Mô hình ‘Trường học giảm nhựa’ tại Phú Quốc có gì đặc biệt ?

Từ 2/12/2022 đến nay, huyện đảo Phú Quốc đã kết hợp cùng Dự án triển khai mô hình “ Trường học giảm rác thải nhựa” với những bước tiến trông thấy. Đây là nỗ lực chính quyền địa phương, Dự án, nhằm góp phần cải thiện tình trạng ô nhiễm trên đảo, hình thành nhân cách, ý thức cho các em học sinh ngay từ còn trên ghế nhà trường

Theo WWF – Việt Nam, Phú Quốc đang phải đối mặt với những thách thức lớn trong công tác bảo vệ môi trường, đặc biệt trong lĩnh vực quản lý chất thải rắn sinh hoạt nói chung và rác thải nhựa nói riêng. 

Nhằm nâng cao nhận thức của các bạn học sinh trong việc nói không và giảm thiểu rác nhựa trong trường học hiệu quả thiết thực, ngày 2/12/2022, Dự án phối hợp với Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Nguyễn Trung Trực triển khai mô hình “Trường học không rác thải nhựa” tại Phú Quốc.

Các hoạt động được triển khai tại điểm trường TH-THCS Nguyễn Trung Trực với các nội dung như: Phân loại rác thải tại nguồn với 5 điểm tập kết rác cố định tại sân trường cũng như trang bị thùng rác tái chế tại tất cả lớp học; hoạt động ngoại khóa rèn luyện kỹ năng về phân loại rác cũng như bảo vệ môi trường trong trường học; các cuộc thi, trò chơi, thi vẽ tranh áp phích, vẽ tranh tập thể lớn giúp các em học sinh được tìm hiểu về sự cần thiết của việc thay đổi thói quen, thực hành phân loại, tái chế rác để rác thải được trở thành tài nguyên hữu ích.

Mô hình “ Trường học không rác thải nhựa” tại TH-THCS Nguyễn Trung Trực đã có những kết quả tích cực, nhận thức về tác hại và hành động hạn chế sử dụng chất thải nhựa, phân loại rác, thu gom rác thải nhựa trong các trường học và trong chính mỗi học sinh, cán bộ giáo viên đã được nâng lên rõ rệt. Điển hình như, trong năm học 2022-2023, đã cắt giảm 95% lượng rác thải nhựa từ văn phòng và 39% lượng rác thải nhựa từ hoạt động ăn uống trong trường học. Trong đó, bao gói thực phẩm, dụng cụ ăn uống bằng nhựa dùng 1 lần như ống hút, túi nilon đã được giảm thiểu đáng kể. Cũng theo kết quả khảo sát cuối chương trình, 90% học sinh đã thực hành phân loại rác tại trường, 83,7% thực hành biện pháp giảm nhựa; tăng lần lượt 46,3% và 40% so với khảo sát đầu chương trình.

Ông Nguyễn Anh Khoa, Đại diện Trường TH-THCS Nguyễn Trung Trực cho biết: “Khi thực hiện mô hình này, chúng tôi nhận thấy rõ sự thay đổi tích cực tại nhà trường. Các học sinh, cũng như các thầy cô giáo đã có những nhận thức sâu hơn về nguy hại của rác thải nhựa cũng như sử dụng đồ nhựa một cách an toàn, từ đó tiên phong thay đổi hành vi. Bên cạnh đó, đây sẽ là động lực để các thầy cô giáo chủ động hơn trong việc tích hợp, lồng ghép và giáo dục cho các em học sinh trong các bài học chính khoá, còn các em học sinh thì trở thành những tuyên truyền viên nhí trong nhà trường, gia đình của các em về các thực hành phân loại rác và giảm nhựa.”

Bà Nguyễn Mỹ Quỳnh, Quản lý dự án, WWF-Việt Nam cho biết: “Với sự hỗ trợ nguồn lực từ Dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam, mô hình trường học giảm nhựa lần đầu tiên thí điểm tại Phú Quốc ở trường TH-THCS Nguyễn Trung Trực đã đạt được những thành tích đáng ghi nhận nhờ sự quyết tâm cao và nỗ lực thay đổi từ tập thể nhà trường. Chúng tôi hy vọng, những câu chuyện thành công, bài học kinh nghiệm buổi của nhà trường sẽ là động lực để mô hình này được lan tỏa đến nhiều trường học hơn nữa tại Phú Quốc nói riêng và Việt Nam nói chung.” 

Nhờ vào những bước tiến cụ thể tại thí điểm TH-THCS Nguyễn Trung Trực, phong trào “Trường học không có rác thải nhựa” trong các nhà trường trên địa bàn Phú Quốc đang được nhân rộng và lan tỏa. Bảo vệ môi trường không chỉ là trách nhiệm của riêng cá nhân nào mà đó là trách nhiệm chung của toàn xã hội, ngay cả những học sinh còn ngồi trên ghế nhà trường, những hành động nhỏ nhưng thiết thực và ý nghĩa của các em sẽ góp phần gìn giữ và bảo vệ môi trường huyện đảo Phú Quốc ngày càng xanh sạch, đẹp.

 

Bài viết liên quan