Hội nghị “Mô hình, giải pháp quản lý chất thải rắn sinh hoạt và giảm chất thải nhựa tại các đô thị”

22/03/2024

Tham dự Hội nghị có Ông Nguyễn Đức Toàn – Cục trưởng Cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Ông Tạ Đình Thi – Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội và hơn 100 đại biểu tham gia trực tiếp, hơn 50 đại biểu tham gia trực tuyến từ Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên; các cơ quan trung ương; Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố trên cả nước.

Hội nghị “Mô hình, giải pháp quản lý chất thải rắn sinh hoạt và giảm chất thải nhựa tại các đô thị” tổ chức tại Hà Nội ngày 4/11/2023.

Phát biểu khai mạc tại Hội nghị, Cục trưởng Nguyễn Đức Toàn cho biết: Thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong nỗ lực chung nhằm ngăn chặn ô nhiễm nhựa đại dương, Chính phủ, các cơ quan quản lý Nhà nước ở Trung ương và chính quyền địa phương đã phối hợp cùng với các tổ chức trong và ngoài nước thực hiện nhiều giải pháp thông qua các dự án, các chương trình hành động cụ thể. Chương trình Đô thị Giảm nhựa đã được triển khai tại Việt Nam từ năm 2018 nhằm thúc đẩy sáng kiến Mô hình Đô thị Giảm nhựa (PSC) – một sáng kiến toàn cầu của Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF). Đến nay đã có 10 địa phương của Việt Nam đã ký cam kết với WWF để cải thiện công tác quản lý, thu gom và phân loại chất thải rắn sinh hoạt, giảm thiểu chất thải nhựa theo mô hình PSC. Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về biển và hải đảo, đồng thời là Chủ dự án, chúng tôi ghi nhận và tri ân các địa phương đã tham gia và triển khai hiệu quả chương trình Đô thị giảm nhựa. Các hoạt động của Dự án trong thời gian qua chính là những đóng góp hiệu quả, thiết thực cho việc triển khai Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; Kế hoạch hành động quốc gia về giảm thiểu rác thải nhựa đại dương và Đề án Việt Nam chủ động chuẩn bị và tham gia xây dựng Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa đại dương. Thoả thuận toàn cầu này mang tính ràng buộc về mặt pháp lý về ô nhiễm nhựa. Sắp tới Việt Nam sẽ cử đại diện tham dự Kỳ họp thứ Ba của Ủy ban đàm phán liên Chính phủ nhằm bàn bạc các vấn đề liên quan đến Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa.

Tại Hội nghị, các đại biểu tham gia đã đóng góp những chia sẻ và thảo luận về kinh nghiệm của các địa phương trong việc triển khai quản lý chất thải rắn sinh hoạt và rác thải nhựa. Trong đó, vai trò nòng cốt của các đô thị được đánh giá như là một giải pháp hiệu quả nhằm làm giảm ô nhiễm nhựa tại Việt Nam. Sự chủ động và hành động quyết liệt của các địa phương trong việc xây dựng các mô hình quản lý rác nhựa ở cấp địa phương không chỉ giúp tạo ra môi trường trong sạch cho người dân, giảm ảnh hưởng đến các ngành kinh tế như du lịch, giao thông, thuỷ sản, v.v., mà còn góp phần quan trọng vào quá trình xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội bền vững tại địa phương, hiện thực hóa các kết quả và mục tiêu quốc gia đã đề ra. Thông qua Hội nghị “Mô hình, giải pháp quản lý chất thải rắn sinh hoạt và giảm chất thải nhựa tại các đô thị”, các cơ quan quản lý Trung ương và địa phương, các Tổ chức quốc tế đã có cơ hội cùng thảo luận về sự cần thiết trong việc phối hợp đồng bộ nhằm triển khai các kế hoạch và hoạt động quản lý chất thải rắn sinh hoạt nói chung, chất thải nhựa nói riêng một cách hiệu quả và tiếp cận theo xu hướng chung của thế giới.

Bài viết liên quan