TƯNG BỪNG CÁC HOẠT ĐỘNG NGOẠI KHÓA “GIẢM THIỂU RÁC NHỰA TẠI TRƯỜNG HỌC” TẠI ĐÀ NẴNG VÀ PHÚ QUỐC

Nhằm nâng cao nhận thức của các bạn học sinh trong việc nói không và giảm thiểu rác nhựa trong trường học hiệu quả thiết thực Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam phối hợp cùng Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên – WWF và Thành đoàn Đà Nẵng, Quận đoàn Thanh Khê cũng như TH-THCS Nguyễn Trung Trực (TP.Phú Quốc) triển khai chuỗi hoạt động ngoại khóa “Giảm thiểu rác nhựa tại trường học” năm 2022.

 

Trong trường học rác thải nhựa đã và đang là một vấn đề nan giải với nhiều loại rác xâm nhập vào các cơ sở trường học như: ống hút nhựa, hộp xốp dùng một lần, đồ uống đóng chai, kẹo cao su, túi nilon, … có những tiện lợi nhất định, nhưng lại tạo ra một lượng rác thải không nhỏ. Để hạn chế tình trạng này, nhiều năm qua tổ chức WWF đã phối hợp với phòng Giáo dục – Đào tạo và các trường học tại các địa bàn một số tỉnh triển khai các hoạt động về rác nhựa tới giáo viên và học sinh.

 

TĂNG CƯỜNG GIÁO DỤC VỀ GIẢM TẢI RÁC THẢI NHỰA TẠI TRƯỜNG HỌC TRÊN ĐỊA BÀN QUẬN THANH KHÊ

Chuỗi hoạt động do Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, Tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên – WWF và Thành đoàn Đà Nẵng, Quận đoàn Thanh Khê cùng các đơn vị liên quan tổ chức, kéo dài trong 9 ngày (2-10/12/2022); với sự tham gia điều phối tổ chức bởi CLB Liên Kết Trẻ Việt Nam và CLB Môi trường – Đại học Bách Khoa Đà Nẵng. Chuỗi hoạt động gồm: tuyên truyền hình ảnh, thông điệp trong hoạt động ngoại khóa tại các trường học, trao tặng các thùng rác…

Ảnh: Tạp chí Biển Việt Nam

 

Đại diện WWF, ông Tạ Anh Tuấn cho biết: “Hệ sinh thái biển toàn cầu đang đứng trước mối đe dọa liên quan đến rác thải nhựa, xuất phát từ những vật dụng tiện lợi, rẻ tiền gắn chặt với đời sống nhân loại nhiều năm qua. Đặc biệt, rác thải nhựa đại dương không chỉ gây ô nhiễm môi trường, tăng phát thải khí nhà kính, thúc đẩy gia tăng tác động tiêu cực đến biến đổi khí hậu, mà còn đe dọa sự sống của những sinh vật biển, hay sâu xa hơn là sức khỏe con người. Rác thải nhựa khó phân hủy, nằm lại dưới đáy đại dương, trở thành một phần thức ăn đầu độc các loài sinh vật biển”.

Cũng tại chương trình ngoại khóa, PGS, TS Đinh Thị Phương Anh chia sẻ: “Việc Tổ chức WWF đầu tư tuyên truyền vào các trường học là một trong những hướng đi tích cực, hiệu quả, mang lại cách nhìn, hướng đến môi trường sống xanh, sạch và an toàn cho rất nhiều thế hệ tiếp theo. Thông điệp của chúng ta là: hãy bắt đầu ngay việc bảo vệ và giữ gìn môi trường không rác thải nhựa. Chúng ta nói không với sản phẩm tái chế từ nhựa…”.

 

“TRƯỜNG HỌC GIẢM NHỰA” ĐẦU TIÊN TẠI PHÚ QUỐC

 

Sáng 4/12, trường TH-THCS Nguyễn Trung Trực (TP.Phú Quốc) phối hợp cùng Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF-Việt Nam) đã tổ chức Lễ phát động mô hình “trường học giảm nhựa”.

Ảnh: Trường TH&THCS Nguyễn Trung Trực

 

Đây là trường học đầu tiên ở Phú Quốc được tổ chức triển khai mô hình này. Tham gia lễ phát động có đại diện Phòng GD-ĐT Phú Quốc, đại diện WWF-Việt Nam cùng với toàn bộ các thầy cô giáo và hơn 700 học sinh của trường.

Thông qua các trò chơi, cuộc thi vẽ tranh áp phích, vẽ tranh tập thể lớn, các em học sinh được cùng nhau tìm hiểu về sự cần thiết của việc thay đổi thói quen, thực hành phân loại, tái chế rác để rác thải được trở thành tài nguyên hữu ích.

Ảnh: Trường TH&THCS Nguyễn Trung Trực

 

Sự kiện đã bước đầu cung cấp kiến thức đa chiều về nhựa dùng một lần, rác thải nhựa; giới thiệu kết quả kiểm toán rác thải của nhà trường cũng như giới thiệu mô hình trường học giảm nhựa đến với học sinh, nhằm thúc đẩy các em tham gia hưởng ứng và chung tay xây dựng trường học giảm nhựa.

Theo WWF – Việt Nam, mô hình “trường học giảm nhựa” là một chương trình giáo dục thực hành nhằm trang bị cho học sinh các kiến thức về rác thải nhựa thông qua các chương trình truyền thông, hoạt động ngoại khóa, kết hợp với việc đề ra các quy định, các chương trình hành động nhằm quản lý rác thải và giảm rác nhựa hiệu quả trong trường học.

Bà Nguyễn Mỹ Quỳnh, đại diện WWF-Việt Nam mong rằng mô hình “trường học giảm nhựa” lần đầu tiên thí điểm tại Phú Quốc sẽ đạt mục tiêu 100% rác thải được phân loại, 100% các loại rác tái chế được chuyển giao cho các đơn vị tái chế. Ngoài ra kết hợp với các chương trình giáo dục nâng cao nhận thức và các chương trình thi đua, góp phần cung cấp cho các em học sinh một cái nhìn toàn vẹn về rác thải mà cụ thể là rác thải nhựa và tác hại của nhựa dùng một lần, để các em hiểu hơn và chủ động thực hành những thói quen giảm ô nhiễm nhựa.

Bài viết liên quan