TỌA ĐÀM TRỰC TUYẾN “MÔ HÌNH ĐÔ THỊ GIẢM NHỰA ĐẨY MẠNH PHÁT TRIỂN KINH TẾ BIỂN XANH VÀ DU LỊCH BỀN VỮNG”

10/06/2024

Đứng trước nguy cơ biển, đại dương đang đối mặt với những đe dọa và rủi ro ngày càng tăng của biến đổi khí hậu, ô nhiễm, khai thác quá mức tài nguyên… nếu các quốc gia không hành động kịp thời thì nhiều vùng đảo, ven biển và các hệ sinh thái tự nhiên sẽ biến mất vào năm 2100. Vì vậy, phát triển kinh tế biển xanh đang là xu hướng được nhấn mạnh trên toàn cầu để góp phần hồi sinh biển và đại dương. Là quốc gia có tiềm năng và lợi thế về phát triển kinh tế biển, Việt Nam đã bắt kịp xu hướng này để phát triển kinh tế biển bền vững. Đây cũng là giải pháp nhằm hiện thực hóa mục tiêu đưa đất nước thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển và đạt cơ bản các tiêu chí về phát triển bền vững kinh tế biển.

Trong khuôn khổ các hoạt động của Dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam” do Cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam (WWF-Việt Nam) thực hiện, Ngày 11/3/2024, Dự án đã phối hợp cùng Báo Tài nguyên và Môi trường tổ chức chương trình toạ đàm trực tuyến “Mô hình đô thị giảm nhựa đẩy mạnh phát triển kinh tế biển xanh và du lịch bền vững”.

Tham gia tọa đàm, Ông Nguyễn Đức Toàn – Cục trưởng Cục Biển và Hải đảo Việt Nam; Bà Nguyễn Thị Diệu Thúy – Giám đốc chương trình Giảm Nhựa, Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên WWF tại Việt Nam, và Bà Lê Mộng Thúy,Trưởng ban, Ban quản lý công trình công cộng, huyện Côn Đảo đã chia sẻ nhiều thông tin kết quả của Dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam”.

Tại Tọa đàm, các khách mời đều có chung nhận xét: Dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam” đã và đang được cộng đồng nhiều địa phương trong cả nước ghi nhận, đây là một dự án đã tạo được hiệu ứng lan tỏa, không chỉ thông qua việc hỗ trợ xây dựng các văn bản hướng dẫn, thực hiện các chính sách ưu tiên, mà còn góp phần nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi đối với rác thải nhựa và phân loại rác tại những tỉnh thành có dự án triển khai. Những kinh nghiệm từ Côn Đảo và các địa phương tham gia dự án đã được các vị khách mời chia sẻ, phân tích trong toạ đàm, nhằm làm nổi bật các yếu tố, điều kiện để đạt được những thành công. 


Đặc biệt, với nhiều mô hình, giải pháp được xây dựng và triển khai hiệu quả dựa trên nguồn lực của cộng đồng, các khách mời đều đồng tình rằng sức mạnh của cộng đồng địa phương đóng một vai trò rất quan trọng trong cuộc chiến chống lại ô nhiễm nhựa – khi cộng đồng hiểu những việc làm thiết thực của mình, vì mình thì họ có thể tạo ra những thay đổi lớn. Những mô hình, giải pháp đã được Dự án hỗ trợ xây dựng và triển khai không nhất thiết dập khuôn từ địa phương này sang địa phương khác, mà tùy thuộc vào hoàn cảnh và nguồn lực của từng địa phương.
Dự án được thực hiện chủ yếu ở các địa bàn ven biển và tại các đảo có hoạt động du lịch phát triển mạnh. Quản lý tốt rác thải nói chung, rác thải nhựa nói riêng, là yếu tố quan trọng trong việc giữ gìn môi trường, hình ảnh của địa phương để phát triển ngành du lịch, giữ chân du khách trong và ngoài nước.

Link Youtube:

Bài viết liên quan