Ngày 29 tháng 3 năm 2024, Dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam” đã phối hợp với UBND thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang tổ chức Hội nghị tổng kết việc triển khai kế hoạch hành động giảm thiểu rác thải nhựa năm 2023 và triển khai kế hoạch năm 2024 trên địa bàn thành phố. Tham dự Hội nghị có đại diện của UBND các phường/xã, các phòng ban của thành phố, Sở Tài nguyên và Môi trường và đại diện Dự án.
Năm 2023, với sự hỗ trợ của Dự án, công tác bảo vệ môi trường nói chung, giảm thiểu rác thải nhựa nói riêng ngày càng được cải thiện, nhận thức của người dân, cán bộ, học sinh, sinh viên được nâng cao. Nhiều hoạt động truyền thông, nhiều mô hình hay trong việc giảm rác thải nhựa, phân loại rác tại nguồn, xử lý rác hữu cơ đã được triển khai sâu rộng trên toàn địa bàn thành phố. Trên địa bàn TP. Rạch Giá hiện có 51 mô hình câu lạc bộ “Phân loại và xử lý rác thải hộ gia đình” với trên 1.200 hộ gia đình tham gia; đồng thời duy trì 31 tổ phụ nữ sử dụng giỏ xách tay đi chợ; 26 điểm đổi phế liệu lấy nhu yếu phẩm. Trong năm 2023, TP. đã tổ chức đổi gần 4,2 tấn phế liệu lấy nhu yếu phẩm tổng trị giá trên 18 triệu đồng; triển khai thí điểm mô hình ủ rác hữu cơ tập trung bằng vi sinh bản địa IMO tại Siêu thị Co.opmart Rạch Giá và Siêu thị Co.opmart Kiên Giang.
Bên cạnh đó, TP. Rạch Giá cùng phối hợp với Dự án, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Chi cục Thủy sản và Ban Quản lý Cảng cá tỉnh Kiên Giang tổ chức thu gom, xử lý bao bì thuốc bảo vệ thực vật; xây dựng 48 bể thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật; trang bị 8 thùng rác công cộng, 4 ngôi nhà xanh, bố trí 4 pano tuyên truyền về chung tay giảm thiểu rác thải nhựa và bảo vệ đại dương.
Những kết quả nêu trên là bước chuẩn bị rất quan trọng trong bối cảnh cả nước phải triển khai phân loại rác từ ngày 01/01/2025 và thành phố Rạch Giá được UBND tỉnh Kiên Giang chọn là đơn vị triển khai đề án phân loại rác do Sở TN&MT chủ trì.
Vì vậy, kế hoạch hành động giảm rác thải nhựa năm 2024 của UBND thành phố Rạch Giá tập trung vào 04 nội dung chính: 1) Tuyên truyền, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, ứng xử với các sản phẩm nhựa và rác thải đại dương; 2) Thu gom, phân loại, vận chuyển và xử lý chất thải nhựa, rác thải nhựa đại dương từ các hoạt động ở khu vực đất liền, khu vực ven kênh và trên kênh, khu vực ven biển; 3) Ngăn ngừa, giảm thiểu rác thải nhựa thất thoát ra đại dương và 4) Triển khai các hoạt động giám sát và đánh giá.
Cũng tại hội nghị này, đại diện Dự án đã thay mặt Cục Biển và Hải đảo Việt Nam trình bày kết quả từ Nghiên cứu đánh giá hiện trạng phát sinh, quản lý chất thải nhựa xây dựng và đề xuất biện pháp quản lý tại thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang. Nghiên cứu cho thấy rác thải xây dựng ở Kiên Giang chưa được quản lý, chưa được thu gom, chiếm khoảng 19% rác thải sinh hoạt tương đương với 42 tấn/ngày, trong đó rác thải nhựa xây dựng chiếm 2,36%, tương đương với khoảng 1 tấn/ngày. Thành phố thường xuyên phải đối mặt với vấn nạn đổ trộm rác, trong đó hầu hết có liên quan đến rác thải xây dựng. Để khắc phục tình trạng này, một số đề xuất được đưa ra: Thiết lập hệ thống, địa điểm để thu gom tập kết rác thải xây dựng; phân loại để tăng tối đa việc tái chế, tái sử dụng rác thải xây dựng; xây dựng đơn giá cho thu gom rác thải xây dựng và có chính sách khuyến khích doanh nghiệp tham gia trong thu gom, xử lý loại rác này./.