Thực hiện Chương trình trọng điểm điều tra cơ bản biển và hải đảo đến năm 2030

15/11/2022

Để cụ thể hóa và thực hiện đầy đủ, toàn diện những quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp được đề ra trong Chương trình trọng điểm điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo đến năm 2030; xác định rõ các nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, cần ưu tiên thực hiện trong giai đoạn đến năm 2025, làm tiền đề quan trọng thực hiện thành công Chương trình, ngày 08/9 vừa qua, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã ký ban hành Quyết định số 1981/QĐ-BTNMT về Kế hoạch thực hiện Chương trình

Ngày 07 tháng 01 năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 28/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình . Để thực hiện có hiệu quả Chương trình trọng điểm điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo đến năm 2030 (sau đây gọi tắt là Chương trình) được ban hành  kèm theo Quyết định số 28/QĐ-TTg ngày 07/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ, Kế hoạch thực hiện Chương trình (sau đây gọi tắt là Kế hoạch) được ban hành nhằm bảo đảm tính toàn diện, khả thi, đồng bộ với các chiến lược, kế hoạch, chương trình, đề án, dự án, nhiệm vụ có liên quan; xác định rõ nguồn lực, lộ trình thực hiện; phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, năng lực triển khai và điều kiện cụ thể của Bộ Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan, đơn vị trực thuộc trong mỗi giai đoạn; định kỳ sơ kết, tổng kết, đánh giá nhằm giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc, khắc phục những hạn chế, yếu kém và đề ra biện pháp thực hiện, đáp ứng yêu cầu đề ra. Đồng thời, bảo đảm tích hợp, lồng ghép, không trùng lặp, kế thừa kết quả thực hiện trong giai đoạn trước của các nhiệm vụ đã, đang triển khai và những nhiệm vụ đề xuất mới. Ưu tiên tập trung nguồn lực để triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm cho giai đoạn 2020 – 2025; xác định một số nhiệm vụ cụ thể cho giai đoạn 2026 – 2030 mang tính định hướng lâu dài theo Chương trình; có lộ trình thực hiện và phân công cụ thể cho các cơ quan, đơn vị có liên quan.

Kế hoạch giao Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam chủ trì theo dõi, hướng dẫn, tổng hợp, đôn đốc và phối hợp triển khai Kế hoạch này; hướng dẫn xây dựng kế hoạch và dự toán ngân sách hằng năm và tổng hợp nhu cầu, đề xuất phương án phân bổ thực hiện các dự án thuộc Chương trình trên cơ sở đề xuất của các cơ quan, đơn vị; chuẩn bị báo cáo Ủy ban chỉ đạo quốc gia về thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam và Thủ tướng Chính phủ theo quy định; tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá, sơ kết, tổng kết và đề xuất điều chỉnh, bổ sung nội dung các dự án, nhiệm vụ và Chương trình. Đồng thời giúp Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường trong thực hiện các nhiệm vụ được quy định về quản lý Chương trình và theo Quy chế hoạt động của Ủy ban chỉ đạo quốc gia về thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam.

Các đơn vị chủ trì thực hiện dự án xây dựng, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và triển khai thực hiện dự án thuộc Chương trình sau khi được phê duyệt; chủ trì hoặc phối hợp với Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam và các đơn vị liên quan thực hiện các quy định về quản lý Chương trình, rà soát, xây dựng và trình cấp có thẩm quyền ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kinh tế – kỹ thuật, đơn giá về điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; tuân thủ và thực hiện đầy đủ chế độ thẩm định, kiểm tra, giám sát, nghiệm thu, báo cáo và giao nộp sản phẩm theo quy định.

Các đơn vị trực thuộc Bộ và các Sở Tài nguyên và Môi trưởng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có biển chủ động phối hợp với Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam và các cơ quan, đơn vị có liên quan trong quá trình triển khai thực hiện các dự án, nhiệm vụ thuộc Chương trình và Kế hoạch này; tiếp nhận và sử dụng hiệu quả các kết quả điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo theo quy định để phục vụ phát triển bền vững kinh tế biển trên địa bàn và cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý.

Tập trung triển khai các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình

Theo đó, 06 nhóm nhiệm vụ quan trọng nhằm bảo đảm triển khai các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình:

Một là, quản lý chặt chẽ, hiệu quả và nâng cao chất lượng tổ chức thực hiện Chương trình; đảm bảo việc sử dụng ngân sách Nhà nước trong thực hiện các dự án thuộc Chương trình, bao gồm các dự án do cơ quan khác chủ trì đúng mục đích, đạt chất lượng và hiệu quả cao; đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính, nâng cao trách nhiệm và sự chủ động của các cơ quan, đơn giản hóa các thủ tục, tiết kiệm thời gian và chi phí.

Hai là, đổi mới cơ chế điều phối việc thực hiện và nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan trong công tác quản lý và tổ chức thực hiện Chương trình, nhiệm vụ trọng tâm gồm có: Xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế quản lý Chương trình trọng điểm điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo đến năm 2030; Phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng, ban hành Quy chế phối hợp quản lý Chương trình trọng điểm điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, Chương trình nghiên cứu khoa học và công nghệ phục vụ quản lý biển, hải đảo và phát triển kinh tế biển; xây dựng, triển khai Đề án nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ định hướng cho công tác điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo trong bối cảnh các thách thức mới nổi về an ninh môi trường biển; phát huy vai trò điều phối của Cơ quan thường trực và Văn phòng Cơ quan thường trực Ủy ban chỉ đạo quốc gia về thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam trong tổ chức thực hiện Chương trình; Phối hợp với Bộ Quốc phòng xây dựng cơ chế, chính sách và các giải pháp phù hợp về quản lý sử dụng hiệu quả các tàu của ngư dân, lực lượng Hải quân, Cảnh sát biển phục vụ công tác điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển; Phối hợp với Bộ Tài chính hướng dẫn sử dụng kinh phí, ngân sách nhà nước thực hiện Chương trình trọng điểm điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo đến năm 2030.

Ba là, xây dựng và ban hành hệ thống các quy chuẩn, tiêu chuẩn và quy định kỹ thuật, định mức kinh tế – kỹ thuật, đơn giá phục vụ công tác điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển.

Bốn là, đa dạng hóa và huy động, bố trí đủ và sử dụng hiệu quả nguồn lực thực hiện các dự án thuộc Chương trình, tập trung xây dựng trình Chính phủ để trình Quốc hội thông qua Nghị quyết về tăng cường nguồn lực đầu tư cho công tác điều tra cơ bản và quản lý tổng hợp và thống nhất về biển, hải đảo phục vụ phát triển bền vững kinh tế biển.

Năm là, tăng cường chất lượng và hiệu quả công tác theo dõi, kiểm tra, đánh giá, sơ kết, tổng kết Chương trình thông qua xây dựng và ban hành bộ tiêu chí dự án đưa vào Chương trình, tiêu chí đánh giá thực hiện các dự án thuộc Chương trình; định kỳ sơ kết, tổng kết các dự án và Chương trình cùng với việc đánh giá thực hiện Nghị quyết số 26/NQ-CP ngày 05 tháng 3 năm 2020 của Chính phủ ban hành Kế hoạch tổng thể và kế hoạch 5 năm của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22 tháng 10 năm 2018 của Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; kịp thời điều chỉnh, bổ sung nội dung Chương trình phù hợp với yêu cầu và tình hình thực tế.

Sáu là, phân công trách nhiệm cụ thể cho các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ thực hiện các nhiệm vụ, dự án cụ thể thuộc Chương trình tại các Phụ lục I, II kèm theo.

Đối với các dự án chuyển tiếp thuộc Phụ lục I Quyết định số 28/QĐ-TTg đã được cấp có thẩm quyền giao cho các đơn vị chủ trì thực hiện thì tiếp tục xây dựng và triển khai theo quy định.

Thông tin, tuyên truyền, phổ biến về chính sách, pháp luật và kết quả công tác điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo

Theo đó, nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền, phổ biến về chính sách, pháp luật và kết quả công tác điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảoKế hoạch gồm: Tổ chức Hội nghị triển khai thực hiện Chương trình trọng điểm điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo đến năm 2030; Rà soát các kết quả, nghiên cứu, biên tập, xuất bản các ấn phẩm và công bố thông tin về công tác điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; trước mắt nghiên cứu, xuất bản Báo cáo thường niên về điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo Việt Nam; Lồng ghép nội dung điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo trong công tác tuyên truyền về biển và hải đảo, phục vụ bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của nước ta trong Biển Đông và phục vụ phát triển bền vững kinh tế biển.

Tăng cường hợp tác quốc tế trong công tác điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo

Một là, xây dựng và thực hiện nội dung hợp tác quốc tế trong các dự án thuộc Chương trình; lồng ghép các nội dung hợp tác quốc tế về điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo trong các dự án hợp tác quốc tế về lĩnh vực tài nguyên, môi trường biển và trong tổ chức thực hiện Đề án hợp tác quốc tế về phát triển bền vững kinh tế biển đến năm 2030, nhiệm vụ trọng tâm đến năm 2025 gồm có: Hợp tác với các nước phát triển trong lĩnh vực tài nguyên, môi trường biển và hải đảo để tiếp nhận, chuyển giao tri thức, công nghệ, đồng thời tổ chức đào tạo lại, đào tạo nâng cao, hình thành đội ngũ cán bộ khoa học, chuyên gia, đặc biệt là các chuyên gia khoa học đầu đàn, cán bộ quản lý nhà nước có trình độ cao về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; Mở rộng quy mô hợp tác quốc tế trong điều tra, nghiên cứu một số vấn đề quan trọng trong Biển Đông nhằm nâng cao giá trị khoa học và thực tiễn của các sản phẩm được tạo ra, tạo bước chuyển biến mới về công nghệ nghiên cứu biển, nâng cao tiềm lực khoa học và công nghệ biển, đẩy mạnh hoạt động đào tạo, chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.

Hai là, có các biện pháp cụ thể huy động sự tham gia của chuyên gia trong và ngoài nước vào quá trình triển khai thực hiện Chương trình, tổ chức các đoàn ra và đoàn vào trao đổi, học tập kinh nghiệm, tham gia hội thảo, hội nghị quốc tế; thuê các tổ chức, cá nhân nước ngoài triển khai thực hiện dự án thuộc Chương trình theo quy định.

Bài viết liên quan