Tái chế xà phòng sạch

22/11/2022

Từ ý tưởng tái chế rác thải nhằm giảm ô nhiễm môi trường, chương trình “ Tái chế xà phòng sạch” và “Vải cho cuộc sống” đã được triển khai

Nhiều năm qua, Trang trại An Nhiên (An Nhiên Farm, TP Hội An, Quảng Nam) đã phối hợp cùng các đối tác như Tập đoàn Diversey; Trung tâm Nghiên cứu xây dựng năng lực thích ứng (CAB- Văn phòng tại TP.Đà Nẵng) thực hiện chương trình tái chế cho sinh kế.

Tái chế xà phòng sạch - 1

Du khách tham gia tour du lịch trải nghiệm các mô hình tái chế rác thải tại Hội An.

Sau một khoảng thời gian sử dụng nhất định, các khách sạn cao cấp trên địa bàn TP Hội An; TP Đà Nẵng sẽ bỏ lượng lớn vải là khăn lau, chăn màn và xà phòng thừa dù giá trị sử dụng sau khi thải vẫn còn cao, chất lượng tốt.

An Nhiên Farm cùng các đối tác đã chủ động liên hệ với các khách sạn để xin tiếp nhận các sản phẩm xà phòng đã qua sử dụng một lần còn thừa lại, các loại khăn lau, vải trắng để thực hiện chương trình “Tái chế xà phòng sạch”, “Vải cho cuộc sống”, tái sử dụng các sản phẩm thành những bộ bao gối, ra, mền, những bánh xà phòng tẩy rửa và trao tặng phù hợp với nhu cầu của những nơi cần dùng.

Đã có hơn 400 kg xà phòng, khoảng 2 tấn vải trắng dùng một lần ở các khách sạn hạng sang đã được “tái sinh” vòng đời mới, trao tặng lại những nơi cần dùng đến, vừa khắc phục tình trạng các sản phẩm phục vụ du khách bị sử dụng thừa thãi, vừa bảo vệ môi trường.

Anh Lương Văn Giang, đến từ tập đoàn Diversey, người đưa ra ý tưởng thu gom và tái chế xà phòng chia sẻ: “Ban đầu mới thực hiện tái chế thành công, gửi mẫu ra nước ngoài kiểm nghiệm đạt tiêu chuẩn tốt, chương trình về mang đi tặng tại các cơ sở y tế thì nhiều nơi vẫn còn e dè, nghi ngại vì xà phòng không nhãn mát, ít mùi hương. Sau khi giải thích quy trình tái chế, biết đây là loại xà phòng tái chế và dùng hương của tự nhiên như cây xả, quế… không dùng hương công nghiệp nên ít mùi. Từ đó mọi người thích thú, quan tâm và bắt đầu dùng sản phẩm”.

Mới đây, chương trình đã trao tặng gần 500 sản phẩm vải y tế như ga giường, khăn trải bàn, khăn bọc bình o-xy, khăn lau… tái chế từ vải trắng của các khách sạn cho Trung tâm Y tế quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng.

Theo bác sĩ Phan Thanh Phương, Giám đốc Trung tâm Y tế quận Thanh Khê , ban đầu đơn vị khá e dè với sản phẩm này vì sợ chất lượng có đảm bảo chất lượng cũng như những tiêu chí khác…. Nhưng khi tận mắt chứng kiến quy trình tái chế thì mọi thứ đảm bảo chất lượng, vệ sinh. Sản phẩm này nói là tái chế nhưng chất lượng còn mới khoảng 90%, vải toàn cao cấp. “Các sản phẩm y tế mà bệnh viện được tiếp nhận có chất lượng rất tốt, đủ tiêu chuẩn để sử dụng trong các hoạt động y tế thông thường. Có thể giúp bệnh viện giảm chi phí, có thêm nguồn để mua sắm những trang thiết bị khác”, bác sĩ Phương chia sẻ.

Được biết, xà phòng thừa khách hàng sử dụng một lần thu gom từ các khách sạn sẽ được xử lý vệ sinh, gọt bỏ lớp bên ngoài, sau đó cắt nhỏ và ép thành cục. Vải, khăn lau được giặt tẩy theo quy trình bảo đảm vệ sinh rồi chuyển đến các cơ sở may gia công để thiết kế, “biến” thành khăn lau, ga trải giường, thậm chí còn được thiết kế may ra những chiếc túi xách, đồng phục học sinh, …

Tái chế xà phòng sạch - 2

Sản phẩm xà phòng được các cơ sở y tế đón nhận.

Chị Võ Mỹ Hạnh, Giám đốc An Nhiên Farm, cho biết: “Từ nhiều năm nay, An Nhiên Farm kiên trì với các dự án tái chế với mong muốn góp phần giảm thiểu rác thải ra môi trường, chia sẻ lợi ích cho các nhóm cộng đồng khó khăn ở miền núi, góp phần tạo công ăn việc làm cho lao động khuyết tật, phụ nữ yếu thế ở địa phương. Chẳng hạn như xử lý vỏ trái cây thải ra mỗi ngày tại một khách sạn cao cấp thành chế phẩm sinh học và cung cấp lại cho chính khách sạn đó để tẩy rửa; thực hành nông nghiệp tự nhiên ở An Nhiên Farm,…”.

Từ cuối năm 2018, Trung tâm Nghiên cứu và Hỗ trợ hòa nhập cộng đồng (Trung tâm Cormis, đóng tại TP Đà Nẵng) hợp tác với Trang trại An Nhiên thực hiện chương trình tái chế vải với mục tiêu “tái sử dụng, tái chế vì cuộc sống hạnh phúc”. Trung tâm nhận vải nguyên liệu về để các chị em khuyết tật vận động may với giá cả phù hợp. Qua đó, hướng đến tạo việc làm, thu nhập cho phụ nữ yếu thế.

“Dự án không chỉ dừng tại bệnh viện, chúng tôi đang tiến hành may đồng phục từ vải này để tặng cho học sinh tại các trường nghèo ở miền núi Quảng Nam. Tương lai sẽ mở rộng ra khắp các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên”, chị Hạnh chia sẻ.

Trước đó, chương trình đã trao tặng hơn 400 sản phẩm cho 11 trạm y tế của huyện Nam Trà My (Quảng Nam) để phục vụ khám chữa bệnh cho bà con.

Một điều thú vị hơn là đã có những tour du lịch đưa du khách đến trải nghiệm các mô hình tái chế rác thải tại Hội An, không chỉ giới thiệu các sản phẩm tái chế, mà qua đó hướng đến thay đổi nhận thức du khách về phát triển bền vững.

Công ty Du lịch Emic Travel (TP Hội An) hiện đã xây dựng một số tour du lịch liên quan đến môi trường và trách nhiệm với cộng đồng như tour “Xà phòng hy vọng”, “Vải cho cuộc sống”, “Ủ phân compost”, “Trồng sậy và ống hút sậy”, “Ươm cây thảo dược”. Qua đó giới thiệu những kinh nghiệm, giải pháp quản lý, xử lý rác thải từ các mô hình thực tế theo hướng có lợi và hiệu quả nhất. Trong đó, giải pháp phù hợp nhất chính là thúc đẩy vòng tuần hoàn của rác, biến rác thải trở thành nguồn lực mới.

Mới đây, doanh nghiệp này đã phối hợp nhóm Green Youth Collective (GYC) tổ chức tour du lịch “Phục hồi tài nguyên” với gần 50 khách tham quan du lịch, trải nghiệm thực tế về quản lý và giảm thiểu rác thải nhựa tại TP Hội An.

Hồng Yến

Bài viết liên quan