Nỗ lực giảm rác thải nhựa của TP. Rạch Giá (Kiên Giang)

Thành phố Rạch Giá thuộc tỉnh Kiên Giang có diện tích tự nhiên gần 105 km2 được chia thành 11 phường và một xã. Dân số hơn 59.000 hộ dân với hơn 227.000 nhân khẩu.
, trong đó có khu lấn biển về phía Tây để mở rộng đô thị mới rộng 420 ha thuộc các phường Vĩnh Bảo, Vĩnh Lạc và An Hòa; khu lấn biển 16ha thuộc phường Vĩnh Thanh Vân. Bên cạnh kết quả đạt được, việc phát triển kinh tế – xã hội đang tạo nhiều áp lực lớn, thách thức trong công tác quản lý, kiểm soát môi trường, trong đó nổi lên vấn đề chất thải và nước thải sinh hoạt.

Những năm qua, một số công trình trọng tâm được đầu tư xây dựng đã góp phần làm thay đổi diện mạo đô thị của thành phố. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển về kinh tế thì áp lực về dân số, môi trường, rác thải sinh hoạt cũng gia tăng,…

Với sự hỗ trợ của dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa ra đại dương tại Việt Nam”, UBND thành phố đã xây dựng và ban hành kế hoạch hành động về quản lý chất thải nhựa và rác thải nhựa đến năm 2025 số 152/KH-UBND ngày 16/9/2021 (KHHĐ). Đây là văn bản đóng vai trò then chốt trong chiến lược tăng cường kiểm soát và giảm thất thoát rác thải nhựa ra môi trường tự nhiên, giao nhiệm vụ và huy động sự tham gia của các phòng ban và các bên liên quan cùng phối hợp thực hiện.

Từ khi bắt tay vào thực hiện kế hoạch “giảm rác thải nhựa” trên địa bàn, UBND TP Rạch Giá cùng các phòng, ban, xã, phường đã xóa được 6 điểm nóng rác thải nhựa, tổ chức truyền thông, phân loại rác và xử lý rác hữu cơ tại nhà bằng ứng dụng vi sinh bản địa IMO cho 550 hộ gia đình. Địa phương cũng tích cực tuyên truyền nâng cao nhận thức về nguy cơ ô nhiễm rác thải nhựa; vận động cán bộ, Đảng viên, giáo viên, và học sinh thay đổi hành vi, thói quen sử dụng sản phẩm nhựa, từ đó tham gia thực hiện phong trào “Chống rác thải nhựa”.

Bên cạnh đó, TP Rạch Giá cũng phối hợp cùng Dự án tổ chức được 3 lớp tập huấn ToT về kỹ năng truyền thông giảm rác thải nhựa cho giáo viên, hội viên, đoàn viên trên địa bàn. Hoạt động này đã giúp trang bị các kiến thức và kỹ năng cần thiết cho các tuyên truyền viên nòng cốt, giúp thực hành và xây dựng các kế hoạch truyền thông để có thể lồng ghép vào công tác của cơ quan, đơn vị.

Đồng thời, Dự án đã ký kế hoạch phối hợp để triển khai mô hình trường học không rác thải nhựa với 5 điểm trường, ban hành kế hoạch hành động tập trung vào các hoạt động như: Rà soát và ban hành nội quy về giảm rác thải nhựa trong nhà trường, mua sắm dụng cụ để thay thế sản phẩm nhựa dùng một lần, tiến hành kiểm toán rác, mua thùng rác để thực hiện phân loại rác tại nguồn, các hoạt động ngoại khóa như thi vẽ tranh, thi tái chế, giảm thiểu rác thải nhựa.

Đặc biệt, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Thành phố Rạch Giá đã phối hợp với Dự án tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, tập huấn về phân loại rác tại nguồn, đặc biệt hướng dẫn cách xử lý rác hữu cơ bằng phương pháp men vi sinh bản địa (IMO) trên một số địa bàn thuộc thành phố.

Sau hơn hai năm thí điểm và triển khai chính thức, 900 hộ gia đình đã ứng dụng vi sinh bản địa IMO tại gia; 05 thùng ủ rác hữu cơ được triển khai tại Co.opmart Kiên Giang và Co.opmart Rạch Sỏi; 03 điểm “tập kết xanh” sử dụng IMO xử lý mùi hôi lần lượt được bố trí tại tại đường Ngô Thị Tập, phường Vĩnh Thanh; công viên chợ Nguyễn Thoại Hầu, phường Vĩnh Thanh Vân và đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, phường Vĩnh Quang.

Theo Chủ tịch UBND TP Rạch Giá, để thực hiện hiệu quả kế hoạch, thành phố đề ra nhiều biện pháp, hình thức. Trong đó, tuyên truyền, phổ biến đến công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, đơn vị, đoàn thể, cộng đồng dân cư, doanh nghiệp về phát động phong trào “Giảm rác thải nhựa”, tác hại của các sản phẩm nhựa ảnh hưởng đến sức khỏe, môi trường sống.

Ông Nguyễn Văn Hôn, Chủ tịch UBND TP Rạch Giá, cho rằng để giảm thiểu rác thải nhựa, rất cần sự chung tay của mọi người, sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp chính quyền nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, tiến tới nói không với các sản phẩm nhựa dùng một lần. TP Rạch Giá sẽ chỉ đạo và giao trách nhiệm cụ thể với từng phòng, ban, từng UBND phường trong công tác tăng cường quản lý rác thải nhựa; chủ động và tăng cường phối hợp với WWF Việt Nam để nhanh chóng tạo sự chuyển biến trong nhận thức, thay đổi hành vi, để Rạch Giá trở thành “Đô thị xanh”, “Đô thị giảm nhựa”.”

Bài viết liên quan