Đằng sau việc đảm bảo vệ sinh trong môi trường y tế hiện nay vẫn còn tồn tại nhiều mặt hạn chế. Đặc biệt, vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa y tế đã và đang gây nhức nhối ở Việt Nam trong vài năm trở lại đây.
Cùng với sự quan tâm của Nhà nước và Chính phủ, môi trường trong các cơ sở y tế đã được chú ý hơn, mục đích hướng đến sự an toàn và sức khỏe của người dân. Tuy nhiên, cũng không thể tránh khỏi việc phát sinh rác thải nhựa y tế với nhiều rủi ro thất thoát ra ngoài môi trường.
Thực tế cho thấy, quá trình chẩn đoán, điều trị bệnh tật và các hoạt động sinh hoạt hàng ngày của nhân viên y tế, của người bệnh và người nhà bệnh nhân đi kèm với việc sử dụng những trang thiết bị y tế, vật dụng, vật tư, bao bì đóng gói, chứa, đựng hóa chất. Nếu không được thu gom và xử lý đúng cách, tất cả đều có khả năng thất thoát và làm ô nhiễm môi trường.
Rác thải nhựa y tế (Ảnh: Phạm Quang Minh)
Do ngành này có tính chất đặc thù, cùng với sự bùng nổ của dịch bệnh Covid-19 khiến lượng rác thải y tế ở các khu cách ly tập trung, bệnh viện phát sinh mạnh, xuất hiện với khối lượng lớn. Theo ước tính, hằng ngày, các cơ sở này thải ra khoảng 450 tấn rác, trong đó có 10,5% là chất thải rắn nguy hại và hơn 125.000m³ nước thải cần được xử lý đặc thù. Đó là chưa kể đến một lượng rác khổng lồ từ hàng nghìn các đơn vị cơ sở y tế dự phòng, y tế tư nhân.
Rác thải tại khu cách ly (Báo Tài nguyên & Môi trường)
Chất thải nhựa y tế hẳn là một thách thức lớn mà ta phải đối mặt. Một là nguồn ra quá nhiều, hai là quá trình thu gom và xử lý còn nhiều bất cập đã khiến cho môi trường dịch vụ y tế bị ô nhiễm, kém an toàn.
Để khắc phục tình trạng trên, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định “Phê duyệt đề án tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa ở Việt Nam” số 1316/QĐ- TTg (năm 2021), kết hợp cùng Chỉ thị “Về giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành y tế” số 08/CT- BYT (2019), đảm bảo mọi cá nhân, đơn vị đều phải thực hiện và có ý thức trong việc giữ vệ sinh an toàn chung, nhằm giảm thiểu những tác động xấu và nâng cao chất lượng môi trường cơ sở y tế, đặt lợi ích của con người lên hàng đầu.
Rác thải nhựa y tế nói riêng và rác thải nhựa nói chung đang hàng ngày tàn phá hệ sinh thái, ảnh hưởng đến môi trường sống của chúng ta, cũng như gián tiếp hủy hoại môi trường sống của động, thực vật. Đặc biệt là tác động tiêu cực đến sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia, không riêng gì Việt Nam.
Môi trường chăm sóc sức khỏe luôn là mối quan tâm lớn trong lĩnh vực dịch vụ y tế. Nó là điều cần thiết và phải được xem xét khi nói đến vấn đề sức khỏe của xã hội. Mỗi chúng ta cần phải hành động, chung tay giảm thiểu giác rải nhựa y tế, tạo ra một môi trường y tế lành mạnh và duy trì môi trường trong sạch đó.