TÂN AN (LONG AN) VIẾT TIẾP HÀNH TRÌNH PHÂN LOẠI RÁC THẢI NHỰA

Rác thải nhựa ngày càng tác động tiêu cực đến sức khỏe con người và môi trường sinh thái. Nhận thức được điều này, các cấp, các ngành tại thành phố Tân An (Tỉnh Long An) đã và đang nỗ lực để giảm thiểu ô nhiễm do rác thải nhựa.

Tân An là một thành phố thuộc đồng bằng sông Cửu Long, hạ nguồn của dòng Mê Kông – một trong 10 con sông gây ô nhiễm nhất thế giới, mang rác nhựa theo dòng chảy ra đại dương. Việc thu gom rác thải không triệt để, cùng với việc lạm dụng đồ nhựa dùng một lần, không chỉ gây gánh nặng cho hệ thống thu gom xử lý rác thải, mà còn thất thoát ra môi trường, làm cho các con sông, ao hồ, đất đai và không khí ngày càng trở nên ô nhiễm.

Được sự hỗ trợ của UBND thành phố, Dự án đã phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện nhiều hoạt động để cải thiện vấn đề này bao gồm: Thí điểm phân loại rác tại nguồn; Thu gom riêng các loại chất thải đã được phân loại; thử nghiệm làm phân hữu cơ từ rác đã phân loại,.. Dự án thí điểm đã triển khai thành công trong khu vực đô thị, chỉ sau 2 tuần, hơn 85% người dân khu phố Bình Đông 2 thực hành tốt hơn việc phân loại rác tại nguồn. Trong 10 tháng, 980 tấn rác hữu cơ chất lượng cao đã được thu gom riêng tại phường 3, TP.Tân An. Ước tính, hơn 60% tổng số rác thải có thể được chuyển hướng ra khỏi các bãi chôn lấp.

Rác thải hộ gia đình thường hỗn tạp, do vậy việc xử lý loại rác tại các khu vực thu gòm tốn nhiều nhân công và thời gian gây quá tải cho hệ thống xử lý rác tại Việt Nam, vì vậy nên việc phân loại rác tại nguồn phù hợp bối cảnh thực tế hiện nay ở các khu vực địa phương cũng như thành thị. Đồng thời phương pháp này cho thấy tiết kiệm chi phí hơn so với hệ thống thu gom hiện tại, yêu cần thiệt bị phức tác chi phí cao. Trong quá trình triển khai thực tế, mức độ tiết kiệm chi phí rơi vào khoảng 30 – 35% so với hệ thống hiện tại.
Một số hạn chế của mô hình này ở đô thị đó là mặc dù người dân đã phân loại rác hữu cơ rất tốt nhưng compost (phân bón) chất lượng cao vẫn chưa được sản xuất ở quy mô thương mại hoá do sự trì hoãn của đơn vị chịu trách nhiệm xử lý rác cho thành phố Tân An – Công ty Cổ phần Tâm Sinh Nghĩa.

Đồng thời, để phục vụ cho việc mở rộng mô hình, Dự án đã hỗ trợ đào tạo hơn 1000 cán bộ nguồn về tác hại của rác thải nhựa đại dương, cách thức phân loại và kiểm tra chất lượng rác sau phân loại của các hộ gia đình. Những cán bộ nguồn này sẽ là những người sẽ giúp cho thành phố trong việc tuyên truyền, hướng dẫn phân loại rác tại nguồn cho người thân, hàng xóm hoặc hội viên của mình khi mà thành phố mở rộng mô hình phân loại rác tại nguồn. Bắt đầu từ tháng 07/2023, phân loại rác tại nguồn được triển khai trên toàn bộ thành phố Tân An.

Từ những thành công bước đầu, cùng với sự ủng hộ của chính quyền và người dân địa phương, dự án sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động truyền thông hỗ trợ và xúc tiến mở rộng mô hình nhằm nâng cao ý thức, khuyến khích hành vi phân loại, tái sử dụng và tái chế rác thải nhựa cộng đồng.

Tiến sĩ Trịnh Thị Long, Quản lý dự án WWF-Việt Nam – cho biết: “Thông qua các nỗ lực hoạt động của WWF-Việt Nam trong suốt thời gian qua với Long An, chúng tôi hy vọng sẽ góp phần giúp người dân địa phương hiểu rõ hơn về ý nghĩa và lợi ích của việc phân loại rác thải tại nguồn. Ngoài ra, chúng tôi cũng hy vọng người dân có thể thay đổi cách ứng xử với rác nhựa thông qua việc nâng cao hiệu quả sử dụng để kéo dài vòng đời của nhựa và sử dụng tài nguyên thiên nhiên bền vững. Chỉ như vậy, chúng ta mới phát huy được hết các tính năng của vật liệu nhựa, thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu ở Việt Nam”.

Có thể thấy, mô hình tại TP Tân An đã tạo được hiệu ứng sâu rộng trong người dân, nâng cao nhận thức, ý thức cộng đồng dân cư trong việc thu gom và phân loại chất thải. Sự quyết tâm của các ngành, các cấp và toàn thể cộng đồng đã từng bước thay đổi nhận thức cũng như hành vi, ứng xử một cách thân thiện, tích cực, cùng chung tay BVMT vì chất lượng cuộc sống, vì sức khỏe của người dân.

Bài viết liên quan