PHÂN LOẠI VÀ BIẾN RÁC THÀNH TÀI NGUYÊN TẠI CÙ LAO CHÀM

Cơ sở phục hồi tài nguyên (Material Recovery Facility – MRF) là mô hình thí điểm hoạt động phân loại và thu hồi tái chế chất thải rắn sinh hoạt dựa vào cộng đồng. Mô hình do GAIA và Pacific Environment hỗ trợ Ban Quản lý Khu bảo tồn biển (BQL KBTB) Cù Lao Chàm và UBND xã Tân Hiệp lắp đặt và hướng dẫn triển khai từ giữa tháng 4 năm 2021 với sự tham gia thí điểm của 30 hộ gia định tại Bãi Ông. 

Được biết đến là Khu dự trữ sinh quyển thế giới, Cù Lao Chàm cũng là địa điểm thu hút khách du lịch trong nhiều năm trở lại đây, vì vậy không thể tránh khỏi vấn nạn về rác thải. Trước năm 2009, các biện pháp xử lý rác thải được áp dụng tại đảo chủ yếu là chôn lấp, đốt bằng lò củi, hoặc đốt lộ thiên, gây ảnh hưởng xấu đến sinh thái, cảnh quan du lịch của đảo cũng như tác động trực tiếp đến sinh hoạt của bà con nơi đây. 

Nhằm tìm kiếm sự đồng thuận của cộng đồng cư dân trên đảo về vấn đề xử lý rác thải, Dự án đã tổ chức những buổi tham vấn lấy ý kiến, tập huấn về phân loại rác thải và xử lý rác hữu cơ. Từ đó bắt đầu triển khai mô hình MRF cho 30 hộ dân tại xã Tân Hiệp từ tháng 7 năm 2021.

Trong 3 tháng đầu tham gia mô hình, các hộ gia đình thực hiện phân loại rác thành 2 loại: rác dễ phân hủy và rác khó phân hủy. Sau khi được tập kết tại MRF, rác tiếp tục được phân loại theo mục đích tái chế, cụ thể: rác làm phân compost, rác làm nước tẩy rửa đa dụng. Rác khó phân hủy được phân loại thành rác tái chế (các loại có thể bán cho bên thu mua phế liệu), rác nhựa cấp thấp được gom lại để chuyển cho cơ sở tái chế, và rác còn lại không thể xử lý được sẽ chuyển cho đơn vị thu gom công cộng để vận chuyển đến cơ sở xử lý rác tại Eo Gió.

Sau 3 tháng triển khai, Dự án tiếp tục mở rộng quy mô áp dụng mô hình MRF cho thêm 30 hộ dân, nâng tổng số hộ dân thực hành MRF lên 60 hộ. Tính đến tháng 9 năm 2022, tổng lượng rác thải thu gom được tại MRF Cù Lao Chàm là hơn 17,5 tấn, trong đó tỉ lệ rác hữu cơ chiếm đa số (49%), và hơn 8,2 tấn rác hữu cơ được tái chế thành phân ủ compost và nước tẩy rửa đa năng. Sau khi thu gom 182kg rác tái chế cùng 490kg rác nhựa giá trị thấp để chuyển cho cơ sở phế liệu và tái chế, lượng rác còn lại phải chuyển lên cơ sở xử lý rác của xã chỉ còn khoảng 8,5 tấn (49%). Như vậy, mô hình MRF đã góp phần giảm hơn 50% lượng phát thải rác.

Đây là những kết quả vô cùng khả quan của mô hình MRF, giúp thúc đẩy phân loại và tái chế rác tại cộng đồng, góp phần giảm nhẹ gánh nặng xử lý rác. Không những thế, mô hình MRF tại Cù Lao Chàm còn thu hút sự quan tâm của các em học sinh trên địa bàn thành phố Hội An, các sinh viên nước ngoài, các đoàn công tác đến học tập, chia sẻ kinh nghiệm. Chính quyền xã Tân Hiệp phối hợp cùng BQL KBTB Cù Lao Chàm đề xuất kế hoạch nâng cấp hiệu quả xử lý rác tại MRF Bãi Ông nhằm gia tăng lượng rác tiếp nhận lên 120 hộ gia đình trong năm 2022, đồng thời đề xuất lắp đặt thêm 1 MRF mới cho 80 hộ gia đình thuộc thôn Bãi Hương. 



Bài viết liên quan