THANH KHÊ ( ĐÀ NẴNG ) TỪNG BƯỚC GIẢI BÀI TOÁN GIẢM NHỰA

Bằng việc tuyên truyền, vận động và triển khai những chương trình cụ thể, quận Thanh Khê (TP Đà Nẵng) đang hướng tới việc giảm thiểu xả thải rác nhựa ra môi trường, đại dương.

Tốc độ phát triển kinh tế cao đã tạo cho TP Đà Nẵng những áp lực trong đó có vấn đề về rác thải nhựa. Theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường TP Đà Nẵng, mỗi ngày thành phố phát sinh hơn 1.100 tấn rác thải. Dự tính, trong giai đoạn từ năm 2020 đến 2025, rác thải đô thị thành phố sẽ phát sinh hơn 1.800 tấn/ngày.

Quận Thanh Khê là địa phương nằm ở khu vực trung tâm, tiếp giáp biển cùng nhiều quận khác và mật độ dân số cao nhất TP Đà Nẵng. Điều này kéo theo lượng rác thải phát sinh mỗi ngày rất cao (khoảng 190 tấn/ngày). Kết quả kiểm toán rác cho thấy, tại quận Thanh Khê loại rác nhựa, túi ni-lông chiếm tỷ lệ cao nhất, tiếp đến là bao bì nhiều lớp và nhựa dùng 1 lần.

Từ thực tế trên, quận Thanh Khê đã cam kết tham gia vào chương trình “Đô thị giảm nhựa” của Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam (WWF-Việt Nam) nhằm quản lý rác thải nhựa một cách hiệu quả.

Quận Thanh Khê phấn đấu đạt được những kết quả ở 2 mốc thời gian cụ thể là năm 2022 và 2025. Theo đó, đến năm 2022 sẽ giảm 30% tỷ lệ thất thoát rác thải nhựa trên địa bàn so với năm 2020; 100% các cơ quan, đơn vị quản lý nhà nước ở quận không sử dụng chai nước và ống hút nhựa; giảm thiểu sử dụng băng rôn, phông sân khấu trong các cuộc họp, hội nghị, hội thảo, sự kiện.

Chương trình cũng sẽ xóa ít nhất 3 điểm nóng rác thải và đảm bảo không phát sinh điểm nóng rác thải mới; có ít nhất 10 trường học được tổ chức các hoạt động lồng ghép chương trình giáo dục môi trường – rác thải nhựa; 70% hộ dân, trường học, doanh nghiệp, công sở và các đơn vị khác trên địa bàn quận thực hiện phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn…

Ngoài ra, Ban quản lý âu thuyền và cảng cá Thọ Quang đã triển khai cho 1.075 chủ tàu cá ký cam kết nộp rác thải khi vào cảng cá Thọ Quang. Tổng khối lượng rác đã thu gom được từ 5.836 tàu thuyền cập cảng, xuất bến là 13,43 m3 rác, chủ yếu là vỏ chai nhựa, túi nilon, vỏ hộp xốp đựng thực phẩm… Từ hiệu quả giảm thiểu rác thải nhựa mà mô hình này mang lại, Sở TN&MT TP. Đà Nẵng tiếp tục đề nghị các đơn vị duy trì công tác đổi rác lấy phiếu xuất bến và ứng dụng công nghệ thông tin như: quét mã QR, nhận diện khuôn mặt… để công tác này không chỉ là phong trào mà sẽ góp phần thay đổi ý thức của ngư dân.

Đặc biệt, 2 đơn vị Hội Liên hiệp Phụ nữ quận Thanh Khê và Dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam đã phối hợp với các cấp hội phụ nữ, địa phương tổ chức tuyên truyền thực hiện chương trình “Chợ dân sinh giảm thiểu rác thải nhựa” và tổ chức cho các tiểu thương ký cam kết giảm thiểu rác thải nhựa tại các chợ Tân An, Tân Lập, Quán Hộ, Chính Gián, Tam Thuận (quận Thanh Khê).

Đồng thời, vận động người dân đi mua sắm tại các chợ mang theo làn, hộp đựng dùng nhiều lần; túi giấy và túi nilon dễ phân hủy… thay thế cho túi nhựa và túi nilon khó phân hủy. Các tiểu thương buôn bán tại các chợ cũng chủ động sử dụng các loại lá chuối, lá dong, túi giấy… để gói các sản phẩm và thực hiện phân loại rác. Hội Liên hiệp Phụ nữ quận Thanh Khê và WWF tại Việt Nam cũng trao các lồng hoa an sinh xã hội cho các ban quản lý chợ để đặt tại chợ nhằm thu gom các loại chai nhựa, vỏ lon… từ các tiểu thương và người dân đến chợ mua sắm.

Ông Hồ Thuyên – Chủ tịch UBND Q.Thanh Khê cho biết, Thanh Khê là địa bàn được chính quyền TP Đà Nẵng và các tổ chức lựa chọn triển khai thí điểm nhiều dự án bảo vệ môi trường. “Cách đây một năm, với Dự án đô thị giảm nhựa, quận đã tập trung vào công tác nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp và cộng đồng về giảm thiểu rác thải nhựa. Chúng tôi cam kết tạo mọi điều kiện để Dự án triển khai một cách có hiệu quả”- Chủ tịch Q.Thanh Khê cho biết thêm. Bà Nguyễn Thị Diệu Thúy cũng khẳng định, WWF Việt Nam sẽ nỗ lực hết mình hỗ trợ Q.Thanh Khê xây dựng các hoạt động cụ thể để xóa các điểm nóng, phân loại rác thải tại nguồn và nâng cao nhận thức cho học sinh ở các trường học. Từ mô hình điểm của Q.Thanh Khê sẽ được nhân rộng khắp không chỉ ở Đà Nẵng mà còn trong cả nước để giải quyết bài toán ô nhiễm rác thải nhựa hiện nay.

Bài viết liên quan