Mở rộng mô hình ngư dân mang rác về bờ tại TP. Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình

Ô nhiễm rác thải nhựa là vấn nạn, thách thức lớn của hầu hết các quốc gia có biển trong đó có Việt Nam. Sự bùng phát của rác thải biển là quá trình được tích lũy lâu dài, tràn lan theo sự tiện lợi của hoạt động sống con người “nhanh, gọn, nhẹ”. Không khó để bắt gặp những hình ảnh xấu xí khi người dân vô tư đổ rác xuống sông, xuống biển. Chính vì vậy, công tác tuyên truyền cho ngư dân ven biển và các chủ tàu khai thác hải sản nhận thức được tác hại của rác thải nhựa ảnh hưởng đến vi sinh vật đại dương và làm ô nhiễm tài nguyên biển là vô cùng cấp thiết và quan trọng.

Quảng Bình là tỉnh có nhiều lợi thế về biển với chiều dài bờ biển hơn 112 km. Hiện Quảng Bình có gần 7.800 tàu đánh bắt hải sản, trong đó có hơn 1.500 tàu khai thác xa bờ. Điều này đồng nghĩa với việc các đồ dùng bằng nhựa để bảo quản lương thực, thực phẩm cho các chuyến ra khơi của ngư dân là rất lớn và hầu như bị thả xuống biển sau khi sử dụng do ý thức từ thuyền viên chưa cao, các thuyền chưa trang bị dụng cụ đựng rác và việc xử lý rác cũng phức tạp.

Trong khuôn khổ Dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam”, mô hình “Nâng cao nhận thức cho cộng đồng về giảm thiểu rác thải nhựa, thu gom rác vào bờ và bảo vệ môi trường” đã được triển khai từ năm 2021 tại xã Bảo Ninh, Quang Phú và phường Hải Thành, TP. Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình nhằm góp phần giảm thiểu rác thải nhựa, bảo vệ môi trường và giữ gìn đa dạng sinh học biển. Đây là 3 địa bàn tiếp giáp với bờ biển với đa số người dân tham gia nghề đánh bắt hải sản và có nhiều cơ sở đánh bắt, chế biến thủy hải sản.

Bên cạnh các hoạt động truyền thông, mô hình đã tổ chức các buổi tập huấn đan túi lưới cho chị em phụ nữ và nông dân các địa phương. Tại đây, các học viên được hướng dẫn kỹ thuật đan túi lưới đựng rác trên tàu thuyền và túi lưới dùng để đi chợ. Nguyên liệu để đan những túi lưới này chính là những tấm lưới đánh cá đã qua sử dụng, thay vì vứt bỏ xuống biển, những tấm lưới đánh cá đã hư hỏng được ngư dân đem về bờ và đan thành túi đựng rác, túi đi chợ.

Hình ảnh: Ngư dân xã Bảo Ninh, TP. Đồng Hới đem rác thải vào bờ

Sau ba giai đoạn thực hiện mô hình ngư dân đưa rác về bờ tại xã Bảo Ninh, xã Quang Phú và phường Hải Thành, đã có 400 thuyền ký cam kết và thực hiện đưa rác về bờ. Trong quý 1/2024, UBND ba phường/xã nêu trên đã chủ động đề nghị phối hợp với Dự án để tiếp tục thực hiện các buổi truyền thông giảm nhựa và vận động thêm 200 thuyền còn lại trên địa bàn tham gia vào mô hình, phấn đấu trong quý 2/2024 sẽ đạt 100% tàu thuyền trên địa bàn 3 phường/xã cam kết và thực hành đưa rác về bờ.

Để thực hiện được mục tiêu trên, ngay từ quý 1/2024, các phường/xã đã chủ động thực hiện:

– Truyền thông lồng ghép giảm nhựa trong các hoạt động của Hội Phụ nữ và Hội Nông dân, tiếp cận đến hơn 400 người.

– Giám sát và ghi nhận việc đưa rác về bờ của 400 tàu thuyền đã ký cam kết, mỗi tháng thu gom được khoảng 1.000kg rác tái chế và 850kg rác còn lại.

Hình ảnh: Ngư dân đan lưới mới để thu gom rác thải nhựa sau mỗi chuyến đi biển

Trong quý 2/2024, xã Bảo Ninh tiếp tục lồng ghép tuyên truyền giảm nhựa, đưa rác về bờ kết hợp với tuyên truyền nội dung cấm các hoạt động đánh bắt bất hợp pháp, không có báo cáo và không được quản lý (theo quy định IUU), quyết tâm phấn đấu vận động hơn 100 tàu còn lại nhằm đảm bảo đủ 100% tàu thuyền trên địa bàn xã tham gia mô hình. Từ khi triển khai mô hình, người dân tại 3 phường/xã nêu trên đã có ý thức hơn rất nhiều về việc đưa rác về bờ. Vì vậy mà bãi biển được sạch sẽ an toàn hơn. Đây là một việc làm vô cùng ý nghĩa nhằm bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên, đồng thời cũng là bảo vệ sức khỏe cho chính người dân vùng biển./.

Bài viết liên quan