Thanh Khê ( Đà Nẵng) thí điểm mô hình ‘Trường học không rác thải nhựa’ tại 6 trường học

Phong trào xây dựng “Trường học xanh nói không với rác nhựa” đã lan tỏa rộng rãi và mang lại những hiệu quả thiết thực, góp phần giáo dục ý thức bảo vệ cây xanh, bảo vệ môi trường sống cho học sinh quận Thanh Khê (Đà Nẵng).

Học sinh là thế hệ tương lai làm chủ đất nước tuy nhiên cũng là đối tượng phải chịu các hậu quả về ô nhiễm môi trường, đặc biệt là các vấn đề có tính chất lâu dài như ô nhiễm rác nhựa. Bên cạnh đó, các em cũng là nhóm dễ chuyển dịch, dễ thay đổi hành vi và có thể trở thành đại sứ môi trường có khả năng lan tỏa thông điệp một cách hiệu quả tới người thân trong gia đình và xã hội. 

Nhận thấy tầm quan trọng này, Dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam” phối hợp cùng Phòng Tài nguyên và Môi trường, Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Thanh Khê triển khai mô hình Trường học không rác thải nhựa tại 6 điểm trường trên địa bàn quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng.

Từ những kiến thức, kinh nghiệm, hướng dẫn về giáo dục môi trường, mô hình nhà trường không rác thải nhựa… của các chuyên gia thuộc WWF và các nhà khoa học truyền đạt tại các buổi tập huấn, cán bộ, giáo viên các trường đề xuất, triển khai các hoạt động bảo vệ môi trường, giảm thiểu việc sử dụng các sản phẩm nhựa, nhất là sản phẩm nhựa dùng một lần trong trường học; soạn thảo tài liệu, nội dung, chương trình để lồng ghép vào giảng dạy, các hoạt động ngoại khóa cho học sinh về giảm thiểu rác thải nhựa…

Xem video về mô hình trường học giảm nhựa tại Thanh Khê tại: http://https://www.youtube.com/watch?v=peBtz3KEDHY&t=1s

Sau 2 năm thực hiện mô hình “Trường học xanh nói không với rác nhựa”, các bên liên quan đã tổ chức thành công nhiều hoạt động hướng dẫn phân loại chất thải rắn sinh hoạt nhằm góp phần thay đổi thói quen, hành vi của học sinh; phát động sáng kiến tại 06 điểm trường trên toàn quận đồng thời xây dựng bộ giải pháp giảm rác thải và giảm nhựa cho trường học từ kết quả kiểm toán, triển khai các hoạt động cụ thể trong mô hình giảm rác nhựa tại trường học; hỗ trợ các trường thành lập mô hình căn-tin xanh, giảm dần bán thức ăn trong đồ nhựa dùng một lần.

Với việc triển khai đồng loạt các chương trình, kế hoạch nhằm thay đổi thói quen, hành vi, tăng tỷ lệ phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, học sinh và thầy cô thuộc 06 điểm trường trên đã có ý thức bảo vệ môi trường hơn qua những con số cụ thể như 70% học sinh mang theo bình nước cá nhân hoặc uống nước từ hệ thống nước uống trực tiếp tại trường, 80% thầy cô giáo giảm sử dụng đồ nhựa dùng một lần.

Có thể thấy, việc đầu tư tuyên truyền vào các trường học là một trong những hướng đi tích cực, hiệu quả, nó mang lại cách nhìn mới trong việc chọn lựa phương pháp giảm thiểu rác thải nhựa, hướng đến môi trường sống xanh, sạch và an toàn cho rất nhiều thế hệ tiếp theo. 

Nhận thấy được tính bền vững cũng như hiệu quả của mô hình, Dự án và phòng Giáo dục – Đào tạo quận Thanh Khê (Đà Nẵng) sẽ tiếp tục triển khai và cập nhật về tiêu chí trường học xanh nhằm duy trì và nhân rộng mô hình trên toàn địa bàn Quận cho đến năm 2024. 

 

Bài viết liên quan