bộ TN&MT giao xây dựng nội dung KTTH đối với nhựa và bao bì ở Việt Nam trong Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường 2020 và trong Kế hoạch thực hiện KTTH ở Việt Nam giai đoạn 2021 – 2030. Hoạt động hợp tác và hỗ trợ được triển khai trong năm 2021 thông qua việc huy động các chuyên gia, tư vấn trong và ngoài nước để chia sẻ kinh nghiệm quốc tế, kiến thức chuyên môn, hệ thống hóa lại luận cứ về KTTH, qua đó đề xuất các tiêu chí, lộ trình và cơ chế khuyến khích áp dụng KTTH, đặc biệt đối với lĩnh vực nhựa và bao bì phù hợp với điều kiện và các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội, môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu của Việt Nam.

Các khuyến nghị cho việc xây dựng các tiêu chí KTTH đã được phát triển bám sát 3 trụ cột chính, bao gồm: (1) thiết kế, kéo dài vòng đời sản phẩm và thời gian lưu giữ vật chất trong nền kinh tế; (2) giảm lượng chất thải phát sinh, giảm thiểu ô nhiễm, giảm phát thải khí nhà kính; (3) tái tạo và khôi phục hệ sinh thái tự nhiên. Khuyến nghị cũng bao gồm sự cần thiết  phát triển một thị trường cho các hoạt động và sản phẩm, dịch vụ tuần hoàn; điều này cần cân nhắc lồng ghép trong quá trình xây dựng lộ trình thực hiện KTTH ở các mốc 2025, 2030, 2045. Hơn thế, nhằm khuyến khích cá nhân, tổ chức thực hiện KTTH, một trong các cơ chế ưu tiên có thể xem xét là cơ chế ưu tiên về thuế, phí, lệ phí, vốn đầu tư.

Ảnh: Các mục tiêu của Kinh tế tuần hoàn (Nguồn: UNIDO, 2017. Circular economy. Vienna, Austria)

Trên cơ sở tham chiếu kinh nghiệm quốc tế và quy định pháp luật, văn bản quản lý điều hành tại Việt Nam, 01 bộ tiêu chí gồm 27 tiêu chí cụ thể cũng như cơ chế khuyến khích và lộ trình ưu tiên áp dụng mô hình KTTH đối với nhựa và bao bì ở Việt Nam cũng đã được đề xuất. Các tiêu chí khung bao gồm: (1) Giảm khai thác, sử dụng nhiên liệu hóa thạch, rừng tự nhiên, nước; tăng hiệu quả sử dụng tài nguyên, nguyên liệu thô, vật liệu; tiết kiệm năng lượng; (2) Kéo dài thời gian sử dụng vật liệu, thiết bị, sản phẩm, hàng hóa, các linh kiện, cấu kiện; (3) Hạn chế chất thải phát sinh và giảm tác động xấu đến môi trường.

Trong khuôn khổ hoạt động của chương trình hợp tác, các hoạt động tham vấn chuyên gia đã được triển khai thường xuyên nhằm trao đổi, chia sẻ thông tin và kinh nghiệm thực tiễn trong nước và quốc tế, giúp hoàn thiện các quy định pháp lý và tiến tới xây dựng các kế hoạch triển khai, tiêu chí phù hợp với bối cảnh và điều kiện của Việt Nam trong công cuộc chuyển đổi nền kinh tế tuyến tính sang nền KTTH. Nổi bật trong các hoạt động tham vấn chuyên gia này là Đối thoại chính sách và tham vấn Dự thảo Nghị định về KTTH: tiêu chí, lộ trình và cơ chế khuyến khích cho lĩnh vực nhựa và bao bì, đồng tổ chức bởi Viện CLCSTN&MT, WWF-Việt Nam và Chương trình NPAP ngày 24/9/2021. Sự kiện đã thu hút sự tham dự của đông đảo đại biểu từ các đại sứ quán, các doanh nghiệp, Hiệp hội doanh nghiệp, cùng các chuyên gia, nhà khoa học từ các trường Đại học, viện nghiên cứu và các tổ chức quốc tế có quan tâm.

Tại Việt Nam, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã đưa ra quan điểm “KTTH là mô hình kinh tế trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất, tiêu dùng và dịch vụ nhằm giảm khai thác nguyên liệu, vật liệu, kéo dài vòng đời sản phẩm, hạn chế chất thải phát sinh và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường”. Quan điểm này cũng thống nhất với các khái niệm khác trên thế giới trong khía cạnh xây dựng một nền kinh tế dựa vào tiếp cận giảm thiểu tối đa khai thác tài nguyên thiên nhiên, thay vào đó chất thải được sử dụng làm đầu vào cho sản xuất và tiêu dùng nhiều lần, kéo dài tuổi thọ vật chất trong nền kinh tế và không phát thải ra môi trường, hướng đến mục tiêu phát thải bằng không dựa trên lợi ích kinh tế mang lại.

Ảnh: Rác nhựa tại đảo Thilafushi – bãi rác chính của Maldives.

WWF-Việt Nam và Chương trình NPAP, với quan điểm phát triển KTTH là giải pháp chủ chốt để giải quyết và loại bỏ ô nhiễm nhựa một cách toàn diện, sẽ tiếp tục hợp tác, hỗ trợ và chia sẻ các giải pháp thực hiện KTTH và kiến nghị tăng cường thực thi tới cơ quan soạn thảo, các đơn vị xây dựng chính sách thuộc Bộ TN&MT nhằm góp phần thực thi hiệu quả nền KTTH . Việc ban hành chính sách tiếp cận xu thế chung của thế giới về các giải pháp thực hiện KTTH này sẽ là một cột mốc quan trọng trong các hợp tác trong thời gian tiếp theo trong việc xây dựng các văn bản hướng dẫn, kế hoạch hành động để áp dụng chính sách KTTH hiệu quả tại Việt Nam.

Mọi thông tin chi tiết, vui lòng liên hệ Ông Phạm Mạnh Hoài – Quản lý Chương trình Đối tác và Chính sách Nhựa: hoai.phammanh@wwf.org.vn hoặc Bà Trịnh Thái Hà – Giám đốc Chương trình Đối tác Hành động Quốc gia về Nhựa tại Việt Nam: ha.trinhthai@wwf.org.vn.

Bài viết liên quan