NGƯỜI DÂN ĐỒNG HỚI CHUNG TAY ĐƯA RÁC VỀ BỜ

Nằm trong khuôn khổ Dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương” tại tỉnh Quảng Bình do Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF-Việt Nam) tài trợ – giai đoạn từ 8/2021-3/2022 và giai đoạn từ 8/2022-12/2022, Trung tâm Nghiên cứu Phát triển kinh tế và Môi trường bền vững (SEEDS) đã triển khai “Mô hình vận động ngư dân mang rác từ biển vào bờ” tại xã Bảo Ninh, thành phố Đồng Hới.

Từ bao đời nay, cuộc sống của người dân xã Bảo Ninh gắn liền với sông nước, phát triển nghề biển. Với địa hình vừa giáp sông, lại giáp biển nên sau mỗi mùa mưa lũ và ngay cả sau mỗi chuyến biển của ngư dân, nếu không có biện pháp thu gom thì một lượng rác thải sẽ bị đổ xuống biển, gây ô nhiễm môi trường. Nhằm bảo vệ nguồn sinh kế của người dân Đồng Hới nói riêng và môi trường biển nói chung, Dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương” đã triển khai “Mô hình vận động ngư dân mang rác từ biển vào bờ”, khuyến khích người dân chung tay đẩy lùi nguy cơ ô nhiễm nhựa.

Để thực hiện mô hình, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã đã tổ chức 02 lớp tập huấn nâng cao nhận thức về rác thải nhựa, 01 lớp tập huấn kỹ thuật đan túi lưới đựng thực phẩm và túi lưới đựng rác thải nhựa trên tàu thuyền từ việc tái sử dụng các loại lưới phế liệu cho 75 hội viên, phụ nữ; đồng thời tổ chức 02 buổi tuyên truyền về bảo vệ môi trường, hạn chế rác thải nhựa, thu hút 200 người tham gia. Sau khóa tập huấn, Hội LHPN xã đã trao tặng 400 túi lưới đa năng cho chị em sử dụng hàng ngày để hạn chế sử dụng túi nilon.

Lớp tập huấn kỹ thuật đan túi lưới

Với phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, cán bộ hội phụ nữ ở cơ sở đã đến vận động, giải thích và hướng dẫn cách phân loại rác thải sinh hoạt. Đi liền với công tác tuyên truyền là sự hỗ trợ, làm mẫu để mọi người nâng cao ý thức. Người dân ở hai thôn Đồng Dương và Mỹ Cảnh được Hội Phụ nữ xã Bảo Ninh chọn làm điểm để hỗ trợ 100 hộ sử dụng thùng rác có nắp đậy hợp vệ sinh. Thấy hợp lý, hiệu quả nên các hộ trong 8 thôn của xã đã sử dụng hơn 2.000 thùng rác, trong đó có 900 thùng tái chế.

Bên cạnh tác động tới các hộ dân, Ban Chấp hành Hội LHPN xã cũng đã trực tiếp đến vận động chủ tàu thuyền ký cam kết mang rác thải nhựa và lưới hỏng về bờ cho chị em thu gom để tái chế, bán phế liệu đóng góp xây dựng quỹ tình thương; xây dựng nội quy thu gom rác thải nhựa dán trên các tàu thuyền, tổ chức tập huấn nâng cao nhận thức cho chủ tàu thuyền. Kết quả, trên 200 chủ tàu thuyền đã tham gia ký cam kết và gắn bảng nội quy thu gom rác thải từ biển vào bờ. Đến nay ngư dân Bảo Ninh đã nâng cao ý thức trong bảo vệ môi trường, mang những tấm lưới hỏng, lưới rách về từ biển khơi để chị em đan thành trên 700 túi lưới đựng thực phẩm đi chợ, túi đựng rác thải nhựa phát cho 400 chủ tàu biển.

Toàn cảnh hội thảo tổng kết mô hình nâng cao nhận thức cộng đồng và vận động ngư dân mang rác thải vào bờ. Ảnh: Tạp chí Sức khỏe và Môi trường.

Cùng với đó, sáng kiến “Biến rác thành tiền” đã thu được 32 triệu đồng để thăm, tặng 39 suất quà cho phụ nữ và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, 4 gia đình ngư dân gặp nạn trên biển; nhận đỡ đầu 02 cháu mồ côi đến khi hoàn thành chương trình THPT. Với nhiều cách làm hay, mô hình “Thu gom rác thải nhựa từ biển vào bờ” của Hội Phụ nữ xã Bảo Ninh đã được biểu dương là một trong 13 công trình sáng tạo chào mừng Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2022-2027.

Bài viết liên quan