Phú Yên: Giảm 30% rác thải nhựa thất thoát ra môi trường vào năm 2025

Công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn Thành phố Tuy Hoà thời gian qua có nhiều chuyển biến tích cực, nhiều tuyến đường, khu dân cư, không gian công cộng trở nên xanh – sạch – đẹp, cảnh quan môi trường đô thị và diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc, chất lượng môi trường ngày càng nâng cao…

Thực trạng và hành động

Khoảng 150 tấn là khối lượng chất thải rắn phát sinh hàng ngày trên địa bàn thành phố này được UBND TP Tuy Hòa cho biết với Báo Nông nghiệp Việt Nam. Trong đó, chất thải rắn sinh hoạt chủ yếu là rác hữu cơ, chất thải nhựa… chiếm khoảng 85 – 90% khối lượng chất thải rắn phát sinh hàng ngày. Thế nhưng chỉ khoảng 5% được thu gom, tái chế, còn lại được chôn lấp tại bãi rác Thọ Vức, xã Hòa Kiến (TP Tuy Hòa).

Đặc biệt, lượng chất thải nhựa trên địa bàn thành phố có chiều hướng tăng nhanh, do sự tiện lợi của các loại bao bì nhựa và thói quen tiêu dùng của người dân. Do đó, đây là nguồn ô nhiễm lớn đối với môi trường do thời gian phân hủy của chất thải nhựa rất dài và trong quá trình phân hủy phát sinh nhiều chất nguy hiểm cho con người và môi trường.

Dự án đã phối hợp với các Công ty CP Môi trường Đô thị Phú Yên tiến hành khảo sát về thực trạng quản lý chất thải rắn và rác thải nhựa trên địa bàn TP Tuy Hòa, nhằm tiến hành thu thập dữ liệu làm cơ sở cho công tác quản lý. Qua đó, đề xuất phương hướng, giải pháp tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng nhằm giảm thiểu rác thải nhựa, tiến đến thay thế loại bỏ rác thải nhựa trên địa bàn toàn tỉnh.

Hiện nay, UBND thành phố đang phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường và Dự án để triển khai kế hoạch mô hình hình phân loại rác tại chợ phường 7 với mục tiêu giảm 80% lượng chất thải phát sinh tại chợ (khoảng 279kg/ngày) ra bãi chôn lấp.

Ở giai đoạn 1 của mô hình (từ tháng 6/2022 đến tháng 9/2022), Dự án đã phối hợp với Hội LHPN tỉnh Phú Yên tổ chức các lớp tập huấn cho 200 tiểu thương và 150 hộ gia đình về vấn đề ô nhiễm rác thải, hướng dẫn phân loại rác; trang bị 06 xe đẩy tay 660l thu gom phân loại rác, 14 thùng rác 120L, 12 thùng rác 90L để phục vụ công tác phân loại; vẽ tranh tuyên truyền ở chợ và thực hiện các hoạt động bổ trợ khác như cho mượn túi đi chợ, giám sát – đánh giá,…

Ở giai đoạn 2 (từ tháng 10/2022 đến tháng 2/2023), kế hoạch phối hợp giữa các bên liên quan đã được thảo luận kỹ lưỡng, xây dựng và thống nhất ban hành trong tháng 11/2022. Các bên phối hợp gồm có: Sở TN&MT tỉnh Phú Yên, UBND thành phố Tuy Hòa, URENCO Phú Yên, GreenHub và Dự án. Theo đó, GreenHub và Dự án đã hỗ trợ xây dựng 5 bể ủ compost có thể tích 10m3 tại BCL Thọ Vực. URENCO Phú Yên tiếp tục thi công mái che khu vực ủ, huy động nguồn lực để thực hiện thu gom riêng và nhân công sản xuất phân bón từ rác hữu cơ của chợ Phường 7. Tháng 2/2023 toàn bộ công trình xây dựng đã hoàn thiện sẵn sàng cho việc thực hiện mô hình thí điểm.

Cũng vào thời điểm này, mô hình bắt đầu triển khai thực hiện với sự tham gia phân loại rác của các tiểu thương chợ Phường 7 và 150 hộ gia đình thuộc khu phố Trường Chinh, phường 7 để bắt đầu chính thức vào giai đoạn 3 (tháng 2/2023 – tháng 7/2023). Tại giai đoạn này, URENCO Phú Yên đã thực hiện thu gom riêng rác hữu cơ hằng ngày (với tần suất 1 lần/1 ngày tại chợ phường 7 và khu phố Trường Chinh) và xử lý tại các bể ủ. Khối lượng rác hữu cơ được thu gom và xử lý khoảng 250kg/ngày.

Trong tháng 6/2023, các bên tham gia cũng đã thảo luận, đánh giá mô hình và tiếp tục thử nghiệm đến cuối năm 2023 nhằm đánh giá chi phí lợi ích khi thực hiện mô hình làm cơ sở cho việc xây dựng phương án phân loại rác trên địa bàn thành theo lộ trình đã quy định tại Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020.

Ghi nhận một số kết quả

Việc triển khai mô hình ban đầu đang còn nhiều khó khăn, rác hữu cơ thu được từ các hộ gia đình còn thấp, chứng tỏ chưa có sự tham gia mạnh mẽ. Các tiểu thương ở chợ đã có những chuyển biển tuy nhiên còn khá chậm. Điều này cho thấy, việc vận động, khuyến khích dân cư và cộng đồng cần phải được thực hiện liên tục, bên cạnh đó việc giám sát, đôn đốc của chính quyền cần sát sao để từ đó tăng cường sự phối hợp của cộng đồng. Phân compost đã được thử nghiệm, các chỉ tiêu để đáp ứng tiêu chuẩn ngành 10TCN 526:2002 phân hữu cơ vi sinh vật từ rác thải sinh hoạt yêu cầu kỹ thuật, phương pháp kiểm tra.

Trong giai đoạn 4 (từ tháng 8/2023) – duy trì và mở rộng mô hình – Dự án và các đối tác liên quan sẽ tiếp tục để nâng cao chất lượng phân loại rác, tổ chức hội thảo đánh giá sơ kết và đề xuất kế hoạch mở rộng. Đồng thời, Dự án sẽ nghiên cứu để thực hiện thí điểm ở quy mô lớn hơn cũng như đề xuất cơ chế giá cho việc vận hành hệ thống thu gom riêng rác thải khi cộng đồng tham gia phân loại rác.

Theo UBND TP Tuy Hòa, thành phố đã ký cam kết tham gia chương trình Đô thị giảm nhựa nhằm đạt được mục tiêu giảm 30% rác thải nhựa thất thoát ra môi trường sau 2 năm ký cam kết. Sau khi ban hành kế hoạch hành động về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030 và năm 2021, UBND thành phố đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường, Dự án thường xuyên phối hợp với các cơ quan chuyên môn của thành phố để hỗ trợ về nghiệp vụ, nhân lực và kinh phí để cùng thành phố đảm bảo hoàn thành kế hoạch đã đề ra.

Bài viết liên quan